MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 bí kíp sinh hoạt mà gia đình nào cũng nên biết để cuộc sống không xáo trộn trong mùa Covid-19: Tự cách ly không có nghĩa là ngừng vận động hay trò chuyện

18-03-2020 - 10:59 AM | Sống

Nếu cha mẹ và con cái không biết mình nên làm gì trong 14 ngày cách ly, đây chính là câu trả lời dành cho họ.

"Mọi thứ trở nên điên rồ hơn một chút trong nhà", Travis Diener nói.

Diener là một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp sống tại Cremona, khu vực năm trong tâm dịch Lombardy (Ý). Đã nhiều ngày nay, anh cùng vợ và 3 đứa con nhỏ phải tự cách ly tại nhà do lệnh phong tỏa toàn quốc. Họ làm theo chỉ dẫn của chính phủ và chỉ ra khỏi nhà những lúc cần thiết.

"Thời gian thường trôi nhanh - người ta bảo thế", anh cho biết. "Tuy nhiên trong tình hình này thì không. Những ngày trôi qua thực sự rất dài".

Khi dịch bệnh bùng phát, tự cách ly là một trong những chiến lược hàng đầu nhằm giảm sự lây lan của Covid-19. Trong khoảng thời gian 14 ngày này, các gia đình sẽ ở trong nhà và không tiếp xúc với người ngoài. Trẻ con buộc phải nghỉ học, người lớn thì làm việc từ xa. Những gì đang xảy ra trong nhà Diener cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều người trên thế giới lúc này.

Họ không chỉ cố gắng chịu đựng dịch Covid-19, mà còn phải "chịu đựng" nhau mỗi ngày.

Mỗi gia đình lại có một cách đối phó khác nhau, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như độ tuổi con cái, điều kiện nhà ở và bản chất công việc. Tính khí của cha mẹ và con cái cũng đóng vai trò quan trọng.

8 bí kíp sinh hoạt mà gia đình nào cũng nên biết để cuộc sống không xáo trộn trong mùa Covid-19: Tự cách ly không có nghĩa là ngừng vận động hay trò chuyện - Ảnh 1.

Claire Amos - Hiệu trưởng Trường THPT Albany tại Auckland (New Zealand) - đã tự cách ly tại nhà, không tiếp xúc với chồng con sau chuyến đi công tác đến Italy. Mỗi sáng, cô sẽ ngồi đọc email và họp qua Google Hangout với các đồng nghiệp và học sinh. Amos cảm thấy ngạc nhiên vì mình vẫn làm việc năng suất ngay cả trong tình hình này.

"Bạn có thể làm việc rất hiệu quả trong tình hình này. Thông thường, mọi người cứ than thở bận rộn nhưng lại chẳng làm được gì", cô nói.

Vợ của Diener vốn làm việc bán thời gian tại nhà cho một công ty rượu địa phương, vì thế, nên công việc của cô không bị gián đoạn. Tuy nhiên, Diener đã quen với việc luyện tập và chơi bóng rổ cả ngày nên sự thay đổi này gây khó khăn cho anh. "Ngồi ở nhà khiến tôi phát điên", anh cho biết. "Tôi đã quen làm việc của mình".

Đối với các gia đình bị cách ly, họ có thể phải đối mặt với "hội chứng cabin" - cảm giác ức chế khi phải ở một chỗ quá lâu. Theo TS. Carly Johnco - bác sĩ tâm lý tại ĐH Macquarie (Úc), nó có thể phát triển thành chứng rối loạn lo âu, căng thẳng tột độ hoặc trầm cảm.

Để ngăn ngừa điều này, GS. Lea Waters đến từ ĐH Melbourne đã đưa ra một số biện pháp hữu ích sau.

Cùng nhau chuẩn bị

"Tôi khuyến cáo các gia đình nên ngồi xuống và lập một bản giao kèo ngay từ đầu", GS. Waters nói. "Hãy cùng nhau thảo luận: Thách thức lớn nhất là gì? Có thể phát huy thế mạnh nào để giúp đỡ người khác". Bằng cách trao đổi về các mối quan tâm và kỳ vọng trong thời gian cách ly, mỗi người sẽ hoàn thành tốt vai trò của mình. "Lên kế hoạch chính là tự phòng bị", bà cho biết.

