MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 động lực kiến tạo tăng trưởng kinh tế

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động.

Ngày 19-9, tại Hà Nội, chủ trì Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Những trăn trở từ thực tế

Hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đã được chỉ ra tại phiên chuyên đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", trong khuôn khổ diễn đàn. PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh DN Việt Nam giỏi chống chịu nhưng chậm lớn. Một trong các lý do là họ phải chịu lãi suất cao "trường kỳ".

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho biết DN gặp khó khi chi phí sản xuất - kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh. Thực tế này được minh chứng qua số liệu có khoảng 15.600 DN rút lui khỏi thị trường mỗi tháng, tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Về phía DN, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho biết "rất trăn trở" trước nhận xét của TS Trần Đình Thiên về việc DN Việt chậm lớn. Theo bà Tiên, không phải DN muốn chậm lớn. Bởi, ngoài những đơn vị "đã dùng thuốc tăng trọng để lớn nhanh, rồi ngã bệnh", thực tế có rất nhiều DN chân chính chịu khó đầu tư, muốn lớn và trưởng thành bài bản nhưng bị vướng cơ chế, thiếu các chính sách chiến lược, bền vững. Từ thực tiễn đó, bà Tiên kiến nghị cần hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn và hạ lãi suất cho vay đối với DN, cũng như các chính sách về thuế, phí khác.

Về tình trạng DN tiếp cận vốn khó khăn, phản hồi ngay tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua, trước những tác động của kinh tế thế giới. Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý tiền tệ đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo dư địa và thanh khoản cho thị trường. "Năm 2023, NHNN đã ra thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các DN" - ông Tú nói và nhấn mạnh thêm thời gian tới, NHNN vẫn duy trì quan điểm điều hành này, tức cần tìm điểm cân bằng giữa lãi suất, tỉ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý.

5 động lực kiến tạo tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại diễn đàn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng

Về bức tranh kinh tế chung của Việt Nam, theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 theo kịch bản cơ sở là 5,2%-5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4%-4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng có thể đạt 5,5%-6%.

Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; nỗ lực giải ngân 95% tổng vốn 713.000 tỉ đồng đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP HCM, qua đó tăng liên kết vùng.

Để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững như chủ đề của diễn đàn năm nay, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, kiến nghị cần có chính sách thúc đẩy liên kết các DN FDI với DN Việt Nam. "Cần có chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này" - ông Lộc nhấn mạnh. Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng để khơi dậy nguồn lực phát triển.

Nói đến nguồn lực nội sinh, theo các chuyên gia, không thể không nhắc đến thể chế. Vì vậy tại diễn đàn, Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM được nhắc đến là một dẫn chứng nổi bật về thể chế.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, cần phát triển các khu vực sản xuất, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Về vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực", theo Chủ tịch QH, chúng ta cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, Chủ tịch QH lưu ý cần tập trung vào 5 động lực chủ yếu: thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế. 

Thu hút người tài

Chia sẻ về quá trình triển khai Nghị quyết 98, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết để triển khai Nghị quyết 98, TP HCM xác định tập trung phát triển năng lực nội sinh, gồm: khai thác tiềm năng, nguồn lực hạ tầng; thu hút nguồn lực đầu tư xã hội và chú trọng vấn đề con người.

"Con người là quan trọng nhất. Nếu có con người tốt, chúng ta sẽ triển khai, hiện thực hóa được các chính sách. TP HCM cũng đã nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút người tài" - ông Dương Anh Đức nói.

. Ông JOCHEN SCHMITTMANN, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam:

Tăng cường thực thi chính sách

Việt Nam không nên dựa nhiều vào thực hiện các chính sách về thuế, phí. Thay vào đó, cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nhu cầu xã hội, tăng cường thực thi chính sách; giải quyết các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua giải quyết những vấn đề trong thị trường trái phiếu, bất động sản.

Về lãi suất, nếu đã giảm nhưng không thẩm thấu được vào nền kinh tế cho thấy công tác thực thi không hiệu quả và cần có đánh giá toàn diện.

. Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam:

Ưu tiên đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo

Cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu ít theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực truyền thống này mà không có chính sách khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất - kinh doanh thì các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ khó đạt được.

Theo đó, trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu; cần có cơ chế ưu đãi cao nhất trong việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên