12 công ty của Phạm Công Danh khuynh đảo VNCB thế nào?
12 công ty pháp nhân thuộc tập đoàn Thiên Thanh, đã lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, trả nợ khống…
12 công ty lập hồ sơ khống rút 4.700 tỷ đồng
12 pháp nhân thuộc tập đoàn Thiên Thanh gồm các công ty: Thịnh Quốc, Đại Hoàng Phương, Cường Tín, Thanh Quang, Nhất Nhất Vinh, Phước Đại, Toàn Tâm, An Phát, Hương Việt, Thành Trí, IDICO và Quang Đại.
12 công ty này đã lập hàng chục bộ hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, trả nợ khống; lập các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua, bán nguyên vật liệu khống; không tiến hành thực tế hồ sơ vay; các lô đất thuộc Sân Vận động Chi Lăng và đất tại 209 Trường Chinh, TP. Đà Nẵng đã được đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV (chưa được giải chấp), nhưng vẫn được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại VNCB ; nâng khống giá trị tài sản đảm bảo lên nhiều lần so với giá trị thực tế.
Như vậy, trong 2 đợt cuối năm 2012 và đầu năm 2014, VNCB chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang đã tiếp nhận hồ sơ và giải ngân cho 12 công ty trên vay 4.700 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho các khoản vay trên là 13 lô đất Sân Vận động Chi Lăng và đất tại 209 Trường Chinh, TP.Đà Nẵng (đã được đảm bảo cho khoản vay tại BIDV và chưa được giải chấp).
Các lô đất này của tập đoàn Thiên Thanh được Phạm Công Danh chỉ đạo định giá nâng lên gấp 04 lần so với giá trị thực (từ mức 2.604 tỷ đồng nâng lên mức 8.503 tỷ đồng).
VNCB mất 470 tỷ đồng cho 02 công ty vay mua, bán bất động sản khống
Cuối năm 2012, VNCB đã cho 02 công ty TNHH MTV: Thịnh Quốc (công ty Thịnh Quốc) và Đại Hoàng Phương (Đại Hoàng Phương) vay 370 tỷ đồng và 280 tỷ đồng.
Cả hai công ty này đều do Phạm Công Danh lập ra. Công ty Thịnh Quốc do Phạm Quốc Thịnh làm Giám đốc, được nhận lương 5 triệu đồng/tháng, sau nâng lên 10 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền Thịnh nhận được là 275 triệu đồng từ việc làm giám đốc.
Công ty Đại Hoàng Phương do Bùi Thị Hà Thu, nhân viên của tập đoàn Thiên Thanh làm Giám đốc, lương 10 triệu đồng/tháng, tổng cộng Thu nhận được 392 triệu đồng từ việc làm giám đốc.
Công ty Thịnh Quốc và công ty Đại Hoàng Phương liên kết với nhau góp vốn theo tỷ lệ 55% - 45% để cùng mua lô đất 03 của công ty Nhà Quốc Thắng, tại khu vực Sân vận động Chi Lăng, TP. Đà Nẵng, trị giá 939 tỷ đồng.
Để có tiền mua đất, Nguyễn Quốc Thịnh ký giấy đề nghị vay 370 tỷ đồng và công ty Đại Hoàng Phương cũng ký giấy đề nghị vay 280 tỷ đồng của VNCB chi nhánh Sài Gòn, mục đích kinh doanh bất động sản, hợp tác với công ty Đại Hoàng Phương (góp vốn tỷ lệ 55% - 45%) để mua lô đất 03 của công ty Nhà Quốc Thắng, tại khu vực Sân vận động Chi Lăng.
Phương án vay vốn và trả nợ từ doanh thu và lợi nhuận của việc chuyển nhượng lại bất động sản này cho công ty TNHH MTV Xây dựng và Đầu tư phát triển địa ốc Bảo Gia với giá 1.239 tỷ đồng.
Ngày 28/12/2012, Hội đồng tín dụng VNCB đã cho công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng, công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng, lãi suất 15%/năm, thời hạn vay 12 tháng. Tài sản đảm bảo của 02 hợp đồng vay này đều là lô đất 03 ở trên có giá trị là 913 tỷ đồng.
Hai khoản giải ngân là: 370 tỷ đồng và 280 tỷ đồng được VNCB chuyển vào tài khoản tương ứng của công ty Thịnh Quốc và công ty Đại Hoàng Phương, sau đó 02 khoản tiền này được chuyển vào tài khoản của công ty Nhà Quốc Thắng. Công ty Nhà Quốc Thắng chuyển lại 560 tỷ đồng vào tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh sử dụng.
Hiện VNCB không thể thu hồi số tiền 268 tỷ đồng của công ty Thịnh Quốc và 202 tỷ đồng của công ty Đại Hoàng Phương.
10 công ty vay 3.750 tỷ đồng bằng phương án mua, bán khống nguyên vật liệu xây dựng
Đầu năm 2014, VNCB đã cho 10 công ty vay vốn gồm:
1. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng - Cường Tín vay 450 tỷ đồng
2. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng – Thanh Quang vay 450 tỷ đồng
3. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng – Quang Đại vay 380 tỷ đồng
4. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng – Phước Đại vay 450 tỷ đồng
5. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ - Nhất Nhất Vinh vay 420 tỷ đồng
6. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ - Toàn Tâm vay 260 tỷ đồng
7. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ - An Phát vay 440 tỷ đồng
8. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng – Hương Việt vay 350 tỷ đồng
9. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng – Thành Trí vay 330 tỷ đồng
10. Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng và Du lịch - IDICO vay 220 tỷ đồng.
Phương thức mà 10 công ty của Phạm Công Danh tham gia rút tiền tại VNCB giống nhau:
Các công ty trên ký hợp đồng mua vật liệu xây dựng với các công ty cung ứng (đầu vào) và bán lại nguyên vật liệu đã mua với các công ty khác (đầu ra).
Phương án vay vốn và trả nợ vay là từ doanh thu và lợi nhuận của việc kinh doanh vật liệu xây dựng.
Tài sản đảm bảo là các lô đất tại khu vực Sân vận động Chi Lăng, TP.Đà Nẵng được Phạm Công Danh chỉ đạo nâng khống giá trị gấp 4 lần giá trị lô đất (đã được thế chấp tại BIDV và chưa giải chấp).
Như vậy, theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, toàn bộ số tiền mà VNCB đã cho 10 công ty trên vay đều được chuyển về tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh, hòa chung vào nhau để Phạm Công Danh chi trả BIDV 2.600 tỷ đồng và tiền "chăm sóc khách hàng".
Với khoản tiền 4.700 tỷ đồng được Phạm Công Danh chỉ đạo chuyển qua nhiều tài khoản của các công ty của Phạm Công Danh, tiếp đó được chuyển đến nhiều tài khoản mở tại các ngân hàng (BIDV, Sacombank, Eximbank, VNCB) đứng tên 15 cá nhân là nhân viên của tập đoàn Thiên Thanh.
Các khoản tiền này được Danh chỉ đạo chuyển lòng vòng để trả nợ 2.600 tỷ đồng cho BIDV. Lý do: trả nợ thay cho các công ty của tập đoàn Thiên Thanh vay trong khoản vay 4.700 tỷ đồng của BIDV.
Vì từ ngày 18/10/2013 - 31/10/2013, 04 chi nhánh của BIDV: Bến Thành, Nam Sài Gòn, Gia Định, Sở giao dịch 2 đã ký 12 hợp đồng với 12 công ty của Phạm Công Danh trong tập đoàn Thiên Thanh, mục đích sử dụng vốn vay là “mua vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động kinh doanh”, tài sản đảm bảo là lô đất 209 Trường Chinh, 06 lô đất Sân vận động Chi Lăng, TP. Đà Nẵng và 3.070 tỷ đồng tiền của của VNCB tại BIDV.
Ngay sau khi ký hợp đồng tín dụng, 04 chi nhánh của BIDV đã giải ngân số tiền 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty (Cường Tín: 320 tỷ đồng; Phú Nguyễn: 460 tỷ đồng; Tuấn Văn: 430 tỷ đồng; Thanh Quang: 380 tỷ đồng; An Phát: 380 tỷ đồng; Nhất Nhất Vinh: 350 tỷ đồng: Phong Hiệp: 430 tỷ đồng: Quang Đại: 350 tỷ đồng: Phước Đại: 390 tỷ đồng; Thành Trí: 420 tỷ đồng; Phúc Phạm: 450 tỷ đồng; Hương Việt: 340 tỷ đồng).
Do các khoản vay thế chấp bằng bất động sản đã đến hạn nên Phạm Công Danh phải triển khai thu xếp trả nợ cho BIDV.
Xác minh tại VNCB: các khoản vay nợ của 12 công ty trên là 4.700 tỷ đồng đã quá hạn, đến nay VNCB không thể thu hồi khoản tiền nay.
Ngày 4/9/2014: Công ty Thẩm định giá Miền Nam định giá tài sản đảm bảo là 13 lô đất thuộc khu vực Sân vận động Chi Lăng, TP.Đà Nẵng và lô đất số 209 Trường Chỉnh, An khê, Đà Nẵng có tổng giá trị 2.606 tỷ đồng. Như vậy, VNCB còn 2.095 tỷ đồng đã cho vay mất khả năng thu hồi.
BizLIVE
Sự kiện: Đại án Phạm Công Danh
Xem tất cả >>- Ngân hàng Xây dựng phải trả gần 70.000 m2 đất cho Bất động sản Phú Mỹ
- Đại án Phạm Công Danh: Lo ngại về các rủi ro không thể dự đoán
- Ngày 27/12, xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
- Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
- Làm rõ trách nhiệm liên quan Hà Văn Thắm trong đại án Ngân hàng Xây dựng