MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 bài học của người từng vượt qua suy thoái kinh tế 2008

30-04-2020 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Ở tuổi 35, tôi mất việc chuyển phát nhanh ở San Jose, California. Đó là năm 2009, và nền kinh tế đã mất gần 6 triệu việc làm kể từ khi cuộc suy thoái bắt đầu vào năm 2007.

Tìm được việc ổn định gần như là điều không thể. Có thời điểm, tôi nhận đến 3 công việc vặt với thu nhập tổng cộng chưa tới 500 USD/tuần - chỉ vừa đủ để qua ngày. Trong ba đến bốn năm tiếp theo, tôi hầu như thất nghiệp, vô gia cư và sống nhờ những món ăn giá 1 USD của McDonald’s.

Đó là quãng thời gian đen tối, nhưng tôi đã tiến được một chặng đường dài kể từ đó. Năm 2017, tôi chuyển đến Tacoma, Washington cùng với người bạn thân tên Kim của tôi, người đã cho tôi vay một số tiền vừa đủ để ổn định và theo đuổi giấc mơ bất động sản. "Bạn đã nhận được một cơ hội khác, đừng phí phạm nó", tôi tự nói với mình.

Tám tháng sau khi có được giấy phép môi giới, tôi đã chốt được giao dịch thứ bảy, với tổng doanh thu là 1,6 triệu USD. Tôi trả lại đầy đủ số tiền mà Kim đã cho tôi mượn. Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác hoàn thành mục tiêu và hài lòng. Tôi trở nên nghiêm túc về việc tiết kiệm tiền và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai.

Mặc dù nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái kinh tế ngày hôm nay về cơ bản là khác với cuộc suy thoái 2008, nhưng những bài học tôi học được trong thập niên qua vẫn có thể áp dụng. Và chúng đã giúp cho tôi sẵn sàng hơn để xử lý những khó khăn đã và sẽ đến từ đại dịch virus corona.

1. Đừng tiêu số tiền khó khăn lắm mới kiếm được của bạn vào những thứ ngu ngốc

Khi tôi chuyển từ Midwest đến California vào năm 1999, tôi đã được mời làm một số công việc được trả lương cao từ các công ty công nghệ khác nhau. Lớn lên trong nghèo khó, tôi cảm thấy như mình đã trúng xổ số.

Vì vậy, ở độ tuổi 20, tôi đã làm những gì mà nhiều thanh niên có tiền thường làm: tiệc tùng, đi du lịch, ăn tiệm mỗi ngày, hẹn hò tại các nhà hàng ưa thích và lãng phí thu nhập của mình vào những thứ tôi không cần. Tôi biết thói quen của mình đã vượt khỏi tầm kiểm soát, nhưng cứ nghĩ ra lý do: "Ngày mai mình sẽ bắt đầu tiết kiệm" hoặc biện minh cho hành động của mình thông qua các cử chỉ từ thiện, như cho một người vô gia cư 50 USD.

Hãy khôn ngoan với tiền của bạn, bởi vì bạn có thể mất tất cả vào ngày mai.

2. Lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và xây dựng quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt

Hồi đó, khái niệm "tiết kiệm" chưa bao giờ có trong tâm trí tôi. Tôi thường nói với bản thân mình rằng nếu có điều gì xấu xảy ra, thì tôi sẽ giải quyết nó sau đó. Tuy nhiên, bạn nên luôn cho rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra, bởi vì sớm muộn gì nó cũng sẽ đến.

Không ai biết chính xác tương lai sẽ như thế nào, vì vậy, điều quan trọng là phải có quỹ khẩn cấp và kế hoạch dự phòng. Bạn sẽ làm gì nếu bị đuổi ra khỏi nhà? Chuyển về nhà với bố mẹ ư? Hay thuê phòng trên Craigslist? Hãy luôn đi trước 10 bước để không bị rơi vào thế kẹt.

Sau khi bắt đầu kiếm được thu nhập ổn định từ công việc môi giới của mình, tôi đã tính toán số tiền cần bỏ vào quỹ khẩn cấp của mình mỗi ngày để đạt được sáu tháng chi phí sinh hoạt vào cuối năm sau. Tôi thậm chí đã phải kiếm thêm những nguồn thu nhập khác và bán đi một số đồ đạc của tôi.

3. Học các kỹ năng mới và sẵn sàng làm những công việc mà bạn "dư khả năng" cho nó

Chúng ta đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và một thị trường việc làm khó khăn. Công việc mà bạn quen làm có thể không có sẵn ngay lúc này, vì vậy đây không phải là thời gian để từ chối những công việc mà bạn nghĩ rằng không "xứng tầm" với mình.

Tôi biết những người đã có bằng Thạc sĩ, trước đây có thu nhập sáu con số, nhưng hiện đang làm công việc đóng gói tại các cửa hàng tạp hóa. Trong thời kỳ suy thoái, tôi phải đặt cái tôi của mình sang một bên. Tôi đã nhận bất kỳ công việc kỳ lạ nào có thể tìm thấy: Đập các viên đá tạo cảnh quan thành những hình thù theo yêu cầu, dắt chó đi dạo, dọn dẹp nhà cửa và chạy việc vặt. Tôi thậm chí còn làm việc tại một nơi tá túc cho người vô gia cư mà tôi từng ở.

4. Thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Hãy kiếm một hệ thống hỗ trợ tại chỗ

Trong phần lớn cuộc đời, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái, tôi đã chiến đấu với chứng trầm cảm nặng. Tôi nhớ những lần về nhà trong đói lả, mất mát và đầy nước mắt.

Có những ngày tôi bị đói, túng quẫn đến mức không còn đủ 1 USD để mua 1 món McDonald’s và phải ăn nước sốt cà chua hoặc mù tạt, chỉ để có thứ gì đó trong bụng. Tôi cảm thấy vô vọng. Tôi muốn bỏ cuộc. Tôi nhớ những ngày mẹ còn sống, bà là người yêu thương tôi nhất.

Những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Căng thẳng và lo lắng của bạn sẽ tồi tệ hơn. Bạn không thể chỉ đơn giản là "tắt" chúng đi và thuốc sẽ chỉ giúp bạn đến được mức tạm thời đó.

Điều đã giúp tôi vượt qua giai đoạn đó là có một hệ thống hỗ trợ tại chỗ. Tôi đã từng đẩy mọi người đi vì không muốn họ thấy tôi phải vật lộn. Cuối cùng, tôi học được cách mở lòng ra và yêu cầu giúp đỡ. Tôi nhận ra tầm quan trọng của lòng tốt và sự gắn bó. Tôi đã nhờ bạn bè hỗ trợ, ngay cả khi đó chỉ là chia sẻ những câu chuyện về những gì chúng tôi đang trải qua. Một số người đã mua giùm tôi hàng tạp hóa hoặc cho tôi ngủ nhờ trên chiếc trường kỷ của họ trong vài đêm.

Tôi cũng trở thành bạn thân với một số người vô gia cư mà tôi gặp trên đường phố. Rất nhiều người quan niệm rằng họ là những người nghiện, lười biếng hoặc nguy hiểm không có kỹ năng làm việc. Nhưng tôi đã học được rằng họ chỉ giống như những người khác - những người bị rơi vào thời kỳ khó khăn.

Kết hợp các thói quen lành mạnh cũng rất cần thiết để duy trì sức khỏe tinh thần của tôi. Tôi tập thể dục, cầu nguyện, ngồi thiền và sản xuất âm nhạc. Đại dịch này có thể dẫn bạn đến một nơi tối tăm, nhưng đừng để mình chết chìm trong đó. Hãy tìm sự trợ giúp, cho dù đó là thông qua liệu pháp ảo hoặc nói chuyện với người mà bạn tin tưởng.

5. Hãy biết ơn cuộc sống và dành thời gian cho những người bạn yêu thương

Ngày nay, chúng ta không chỉ vật lộn với sức khỏe và tài chính của mình. Rất nhiều người trong chúng ta đang đối phó với sự mất mát, hoặc dự đoán về nó.

Tôi từng bị mắc kẹt trong những vấn đề của riêng mình đến nỗi quên mất mình đã may mắn như thế nào khi vẫn còn sống. Bây giờ, tôi đang đánh bại những cảm giác buồn bã do virus corona gây ra với lòng biết ơn. Lòng biết ơn, đặc biệt là dành cho cuộc sống, là một điều mạnh mẽ. Và nó có thể giúp bạn vượt qua những ngày tồi tệ nhất.

Tận dụng thời gian còn lại với những người gần gũi với bạn cũng rất quan trọng. Trước khi trở thành một người môi giới, tôi đã giúp Kim chăm sóc mẹ cô ấy, người mà tôi xem như người trong gia đình. Chứng kiến ​​người mình yêu thương chết dần chết mòn vì ung thư là một trải nghiệm tàn khốc. Tôi vẫn đau buồn vì sự mất mát của cô ấy, nhưng vui mừng vì đã tận dụng tối đa thời gian chúng tôi còn lại bên nhau.

6. Tìm kiếm và lan tỏa hy vọng là chìa khóa để vượt qua thời điểm khó khăn

Vượt qua đại dịch này là điều không hề dễ dàng đối với tôi. Công việc môi giới bất động sản của tôi đã bị trì hoãn do tác động của Covid-19 trên thị trường bất động sản. Kim (người tôi hiện đang sống cùng) đang làm việc toàn thời gian ở nhà, và tôi đang làm một số công việc tự do về chỉnh sửa video và sản xuất âm nhạc. Chúng tôi chỉ cố gắng giữ mái ấm của mình.

Mỗi ngày thật khó khăn, nhưng tôi không để Covid-19 biến tôi thành một người hoài nghi và chai sạn. Những kinh nghiệm trong quá khứ của tôi đã khiến tôi mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và lạc quan hơn.

Tất cả chúng ta đều có quyền sợ hãi. Đây là những thời điểm tồi tệ nhất, nhưng có những lý do để hy vọng. Hy vọng là thứ đã kéo tôi ra khỏi bóng tối và tôi tin rằng đó là điều duy nhất giúp chúng ta vượt qua thời kỳ hỗn loạn này.

Bạn cũng không cần phải kiếm đâu xa để tìm thấy hy vọng. Có nhiều cách để giúp cộng đồng địa phương của bạn, như quyên góp thực phẩm cho các nhà tạm trú, làm khẩu trang cho những nhân viên tuyến đầu hay chỉ đơn giản là lan truyền sự cổ vũ và khích lệ ngay từ cửa sổ của bạn.

Tham khảo: CNBC

Lê Thanh Hải

Trở lên trên