Thành thật

Theo các chuyên gia, bố mẹ phải lắng nghe và thấu hiểu nỗi lo sợ của con cái, cũng như thành thật với con về tình hình dịch bệnh.

"Hãy trò chuyện với con về các sự thật và cảm xúc", GS. Waters khuyên. Không chỉ giúp trẻ bớt sợ hãi, điều này sẽ giúp trẻ tự kiểm soát được vấn đề vệ sinh của mình.

Đối với người lớn, việc đọc tin và lời khuyên từ những nguồn chính thống sẽ giúp giảm thiểu lo âu. Amos cho biết, việc mọi người cởi mở với nhau trong thời điểm này là rất quan trọng, xóa bỏ cảm giác xấu hổ hay đình trệ.

8 bí kíp sinh hoạt mà gia đình nào cũng nên biết để cuộc sống không xáo trộn trong mùa Covid-19: Tự cách ly không có nghĩa là ngừng vận động hay trò chuyện - Ảnh 3.

Xây dựng lối sống lành mạnh

Duy trì lối sống lành mạnh là việc rất quan trọng, nhưng không cần phải thực hiện quá nghiêm ngặt. Theo Amos, nhờ có thói quen mà con người sẽ không "phát điên" khi ở trong nhà quá lâu.

Trong thời gian cách ly, cô vẫn dậy sớm như thường ngày, đi tắm gội, thay quần áo, trang điểm, chào tạm biệt những người thân chưa bị cách ly và tiếp tục công việc. Đến chiều, cô sẽ đăng ảnh lên Instagram và tập yoga.

Diener và gia đình mình cũng cố duy trì nề nếp như ngày thường. Trường học vẫn đều đặn gửi bài qua email nên lũ trẻ vẫn theo kịp chương trình. Anh và vợ mình chia một ngày ra thành 7-8 khung giờ dạy học khác nhau cho ba đứa con lần lượt 3 tuổi, 5 tuổi và 7 tuổi của mình.

"Tôi có thể làm bất cứ thứ gì, từ giúp vợ nướng bánh quy, dạy nhảy, dạy toán, dạy đánh vần, dạy tiếng Ý, dạy tiếng Anh", anh cho biết. Xen giữa các bài giảng là những giờ nghỉ giải lao kéo dài tầm 30 phút để xem TV hoặc chơi iPad.

GS. Waters khuyên các gia đình nên tận hưởng "thời gian rảnh" này bên gia đình - bởi hiếm khi họ có cơ hội đó. Cha mẹ có thể chuẩn bị sẵn trò chơi, đồ thủ công, bài tập và sách vở cho con, nhưng tuyệt đối không nên tăng thêm thời gian nhìn màn hình.

"Chỉ ngồi xem TV suốt 2 tuần ban đầu nghe cũng rất hấp dẫn", TS. Johnco nói. "Tuy nhiên, cảm giác khác lạ sẽ nhanh chóng biến mất. Khi con người trở nên lười biếng, ngừng vận động, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của họ".

Không ngừng vận động

TS. Johnco nói rằng việc thường xuyên vận động là rất cần thiết để cải thiện tâm trạng. "Bực tức và chán nản có thể xuất hiện khi trẻ vận động ít". Do đó, cha mẹ có thể cùng con cái tham gia những bài tập sáng tạo như vượt chướng ngại vật trong sân.

Gia đình nhà Diener cũng thực hiện các bài tập nhỏ, chẳng hạn như nhảy dây, chạy bộ lên cầu thang hoặc chơi bóng rổ, bóng đá.

8 bí kíp sinh hoạt mà gia đình nào cũng nên biết để cuộc sống không xáo trộn trong mùa Covid-19: Tự cách ly không có nghĩa là ngừng vận động hay trò chuyện - Ảnh 4.

Hoàn thành các việc cần làm

Để xóa bỏ cảm giác vô dụng, nhàm chán, cha mẹ và con cái nên hoàn thành vài công việc nào đó trong thời gian cách ly. Đó có thể là làm việc tại nhà, làm bài tập trên lớp, làm việc nhà, sửa đồ cũ. GS. Waters cho rằng nên khuyến khích trẻ viết "nhật ký corona" để ghi lại những trải nghiệm của mình.

Trong thời gian cách ly, Amos đã dọn tủ đồ quần áo - việc mà cô đã định làm nhiều tháng nay - và bất ngờ khi thấy nó lại gọn gàng đến vậy. "Ngoài ra tôi cũng tự nuông chiều bản thân", Amos nói về thói quen thưởng trà, tắm nắng ở ngoài vườn. Theo TS. Johnco, "làm những thứ khiến mình vui vẻ" là rất quan trọng.

Ngoài ra, các gia đình nên xem xét những hoạt động mà họ có thể làm cùng nhau, chẳng hạn như xem phim, xây dựng một thứ gì đó, hoặc kê lại đồ nội thất.

Tạo không gian riêng cho mỗi người

TS. Johnco giải thích: "Thật khó để bắt các thành viên trong gia đình tụ tập một chỗ trong thời gian này, khi mà họ đang quen hoạt động một mình. Đây chính là lý do tại sao bọn trẻ hay cãi nhau khi đi du lịch, bởi chúng không quen ở cùng nhau mọi lúc".

GS. Waters khuyên mọi người nên tạo không gian riêng cho những người xung quanh nếu có thể. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian để gắn kết gia đình, thông qua các hoàn động đơn giản như ăn tối, chuẩn bị một món ăn mới cùng nhau.

8 bí kíp sinh hoạt mà gia đình nào cũng nên biết để cuộc sống không xáo trộn trong mùa Covid-19: Tự cách ly không có nghĩa là ngừng vận động hay trò chuyện - Ảnh 5.

Giữ liên lạc với bạn bè

Để tinh thần được thoải mái, việc duy trì liên lạc với bạn bè cũng là yếu tố then chốt. Người lớn rất cần kết nối và dành thời gian cho bạn bè trên mạng xã hội hoặc thông qua điện thoại trong thời gian cách ly này. Theo TS. Johnco, việc "hỗ trợ lẫn nhau" cũng rất cần thiết - bạn nên đảm bảo rằng mọi người vẫn khỏe mạnh và ổn định.

Trẻ em - đối tượng vốn đã quen với môi trường năng động - cũng cần phải liên lạc với bạn bè. GS. Waters gợi ý rằng những đứa trẻ lớn có thể chia sẻ kinh nghiệm và mẹo vặt của mình với bạn bè trên Instagram, còn những đứa bé hơn có thể gọi cho bạn bè và người thân qua video.

Học hỏi từ kinh nghiệm

Diener cho biết, con của anh cư xử rất ngoan trong thời gian tự cách ly và đã chấp nhận nề nếp sinh hoạt mới tại nhà. Ngoài ra, trải nghiệm này cũng có anh một cái nhìn mới về mọi thứ.

"Tôi cảm thấy nể phục các giáo viên và sự kiên nhẫn của họ, bởi việc dạy trẻ con thực sự khó", anh nói. "Nó đã giúp tôi trở thành một người cha tốt hơn".

Tương tự, Amos cũng coi đây là cơ hội hiếm có để nghỉ xả hơi sau những ngày tháng bận rộn.

"Thật tốt khi mọi thứ dường như chậm lại", cô bày tỏ. "Tôi hy vọng mình sẽ học hỏi được nhiều thứ từ trải nghiệm này và thay đổi một hành vi của mình. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi không cảm thấy tội lỗi vì quá rảnh".

(Theo The Guardian)

    
        8 bí kíp sinh hoạt mà gia đình nào cũng nên biết để cuộc sống không xáo trộn trong mùa Covid-19: Tự cách ly không có nghĩa là ngừng vận động hay trò chuyện - Ảnh 7.     
    

Ngọc Hà

Trở lên trên