6 sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng khiến bệnh càng nặng thêm, tiềm ẩn biến chứng nguy hiểm
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ không hiếm gặp, tuy nhiên các bậc phụ huynh vẫn còn ngộ nhận sai lầm trong cách chăm sóc trẻ khiến bệnh chuyển nặng và kéo dài thời gian điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tay chân miệng ở trẻ do virus cấp tính gây ra và lây lan theo đường tiêu hóa. Bệnh có thể bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng hầu hết các trường hợp mắc tay chân miệng điều diễn biến nhẹ, số ít trường hợp diễn biến nặng có nguy cơ cao biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, phù phổi, viêm cơ tim…
Trẻ bị tay chân miệng sẽ có triệu chứng điển hình là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, xuất hiện nhiều nốt dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông…
Cách chăm sóc trẻ có vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ. Thế nhưng, hiện nay, nhiều mẹ vẫn tin vào những quan niệm kiêng cữ "cổ xưa" dưới đây khiến cho bệnh của trẻ lâu khỏi:
Kiêng tắm và kiêng gió
Theo quan niệm nhiều phụ huynh, khi trẻ bị tay chân miệng cần kiêng gió, kiêng nước dẫn đến việc không tắm cho trẻ. Đây là quan niệm sai lầm, bởi khi trẻ bị sốt, mồ hôi và dịch tiết ra từ các nốt phỏng bị vỡ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, cha mẹ không nên kiêng tắm cho trẻ, thay vào đó hãy sử dụng xà bông diệt khuẩn để vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho bé, sau đó lau khô, nhất là cổ, nách, bẹn… và cho bé mặc quần áo mỏng, nhẹ, nằm ở nơi thoáng mát.
Trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng tắm, mẹ nên vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ
Không cho trẻ ra ngoài sẽ không bị tay chân miệng
Người chăm sóc có thể là trung gian lây virus tay chân miệng cho trẻ nên dù cha mẹ không cho trẻ ra ngoài nhưng trẻ vẫn có nguy cơ trẻ bị tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra đối với trẻ nhỏ
Đa số bệnh tay chân miệng xảy ra đối với trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi nhưng đừng vội lầm tưởng chỉ có trẻ nhỏ mới bị tay chân miệng, người trưởng thành và trẻ lớn vẫn có thể bị tay chân miệng.
Thậm chí, biến chứng tay chân miệng ở trẻ lớn rất nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Người trưởng thành vẫn có thể bị tay chân miệng
Trẻ bị tay chân miệng có triệu chứng toàn thân
Triệu chứng điển hình bệnh tay chân miệng ở trẻ là loét miệng kèm nổi mẩn ở lòng bàn tay, bàn chân. Nếu trẻ chỉ loét miệng đơn thuần hoặc nổi sẩn ngoài da, nổi mẩn ở mông có thể trẻ đang bị hăm tã.
Để tránh nhầm lẫn, phụ huynh cần theo dõi sát sao triệu chứng bất thường của trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời và xác định đúng bệnh.
Biểu hiện bệnh tay chân miệng chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân của trẻ
Bôi thuốc trực tiếp lên tổn thương da của trẻ
Vết loét khi trẻ bị tay chân miệng thường không gây đau hay ngứa nên cha mẹ không được tự ý bôi bất kỳ loại thuốc nào lên tổn thương da của trẻ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý bôi thuốc có thể làm tổn thương nghiêm trọng hơn đồng thời khiến bác sĩ khó chẩn đoán hay theo dõi diễn tiến của sang thương da.
Tự ý bôi thuốc lên vết loét tay chân miệng sẽ làm tổn thương nặng hơn
Trẻ khó ngủ, giật mình quấy khóc là bình thường
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ đau miệng nên khó ngủ và quấy khóc là phản ứng bình thường. Thực tế, trẻ khó ngủ, giật mình quấy khóc không chỉ đơn thuần do trẻ bị đau miệng, rất có thể đây là dấu hiệu bệnh nặng. Vì vậy, nếu thấy trẻ khó ngủ, quấy khóc liên tục thì cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trẻ quấy khóc do nhiều nguyên nhân, không chỉ đơn thuần khi trẻ bị đau miệng
Với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý:
Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không cho trẻ ăn uống thực phẩm có vị chua, cay nóng. Dùng thìa mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa.
Về thuốc điều trị: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp sốt dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.
Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B hoặc luộc nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng.
Vật dụng cá nhân của trẻ như bình sữa, ly/cốc uống nước, chén/bát ăn cơm… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.
Theo dõi sát tình trạng bệnh: Trong 7 ngày kể từ lúc trẻ mắc bệnh, ngoài việc dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày thì cha mẹ nên đưa trẻ đi tái khám để phát hiện sớm những triệu chứng bất thường.
Bác sĩ Trần Văn Bàn - Trưởng Khoa Nhi BVĐK Hồng Ngọc khuyến cáo thêm: "Nếu thấy trẻ sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt cao kéo dài trên 48 giờ, quấy khóc, bứt rứt, nôn nhiều, ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, đi loạng choạng, mạch nhanh, thở khó/thở nhanh, da nổi vằn… thì cần cho trẻ nhập viện ngay để được xử trí kịp thời, phòng biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra."
Nhịp sống kinh tế
Sự kiện: Làm Mẹ Thật Tuyệt
Xem tất cả >>- Nếu không hiểu biết, cha mẹ dễ nhầm lẫn giữa trẻ thông minh và bất thường khi thấy những hành vi sau
- Nguồn dinh dưỡng vàng từ sữa mẹ: kháng virus giúp con tăng cường miễn dịch
- 5 loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh: Khỏe cho mẹ, sữa đủ chất cho con
- 3 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Down ở thai nhi, ai cũng cần chú ý vì thế hệ tương lai
- 10 món ăn không tốt cho phụ nữ mang thai nhưng hầu hết mâm cơm gia đình nào cũng có