MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 thói quen tưởng chừng vô hại này có thể khiến bạn bị loãng xương sau này: Trẻ không sửa đổi, già phải hối tiếc

28-11-2018 - 21:15 PM | Sống

Loãng xương là một trong những căn bệnh hay gặp nhất ở người cao tuổi, thường dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể được đẩy lùi ngay từ khi còn trẻ nếu bạn chú ý tránh các thói quen có hại sau.

Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm trọng lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích. Tại Mỹ, hiện tại có hơn 10 triệu người bị mắc bệnh loãng xương, với hơn 80% là phụ nữ. Nguy hiểm là vậy, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được căn bệnh này nếu từ bỏ các thói quen tưởng chừng như vô hại dưới đây.

Nằm quá nhiều

Ít vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chúng ta bị loãng xương khi về già. Jonathan Lee – bác sĩ đầu ngành về xương khớp tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Montefiore ở New York – cho biết: "Xương là một loại mô sống có thể chịu được sức nặng. Bạn càng vận động nhiều thì xương của bạn sẽ càng thích nghi và cứng cáp hơn. Ngược lại, nếu bạn lười vận động, nó sẽ trở nên yếu ớt."

Thay vì dành cả tiếng đồng hồ nằm dài trên ghế, bạn nên thực hiện các bài tập nâng cao sức bền. "Phải đảm bảo là những bài tập bạn chọn có thể giúp xương chịu được sức nặng", bác sĩ Lee bổ sung, "Bơi lội đem lại nhiều lợi ích, nhưng nó không giúp gì cho xương. Những hoạt động như đi bộ sẽ tốt hơn nhiều."

Ăn nhiều thịt

8 thói quen tưởng chừng vô hại này có thể khiến bạn bị loãng xương sau này: Trẻ không sửa đổi, già phải hối tiếc - Ảnh 1.

Một chế độ ăn giàu chất đạm có thể gây nhiều tác hại lên xương của bạn, tùy thuộc vào cơ thể khác nhau của mỗi người. "Chế độ ăn nhiều đạm sẽ làm gia tăng bài tiết canxi qua thận, mà canxi lại là thành phần chính để phát triển xương. Chính sự thiếu hụt canxi này đã dẫn đến làm giảm mật độ xương", bác sĩ Lee cho biết. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn vừa đủ thịt để bổ sung chất đạm cho cơ thể.

Ăn đồ nhiều muối

Một nguyên nhân khác cũng góp phần làm giảm mật độ xương, đó là việc ăn đồ chứa quá nhiều muối. Theo bác sĩ Lee, ăn quá mặn thường dẫn đến bệnh tăng huyết áp sau đó. Khi thận làm công việc bài tiết muối dư thừa ra khỏi mạch máu, canxi cũng sẽ bị đào thải theo. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác của Nhật Bản cũng cho thấy, phụ nữ mãn kinh hấp thụ quá nhiều muối có nguy cơ bị gãy xương cao gấp 4 lần so với những người ăn nhạt.

Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

8 thói quen tưởng chừng vô hại này có thể khiến bạn bị loãng xương sau này: Trẻ không sửa đổi, già phải hối tiếc - Ảnh 2.

Mặc dù kem chống nắng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư da, cơ thể bạn vẫn cần đến ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D nhằm hấp thu những chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi, sắt, kẽm,… "Vitamin D là loại vitamin cần thiết để cơ thể hấp thu và sử dụng canxi – một trong số các thành phần quan trọng giúp cấu tạo nên khung xương.", bác sĩ Lee giải thích. Vậy nên, hãy tắm nắng khoảng 5-10 phút mỗi ngày để xương của bạn trở nên chắc khỏe hơn.

Uống quá nhiều cà phê

Nhiều người vẫn nghĩ rằng uống càng nhiều cà phê thì càng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy, đặc biệt là đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh. Bác sĩ Lee cho biết, "Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy caffeine có thể làm tăng nguy cơ loãng xương khi có sự suy giảm estrogen đáng kể ở phụ nữ mãn kinh". Dù vậy, ông cũng nói thêm rằng, một cốc cà phê vào sáng sớm thì cũng không gây nguy hại gì, nếu bạn uống với số lượng vừa phải.

Giảm cân quá nhiều

Giảm cân để có một cơ thể khỏe mạnh thì tốt, còn giảm quá nhiều cân thì không, đặc biệt là đối với xương. Theo một nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng Harvard, chỉ số BMI (Body Mass Index – Chỉ số khối cơ thể) giảm đi một đơn vị đồng nghĩa với việc nguy cơ bị gãy xương tăng lên đến 12%. Những người có cân nặng dưới mức tiêu chuẩn cũng có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng – một trong những nguyên nhân dẫn tới loãng xương.

Uống quá nhiều rượu

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Oregon, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày sẽ có tác động tiêu cực đến xương. "Uống quá nhiều rượu sẽ làm cản trở quá trình hấp thu canxi của ống tiêu hóa. Nó cũng ảnh hưởng đến gan, tụy, canxi, và cả vitamin D trong cơ thể", bác sĩ Lee giải thích.

Ngoài ra, rượu còn là nguyên nhân gây tăng nồng độ cortisol trong máu, làm giảm hoóc-môn estrogen ở phụ nữ, từ đó dẫn đến căn bệnh loãng xương. Trên hết, rượu chính là kẻ thù của tế bào tạo xương – thứ cấu thành nên khung xương của chúng ta.

Uống quá nhiều nước ngọt có ga

8 thói quen tưởng chừng vô hại này có thể khiến bạn bị loãng xương sau này: Trẻ không sửa đổi, già phải hối tiếc - Ảnh 3.

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra được mối liên hệ giữa nước ngọt có ga (đặc biệt là cola) và tình trạng xương yếu ở người, dù chưa rõ nguyên nhân tại sao. Tuy nhiên, bác sĩ Lee cho rằng uống nước ngọt có ga không phải là một vấn đề to tát, chừng nào bạn đảm bảo cơ thể mình hấp thu đủ canxi từ các nguồn dinh dưỡng khác.

Ngọc Hà

MSN

Trở lên trên