MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yếu tố sống còn giúp thu nhập bình quân Việt Nam vượt 14.000 USD, trở thành "con hổ" châu Á mới như Hàn Quốc, Singapore

13-09-2024 - 16:13 PM | Kinh tế số

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam hướng tới trở thành nước phát triển phát triển thu nhập cao. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng để hiện thực hóa khát vọng này.

Yếu tố sống còn giúp thu nhập bình quân Việt Nam vượt 14.000 USD, trở thành "con hổ" châu Á mới như Hàn Quốc, Singapore- Ảnh 1.

Đổi mới sáng tạo – Động lực dẫn đường cho nền kinh tế

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế - Paul Krugman khẳng định rằng, năng suất lao động là yếu tố cốt lõi quyết định đến sự thành công của mọi nền kinh tế trong dài hạn. Đối với Việt Nam, việc nâng cao năng suất lao động thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là chìa khóa vàng để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045, với mức thu nhập trên 14.000 USD/người theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2024 từng nhận định: “Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng”.

Nhìn vào kinh nghiệm của các con hổ châu Á như Hàn Quốc hay Singapore, có thể thấy rằng, sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đã biến các quốc gia này thành con hổ châu Á, trở thành các nước phát triển, thu nhập cao. Cả hai nước này đã xây dựng các chiến lược dài hạn tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như tối ưu hóa nguồn lực xã hội để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Điều này minh chứng rằng, tiếp tục phát huy vai trò của công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể sớm trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á. Thực tế, Việt Nam đã từng bước thực hiện mục tiêu lớn và đạt được những thành quả đáng trân trọng.

Như ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) chia sẻ, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo, tận dụng các thế mạnh của mình nhanh chóng bắt kịp thế giới trong lĩnh vực công nghệ.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu năm 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam đã tăng 2 bậc, xếp hạng 46/132 quốc gia và nền kinh tế, đánh dấu bước tiến quan trọng so với năm 2022. Việt Nam cũng duy trì vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang đi đúng hướng trong hành trình trở thành một nền kinh tế phát triển.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (5), Malaysia (36), và Thái Lan (43), nhưng là một trong những quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Hơn nữa, Việt Nam là một trong ba quốc gia giữ thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong suốt 13 năm liên tiếp. Đây là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc phát triển đổi mới sáng tạo, một yếu tố quan trọng giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thúc đẩy làn sóng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn

Yếu tố sống còn giúp thu nhập bình quân Việt Nam vượt 14.000 USD, trở thành "con hổ" châu Á mới như Hàn Quốc, Singapore- Ảnh 2.

Hiện nay, Việt Nam đã từng bước chuyển mình từ "bắt kịp công nghệ" sang "phát triển công nghệ" nhờ việc thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nổi bật là việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia. Các nền tảng này đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đạt được những kết quả đáng kể trong việc duy trì sự phục hồi và phát triển kinh tế.

Việt Nam cũng đã có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo, với sự tham gia của hàng nghìn chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đội ngũ này kết hợp với việc phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào tháng 10/2023, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Việc xây dựng các khu công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu như NIC sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để nhân tài phát huy tối đa khả năng. Đồng thời, NIC giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong các lĩnh vực công nghệ mới.

Mới đây, “NIC đã chính thức ra mắt Nền tảng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - một “nền tảng tri thức” kết nối đội ngũ chuyên gia hàng đầu với các startup và doanh nghiệp. Nền tảng này như một cầu nối, giúp các nhân tài Việt trên khắp thế giới tương tác, tạo ra những ý tưởng mới mẻ và cùng hiện thực hóa những ý tưởng thành những sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước”, Giám đốc NIC cho biết.

Qua đó thấy được, NIC đã đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực phát triển đổi mới sáng tạo của Việt Nam. NIC đã tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Điều này đóng góp tích cực vào việc thay đổi quy trình công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với các bước đi đúng đắn trong phát triển chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đạt được mục tiêu lớn vào năm 2045. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, với vai trò dẫn dắt của những tổ chức như Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Sự đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực chiến lược này sẽ là chìa khóa để Việt Nam vượt qua các thách thức và vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập cao, sánh vai với các nước lớn trên thế giới.

Minh Tiến

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên