Yakutsk - thành phố lạnh nhất thế giới
Thành phố lạnh nhất thế giới nằm ở Siberia, nơi nhiệt độ giảm mạnh xuống âm 76 độ F (~ âm 60 độ C).
- 17-08-2024S&P 500 khép lại tuần tốt nhất năm, nhà đầu tư hoan nghênh dữ liệu kinh tế tích cực
- 17-08-2024Anh và Pháp ‘làm ngơ’ khi ngoại trưởng Israel kêu gọi tấn công Iran
- 17-08-2024Nhà đầu tư mua ròng 14,24 tỷ USD vào các quỹ thị trường tiền tệ toàn cầu
Tuy nhiên, điều khiến không ít người quan tâm là lý do tại sao đó lại là khu vực lạnh đến thế.
Hơn 300 nghìn người sinh sống
Trong chuyến đi vào tháng 9/1902, nhà thám hiểm Nam Cực Ernest Shackleton đã viết cho người bạn Kitty Pogson, một người hoạt động xã hội ở London (Anh). Trong thư, ông mô tả cái lạnh cực độ và những ảnh hưởng thảm khốc của cái lạnh này đối với cả đoàn.
Ông Shackleton viết: “Thật không may, chúng tôi đã mất đi một người trong trận bão tuyết dữ dội do anh ấy rơi xuống một vách đá băng. Đoàn cũng suýt mất đi một trong những trung úy và ba người nữa. Thời tiết bây giờ khá lạnh, nhiệt độ thấp nhất là âm 62 độ F (âm 52,2 độ C)”.
Ngày nay, chỉ có vài nghìn người - chủ yếu là các nhà khoa học - đến thăm Nam Cực mỗi năm. Mặc dù Nam Cực là lục địa lạnh nhất, nhưng cư dân thành phố ở những nơi khác trên thế giới thường xuyên phải chịu nhiệt độ “thấu xương” không kém.
Vậy, thành phố lạnh nhất thế giới là ở đâu? Vị trí đó thuộc về Yakutsk. Nằm ở Siberia, một trong những khu vực lạnh nhất và dân cư thưa thớt nhất thế giới, Yakutsk là nơi sinh sống của khoảng 336.200 người. Nhiều người trong số họ làm việc cho Alrosa - một công ty điều hành mỏ kim cương trong thành phố.
Nhiệt độ ở Yakutsk đã lạnh tới âm 76 độ F (âm 60 độ C). Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, một số người dân khẳng định, họ đã trải qua những ngày lạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, họ không thể xác minh điều đó vì nhiệt kế chỉ hiển thị ở mức âm 63 độ C (âm 81,4 độ F).
Yakutsk có nhiệt độ trung bình hằng năm là 18,5 độ F (âm 7,5 độ C). Con số này do Climate-Data.org cung cấp, lấy dữ liệu từ tổ chức liên chính phủ Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung bình Châu Âu. Nhiệt độ trung bình ở Yakutsk dưới 32 độ F (0 độ C) suốt 6 tháng trong năm, với mức thủy ngân đạt tối đa khoảng 68 độ F (20 độ C) vào tháng Bảy.
Yakutsk là thành phố lớn nhất được xây dựng trên vùng đất đóng băng vĩnh cửu. Theo tạp chí SiteNews, hầu hết toà nhà trong thành phố đều được xây dựng trên cột để nhiệt lượng chúng tạo ra không làm tan chảy các lớp đóng băng bên dưới.
Không khí ấm áp từ các tòa nhà cũng có thể khiến thành phố bị bao phủ trong sương mù. Lý do là vì nhiệt độ lạnh khiến không khí nóng từ nhà ở, ô tô không thể bốc lên cao được.
Vĩ độ cao và khối đất liền lớn
Tuy nhiên, nhiệt độ lạnh giá tại Yakutsk không thực sự ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nơi đây. Một nghiên cứu được công bố trên BMJ cho thấy, tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến cảm lạnh không tăng ở Yakutsk khi nhiệt độ giảm (như trường hợp ở các nước châu Âu khác).
