MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

14 ngày chiến sự Nga - Ukraine đã thay đổi thế giới như thế nào?

09-03-2022 - 09:09 AM | Tài chính quốc tế

Trên bình diện quốc tế, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động tới kinh tế, an ninh, địa chính trị, khiến nhiều tổ chức phải thay đổi cách thức hoạt động.

Dưới đây là những thay đổi lớn trong 14 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Thay đổi trật tự thế giới

Chiến sự Ukraine đã tạo ra một trong những thay đổi quan trọng nhất trong trật tự địa chính trị trên thế giới kể từ cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.

Sau sự kiện ngày 11/9, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà lãnh đạo phương Tây. Việc tiêu diệt các tổ chức khủng bố như Al Qaeda và IS trở thành mục tiêu hàng đầu. Ở thời điểm đó, phương Tây không chú trọng nhiều đến cuộc đối đầu với Nga. Năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chỉ trích ứng viên tổng thống Mitt Romney vì ông này cho Nga là đối thủ địa chính trị số một của Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Nga đã trở thành một cường quốc lớn, là trung tâm của an ninh Âu - Á, ngày càng khẳng định vị thế như một cực đối trọng với phương Tây. Sự "hồi sinh" của Nga là điều Mỹ và EU không mong muốn bởi Washington muốn duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu.

Nhiều quyết định của Mỹ và phương Tây vấp phải sự phản đối của Nga cũng như sự phủ quyết của nước này tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Chưa kể, có rất nhiều sự kiện đặc biệt khoét sâu mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, trong đó phải kể đến việc Nga công nhận độc lập cho 2 khu vực ly khai tại Gruzia năm 2008 – thời điểm mà Gruzia đang phát triển quan hệ gần gũi hơn với châu Âu. Tiếp đến là việc hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại phiến quân, khủng bố và nhiều lực lượng do phương Tây hậu thuẫn. Nga đã phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014 và ủng hộ phe ly khai tại Ukraine.

Bất chấp những mâu thuẫn đó, Nga là một nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhà cung cấp năng lượng chính của châu Âu, giúp thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế lớn như thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Thế nhưng mọi thứ đã đảo ngược sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Sau 1/4 thế kỷ duy trì quan hệ hợp tác lẫn đối đầu, phương Tây đã “giáng đòn mạnh” vào Nga bằng các biện pháp trừng phạt chưa từng có, khiến nền kinh tế Nga lao đao, giá trị đồng rúp sụt giảm. Mỹ và châu Âu thậm chí còn áp lệnh trừng phạt với Tổng thống Putin, nhiều nhân vật cốt cán trong chính phủ Nga và giới tài phiệt Nga. Trong bài phát biểu ngày 2/3, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Ông Putin hiện đã bị cô lập với thế giới hơn bất cứ thời điểm nào”.

Châu Âu bị cú sốc chiến tranh

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu phải đưa ra những quyết định về an ninh và kinh tế chưa từng có. Suốt nhiều năm qua, EU là một tổ chức kinh tế mạnh nhất trên thế giới, nhưng khối này vẫn chưa thể biến điều đó thành sức mạnh chính trị tương đương.

Các nước thành viên EU nhiều lần bị chia rẽ khi đứng trước những quyết định đối ngoại quan trọng. Sự chia rẽ này đã cản trở tham vọng toàn cầu của EU bởi nhiều đề xuất chính sách được đưa ra trong các cuộc đàm phán không được thông qua hoặc bị phủ quyết.

Tuy vậy, tư duy của châu Âu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã thay đổi trong một thời gian ngắn sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo cách nói ví von của một số nhà phân tích, EU dường như đang tỉnh giấc sau một cơn mơ kéo dài hàng thập kỷ khi cho rằng, sự liên kết của thế giới hiện nay sẽ ngăn chặn được xung đột trên lục địa già và nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, Mỹ sẽ đảm nhận vai trò đầu tàu để giải quyết nó.

Cú sốc chiến tranh đã khiến 27 nước thành viên trong EU đoàn kết với nhau. EU hiện đang sử dụng sức mạnh kinh tế để thực hiện mục đích địa chính trị với việc áp đặt gói trừng phạt mạnh nhất vào Nga. Lần đầu tiên, khối này quyết định cung cấp tài chính để tài trợ vũ khí cho Ukraine. Đức – quốc gia từ lâu vẫn theo đuổi lập trường không cung cấp vũ khí cho nước đang có chiến tranh, đã quay ngoắt 180 độ, với quyết định trang bị vũ khí cho Ukraine và tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết: “Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã phá tan ảo tưởng rằng an ninh và ổn định tại châu Âu được đảm bảo hoàn toàn miễn phí. Hiện giờ, một cuộc chiến tranh đang xảy ra ở biên giới của chúng tôi. Chúng tôi đều nhận thức rõ rằng, chúng tôi phải hy sinh lợi ích và phải hành động cùng nhau”.

Thị trường năng lượng và lương thực trên thế giới chao đảo

Giá xăng tại Mỹ đã tăng mạnh nhất kể từ khi cơn bão Katrina đổ bộ vào nước này vào năm 2005. Các chuyên gia lo ngại rằng giá thực phẩm có thể tiếp tục leo thang sau khi tăng mạnh vào năm 2021. Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cảnh báo rằng các chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa. Các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đồng loạt giảm điểm trong một tuần qua và châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng lớn.

Chiến sự tại Ukraine đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Mặc dù châu Âu luôn có ý tưởng phải loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga nhưng đến thời điểm hiện tại, Moscow vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ và khi đốt tự nhiên lớn nhất của EU. Tất nhiên, châu Âu vẫn có thể tự lực cánh sinh nếu Nga cắt đứt nguồn cung, nhưng điều này không hề dễ dàng và cái giá phải trả cũng rất đắt.

Xung đột Nga-Ukraine cũng ảnh hưởng đến bữa ăn của các gia đình. Nga và Ukraine nằm trong số những quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới. Theo S&P Global, 2 nước này chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.

Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết, hiện giờ tại Ukraine có khoảng từ 3 đến 5 triệu người cần hỗ trợ lương thực ngay lập tức. Ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) cho biết: “Xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng, trong khi nhiều nơi trên thế giới vẫn đang thiếu hụt lương thực”.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mặc dù Ukraine được mệnh danh là “vựa bánh mì” của châu Âu, nhưng Trung Đông mới là nơi lo ngại nhiều nhất bởi đây là khách hàng mua lúa mì lớn thứ 3 của Kiev trong năm tài chính 2020/2021. Ước tính hơn 40% sản lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine được đưa tới Trung Đông hoặc châu Phi./.

Theo Hồng Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên