MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

14% thế giới giữ 53% lượng vaccine COVID-19: Chuyện tích trữ của nước giàu và lời khẩn nài của WHO

26-02-2021 - 16:59 PM | Tài chính quốc tế

14% thế giới giữ 53% lượng vaccine COVID-19: Chuyện tích trữ của nước giàu và lời khẩn nài của WHO

Bằng cách thu mua thêm vaccine cho mình, các nước giàu đang gây tổn hại tới COVAX và khiến đại dịch kéo dài, người đứng đầu WHO nhận định.

Lời khẩn nài của giám đốc WHO

Do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên minh vaccine GAVI và liên minh phát kiến dịch tễ CEPI thành lập, COVAX - một chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu được thiết kế để khiến vaccine Covid-19 được tiếp cận một cách đồng đều, công bằng giữa cuộc chạy đua tiêm chủng, đặc biệt với các nước không có khả năng mua vaccine ngoài thị trường mở.

COVAX thương thảo để mua vaccine số lượng lớn từ các công ty dược phẩm và cũng có thể nhận vaccine do các nước giàu tài trợ. Những quốc gia nghèo hơn được cấp vaccine miễn phí từ sáng kiến - và các nước giàu hơn cũng có thể mua lại từ COVAX, như một cách để đa dạng nguồn cung.

Tuy nhiên, sáng kiến này gặp rất nhiều trở ngại. Mặc dù một số nước giàu đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng của mình, mãi đến ngày 24/2 lô vaccine đầu tiên của COVAX mới tới Ghana.

Vì sao mọi việc không diễn tiến nhanh chóng hơn?

Theo AP, câu trả lời là: Không đủ vaccine!

Nguồn cung vaccine Covid-19 của thế giới cực kì hạn chế - các công ty đang chật vật sản xuất thêm - và các chuyên gia dự đoán rằng, sẽ không có đủ số liều vaccine để chủng ngừa toàn cầu cho tới 2023, 2024.

Trong khi các nước thu nhập trung bình và cao dự trữ hơn 5 tỉ liều, thì COVAX mới đạt thỏa thuận cho hơn 1 tỉ liều vaccine - và không phải toàn bộ số này đã được hợp đồng chắc chắn.

Sáng kiến đã nhận hàng tỉ USD nhưng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng, tiền gần như không có nghĩa lý gì nếu không có vaccine để mua. Ông nài nỉ các nước giàu đừng thương thảo mua thêm vaccine dự trữ bởi hành động này sẽ làm tê liệt các thỏa thuận mà COVAX đã có.

Các nước giàu - với số dân chiếm hơn 14% toàn thế giới - đã mua hơn 53% lượng vaccine, chủ yếu từ thỏa thuận đặt hàng mua trước.

Hiện nay cầu vượt quá cung và ngay cả những nước giàu hơn cũng không thể đẩy nhanh tiêm chủng. Dù vậy, nhiều khả năng họ sẽ làm được điều đó trong khoảng thời gian tính bằng tháng - ví dụ như Mỹ là mùa hè năm nay - trong khi đó có những nước nghèo sẽ mất hàng năm trời.

 14% thế giới giữ 53% lượng vaccine COVID-19: Chuyện tích trữ của nước giàu và lời khẩn nài của WHO - Ảnh 1.

Vaccine trong chương trình COVAX đang được vận chuyển. Ảnh: WHO

Mặc dù G7 hứa hẹn đảm bảo tiếp cận công bằng đối với vaccine Covid-19 và cam kết chi 7,5 tỉ USD cho COVAX, hiện vẫn còn rất ít thông tin từ các nước như Anh, Đức, Pháp về việc khi nào họ sẵn sàng quyên góp số vaccine còn thừa.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa hẹn tài trợ 5% số vaccine cho COVAX nhưng Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói rằng, "thật khó để khẳng định chắc chắn" khi nào hay bao nhiêu vaccine nước Anh có thể quyên góp.

Một số nước giàu có hơn đã bị chỉ trích vì thu mua lượng lớn vaccine - chẳng hạn như Anh quốc. London đã đạt thỏa thuận mua đủ số vaccine cho gấp 5 lần số dân.

Các nước giải thích rằng họ phải giành được các thỏa thuận trước khi biết vaccine nào có hiệu quả - và hứa hẹn sẽ quyên góp số còn thừa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các nước nhiều khả năng sẽ không tài trợ bất cứ liều vaccine nào cho tới khi họ biết miễn dịch kéo dài bao lâu và chống lại các biến thể nào.

Bằng cách thu mua thêm vaccine cho mình, các nước giàu đang gây tổn hại tới COVAX và khiến đại dịch kéo dài, người đứng đầu WHO nhận định với NYT.

"Đây không phải là vấn đề từ thiện", ông Ghebreyesus nói, "Đây là vấn đề dịch tễ".

Mục tiêu công bằng khó đạt tới của COVAX

Không phải nước nào cũng có khả năng mua vaccine Covid-19 và trong các đại dịch trước đây, bao gồm cả dịch cúm 2009, vaccine bị các nước giàu đầu cơ tích trữ cho tới khi dịch bệnh kết thúc. Trong cuộc khủng hoảng đại dịch HIV, phải vài năm sau khi được giới thiệu ở phương Tây, các biện pháp điều trị duy trì sự sống mới được áp dụng ở châu Phi.

Mục tiêu ban đầu của COVAX là đưa vaccine đến với các quốc gia nghèo tương đương với thời điểm các nước giàu bắt đầu chương trình tiêm chủng. Mặc dù đã bỏ lỡ mục tiêu đó, COVAX vẫn hy vọng có thể chuyển giao khoảng 2 tỉ liều vaccine cho hơn 90 quốc gia vào cuối năm nay.

COVAX chỉ lên kế hoạch cung cấp đủ vaccine để chủng ngừa cho khoảng 20 - 30% dân số các quốc gia nghèo hơn - một tỷ lệ vẫn khiến các nước này đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Theo ước tính của giới chuyên gia, ít nhất 70% dân số cần được bảo vệ trước Covid-19 để ngăn ngừa khả năng bùng dịch trong tương lai.

Ngoài ra, COVAX cũng không thể bắt đầu chuyển giao bất kỳ loại vaccine nào cho tới khi chúng được cấp quyền sử dụng khẩn cấp bởi WHO.

Tới nay mới chỉ có hai loại vaccine được WHO bật đèn xanh. Đó là vaccine của Pfizer-BioNTech và vaccine của AstraZeneca, trong đó sản phẩm của AstraZeneca chiếm đa số lượng vaccince mà COVAX đã thỏa thuận và vừa mới được cấp phép tuần trước.

Kate Elder của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (DWB) gọi lô vaccine đầu tiên của COVAX cho Ghana là một "khởi đầu rất nhỏ bé và muộn màng" đối với miễn dịch toàn cầu. DWB đề xuất hoãn chuyển giao vaccine cho các nước giàu "trong khi thế giới tìm cách bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất ở các nước đang phát triển".

Ngoài việc coi chia sẻ vaccine rộng rãi là bổn phận đạo đức, các nhà khoa học còn cảnh báo: Để virus corona chủng mới lây lan tự do trong bất cứ cộng đồng nào là một nguy cơ toàn cầu bởi điều đó có thể dẫn tới những biến thể mới nguy hiểm có khả năng gây truyền nhiễm sau này - kể cả đối với những người đã nhiễm bệnh hoặc những người đã tiêm vaccine phòng ngừa.

Theo Thi Anh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên