Yếu tố nào giúp tỷ giá VNĐ/USD tháng 9 tiếp tục tăng?
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD bình quân tháng 9/2021 tăng 0,4% so với tháng trước trên thị trường chính thức trong nước, sau khi đã tăng 0,7% trong tháng 8.
- 13-10-2021Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%
- 13-10-2021WB lý giải nguyên nhân tháng 9 ghi nhận bội chi lớn, nhưng cân đối ngân sách 9 tháng vẫn bội thu
- 13-10-2021Bloomberg: Các 'ông lớn' Samsung, Intel dự kiến khôi phục sản xuất hoàn toàn vào tháng tới?
Các chuyên gia của WB phân tích, việc đồng nội tệ tiếp tục mạnh lên là do cán cân thương mại và giải ngân vốn FDI được cải thiện. Sau 2 tháng tăng liên tiếp, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) đi ngang trong tháng 9.
Cán cân thương mại được cải thiện
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2021, Việt Nam xuất siêu khoảng 360 triệu USD. Theo đó, đây là tháng đầu tiên ghi nhận thặng dư thương mại kể từ tháng 4/2021.
Cụ thể, tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 9/2021 có xu hướng chững lại, chỉ tăng ở mức 9,5% so cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia của WB nhận định, với xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu và nhu cầu trong nước còn yếu, việc nhập khẩu tăng trong tháng 9 có thể chủ yếu do giá hàng hóa thế giới tăng vọt và các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, khiến giá nhập khẩu tăng cao.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gần như đi ngang, chủ yếu là do xuất khẩu giày da, dệt may và gỗ có xu hướng giảm. Cụ thể, xuất khẩu của nhóm ngành này trong tháng 9 giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước 2020.
Nguồn: WB
Ngoài ra, các quy định về giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của nhóm ngành này do tính chất thâm dụng lao động trong quy trình sản xuất.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 của các sản phẩm công nghệ cao vẫn tiếp tục trên đà tăng. Theo đó, so với cùng kỳ năm 2020, điện thoại tăng 15,2%; máy móc, thiết bị tăng 10,9%; máy vi tính và sản phẩm điện tử tăng 3,0%. Kim ngạch xuất khẩu kim loại và các sản phẩm kim loại cũng tăng mạnh ở mức 75,5% do giá kim loại trên thị trường thế giới tăng cao.
Riêng xuất khẩu dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng do đóng cửa biên giới, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu dịch vụ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020 do chi phí vận tải và bảo hiểm tăng vọt.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp
Về tình hình vốn FDI, báo cáo cho biết, vốn FDI đăng ký tháng 9/2021 tăng 26,1% so với tháng trước. Điều này nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 90,7% so với tháng trước.
Trong đó có khoản đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD vào ngành điện tử của một công ty Hàn Quốc. Về tổng thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: WB
"Đây là một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn", báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhờ các quy định giãn cách được nới lỏng, vốn FDI thực hiện cũng có xu hướng phục hồi, tăng 57,4% so với tháng 8/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, vốn FDI thực hiện giảm 3,5% so cùng kỳ năm 2020.