Đó là vì người dân thường mặc quần áo thật ấm và ở trong nhà. “Chỉ cần mặc ấm, nhiều lớp, giống như bắp cải”, bà Nurgusun Starostina, một cư dân nói với Reuters vào năm 2023. Tuy nhiên, trong khi Yakutsk là thành phố lạnh nhất, thì có những nơi với ít dân cư thậm chí còn lạnh giá hơn.
Oymyakon, một khu định cư ở Siberia với khoảng 500 người, đã đạt tới nhiệt độ băng giá âm 96,2 độ F (âm 71,2 độ C) vào năm 1924. Điều đáng ngạc nhiên là Yakutsk và Oymyakon không gần nhau. Chúng cách nhau 577 dặm (928 km). Với khoảng cách này, người dân sẽ mất khoảng 21 giờ để lái xe từ Yakutsk đến Oymyakon.
Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao hai khu vực này lại lạnh thấu xương đến vậy? Con người vẫn tiếp tục sống trong những môi trường khó khăn, tàn nhẫn này? Ông Alex DeCaria - Giáo sư khí tượng học tại Trường Đại học Millersville ở Pennsylvania (Mỹ) cho biết, Siberia rất lạnh do “sự kết hợp giữa vĩ độ cao và khối đất liền lớn như vậy”.
Nhiệt độ toàn cầu cực đoan - cả cao và thấp - có xu hướng xảy ra trên các lục địa vì đất liền nóng lên và nguội đi nhanh hơn đại dương. Trong trường hợp của Siberia, lớp phủ băng tuyết cũng đóng một vai trò nào đó.
Bởi, chúng giúp giữ cho khu vực này mát mẻ bằng cách phản chiếu bức xạ Mặt trời tới không gian. Sự kết hợp của các yếu tố này đã dẫn tới việc hình thành một vùng áp suất cao bán cố định rộng lớn trên khắp Siberia vào mùa Đông, được gọi là “Đỉnh Siberia”.
Giáo sư DeCaria giải thích: “Áp suất cao trên các lục địa có vĩ độ cao thường được biết đến là có không khí ổn định, độ ẩm thấp và bầu trời trong xanh, dẫn đến nhiệt độ bề mặt rất lạnh”.
Đó là bởi vì độ ẩm thấp và bầu trời trong xanh cho phép bức xạ sóng dài (hồng ngoại và vi sóng) do Trái đất phát ra đi lên đỉnh khí quyển, phát vào không gian, dẫn đến nhiệt độ bề mặt lạnh. Các nhà khoa học cũng quan sát về điều kiện ở Yakutsk và Oymyakon.
Kết quả cho thấy, địa hình cũng đóng một vai trò quan trọng. Jouni Räisänen - giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hệ thống Khí quyển và Trái đất (INAR) tại Trường Đại học Helsinki ở Phần Lan, giải thích: “Những nơi này nằm trong các thung lũng địa phương, được bao quanh bởi địa hình cao hơn”.
Hậu quả là không khí lạnh dễ dàng hình thành trong điều kiện mùa Đông”. Những không khí lạnh, tương đối “nặng” này có thể bị mắc kẹt gần đáy thung lũng. Chuyên gia Räisänen lưu ý, đối với Oymyakon, hiệu ứng này được khuếch đại bởi độ cao tương đối lớn của các dãy núi xung quanh, giúp “che chở không khí lạnh” khỏi hòa trộn với không khí ấm hơn.
Vậy tại sao nhiều người vẫn tiếp tục sống ở những địa điểm khắc nghiệt như vậy ở Siberia? Bà Cara Ocobock - nhà nhân chủng học sinh học và giám đốc Phòng thí nghiệm Năng lượng Con người tại Đại học Notre Dame (Mỹ) cho biết: “Tôi nghĩ mọi người tự hào về nơi họ sống cũng như sự khéo léo mà họ có để tồn tại thành công ở những nơi khắc nghiệt”.
Tại Yakutsk, khu vực này trải qua mùa Hè ngắn nhưng ấm áp với nhiệt độ năm 2011 lên tới 38,4 độ C. Trái lại, thành phố cũng có mùa Đông dài cực lạnh. Năm 1891, nhiệt độ hạ tới âm 64,4 độ C. Nằm dọc sông Lena, trong những tháng mùa Đông ở Yakutsk, mặt sông đóng băng và đủ cứng để trở thành đường.
Giáo dục và Thời đại