200.000 tấn lợn đã được 'giải cứu', giá bắt đầu tăng trở lại
Bên cạnh việc có hơn 200.000 tấn lợn đến lứa xuất chuồng được "giải cứu", giá thịt lợn cũng đã tăng lên đáng kể từ 2.000 - 8.000 đồng/kg tại nhiều địa phương và có xu hướng tăng tiếp trong thời gian tới.
- 19-05-2017Đã 'giải cứu' được hơn 200.000 tấn thịt lợn tồn trong dân
- 07-05-2017Những phát ngôn ấn tượng của hai thứ trưởng nông nghiệp về giải cứu thịt lợn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau khi Bộ này phát động chương trình "giải cứu" thịt lợn giúp người chăn nuôi, tính đến 18.5 đã có trên 200.000 tấn lợn đến lứa xuất chuồng được "giải cứu". Đặc biệt, giá thịt lợn đã tăng lên đáng kể từ 2.000 - 8.000 đồng/kg tại nhiều địa phương và có xu hướng tăng tiếp trong thời gian tới.
Cụ thể, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai đã tăng 1.000 – 3.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng, hiện đạt 26.000 - 27.000 đồng/kg; Vĩnh Long tăng 3.000 đồng/kg, lên mức 25.000 đồng/kg.
Trái ngược với thịt lợn, do nguồn cung hạn chế nên giá thu mua gà công nghiệp lông trắng tại khu vực Đông Nam Bộ đã tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng, hiện đạt 26.000 – 26.500 đồng/kg. Giá gà tại ĐBSCL cũng tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, hiện đạt 26.000 - 27.000 đồng/kg.
Về mặt hàng trái cây, tại Hà Nội, trong tháng qua mặt hàng vải sớm Thanh Hà đã được bán tại thị trường với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (loại 1), từ 35.000 - 40.000 đồng/kg (loại 2), tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, giá bán vải sớm thấp hơn ở mức từ 45.000 - 50.000 đồng/kg do bị cạnh tranh về giá của một số giống vải khác.
Tại Đắk Lắk, mặc dù năng suất bơ năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng bù lại giá tăng cao người trồng bơ phấn khởi. Giá bơ loại 1 dao động từ 35.000 - 38.000 đồng/kg, tăng hơn năm ngoái từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Nguyên nhân bơ giảm năng suất là do biến đổi của thời tiết mưa, nắng bất thường, nhất là vào thời điểm cây bơ ra hoa bị mưa nặng hạt kéo dài làm rụng bông, hạn chế việc đậu quả.
Trong khi đó, vào đầu vụ thu hoạch, mận được bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng hiện nay giá mận đột ngột xuống thấp, chỉ còn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Hiện đầu ra của mận hầu hết vẫn là tiêu thụ mận tươi, các sản phẩm chế biến từ mận chưa có nhiều, thời gian thu hoạch mận chỉ khoảng 1 tháng, nên sức mua của thị trường chưa đáp ứng được.
Về thị trường rau củ, vào những ngày gần cuối tháng, thị trường rau củ tại Lâm Đồng có dấu hiệu tăng mạnh như cải bó xôi, cải thảo, hoa lơ xanh do nguồn cung bị hạn chế bởi một số trận mưa lớn khiến rau nát và hỏng nhiều làm nguồn cung rau giảm trong khi nhu cầu không biến động. Cụ thể, giá cải bó xôi tăng 1.000 đồng/kg lên mức 8.000 đồng/kg; hoa lơ xanh cũng tăng lên 8.000 đồng/kg.
Về thủy sản, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL trong tháng 5.2017 đã có xu hướng hạ nhiệt so với tháng trước, hiện dao động ở mức 24.500 - 26.500 đồng/kg.
Nguồn cung cá giống tháng này tăng trở lại, khá dồi dào nên người nuôi không còn lo thiếu, khiến giá cũng có phần hạ nhiệt. Giá tôm nguyên liệu trong tháng 5.2017 cũng có phần cải thiện hơn sau khi giảm trong tháng trước, tăng ở một số loại.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú cỡ 30 và 40 con/kg tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước lên các mức tương ứng là 270.000 đồng/kg và 220.000 đồng/kg. Giá tôm sú ướp đá cỡ 30 và 40 con/kg lần lượt giữ ổn định ở mức 190.000 đồng/kg và 150.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 và 60 con/kg giảm 5.000 đồng/kg xuống tương ứng là 125.000 đồng/kg và 115.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, giá tôm sú cỡ 30, 40 con/kg giữ mức 211.000 đồng/kg và 196.000 đồng/kg, tôm thẻ 50, 60 con/kg là 140.000 đồng/kg và 130.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú cỡ 30 con/kg giảm 5.000 đồng/kg xuống 235.000 đồng/kg.
Một thế giới