9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế OCB tăng trưởng 47,8% so với cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 3.915 tỷ đồng, tăng trưởng 47,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngân hàng liên tục đưa ra các gói lãi suất ưu đãi với thủ tục đơn giản, đồng hành cùng khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, OCB ghi nhận tổng thu thuần đạt 6.921 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi như bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ thẻ, ngân hàng số OCB OMNI…
Trong đó, thu nhập từ lãi đạt 5.434 tỷ đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu hồi phục. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi tiếp tục là điểm nhấn tăng trưởng của OCB khi tăng tới 94,6% đạt 1.487 tỷ đồng và đóng góp đáng kể 21% vào tổng doanh thu thuần.
Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt khi hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của OCB giảm còn 32,1% trong khi cùng kỳ năm 2022 ở mức 39,4%.
Như vậy, sau 9 tháng, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.915 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 47,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của OCB đạt 216.755 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ thị trường 1 cũng tăng 10,8% so với cuối năm 2022, đạt 136,105 tỷ, hoàn thành 92% kế hoạch năm 2023 nhờ tích cực triển khai hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản. Thời gian qua, OCB tập trung đẩy mạnh vào các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công, kinh doanh hộ gia đình và cho vay bán lẻ. Đây là những ngành, lĩnh vực đang được nhà nước ưu tiên thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu thống kê, tổng doanh số giải ngân sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của OCB đạt 235% kế hoạch lũy kế, số dư sản xuất kinh doanh tăng 119% so với cùng kỳ 2022. Việc tập trung đúng vào phân khúc khách hàng và mảng kinh doanh phù hợp đã giúp OCB duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực so với mặt bằng chung của ngành.
Quy mô huy động tiếp tục tăng trưởng rõ rệt khi huy động thị trường 1 đạt 155.664 tăng 13,3% so với cuối năm 2022 hoàn thành 90% so với kế hoạch năm mặc dù lãi suất huy động trên thị trường có xu hướng giảm mạnh từ quý II/2023.
Bên cạnh đó, các chỉ số liên quan về quản trị rủi ro như hệ số an toàn vốn (CAR), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hệ số cho vay trên huy động (LDR), luôn được OCB duy trì ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,94%, đáp ứng mọi quy định của NHNN. Chỉ số thanh khoản ổn định, đệm tài sản thanh khoản đầy đủ.
Liên tục hạ lãi suất, tung loạt gói vay ưu đãi dành cho cá nhân và doanh nghiệp
Bên cạnh việc duy trì kết quả kinh doanh tích cực, bằng các công cụ, chính sách điều tiết lãi suất cho vay trên thị trường và thực hiện các chương trình kêu gọi của Chính phủ cũng như NHNN trong công tác hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy vực nền kinh tế, OCB đã thực hiện xuyên suốt việc giảm lãi suất trực tiếp trên dư nợ cho vay đối với khách hàng hiện hữu; Triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất/ phí đối với khách hàng mới; Xây dựng sản phẩm tín dụng cho từng ngành nghề, phân khúc, đối tượng khách hàng, giá trị mức cấp tín dụng… để tối ưu hóa về tiến độ thẩm định, giải ngân và hậu kiểm; Tung hàng loạt chương trình, gói sản phẩm ưu đãi lãi suất nhằm kích thích giải ngân với thủ tục đơn giản, giúp giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng chung cho toàn ngành.
So với đầu năm 2023, tính đến giai đoạn hiện tại, lãi suất giải ngân mới của OCB đã giảm từ 2 đến 6%. Cụ thể, với nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng như mua nhà, bất động sản, ô tô… khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm tại OCB.
Triển khai gói tín dụng dành cho doanh nghiệp chỉ từ 6,79%/năm, đặc biệt một số doanh nghiệp đặc thù trong lĩnh vực Logistics, Y tế, FMCG (tiêu dùng nhanh), giáo dục, xuất nhập khẩu, FDI… sẽ được hỗ trợ thêm 0,2% lãi suất hằng năm cùng nhiều đặc quyền ưu đãi khác. Các ưu đãi phí dịch vụ trong nước và quốc tế như miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, miễn đến 100% phí chuyển tiền quốc tế và xử lý bộ chứng từ nhờ thu, giảm đến 50% phí phát hành L/C và bảo lãnh, ưu đãi tỷ giá đến 120 điểm... cũng được triển khai đồng thời.
Với những nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp đặc biệt là SME trong suốt thời gian qua, OCB liên tục nhận được sự trợ lực từ các định chế tài chính quốc tế, mới nhất là khoản vay 55 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG). Khoản vay kỳ hạn 5 năm, trong đó tối thiểu 50% giá trị khoản vay sẽ dành cho doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ, giúp thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh.
Trong giai đoạn cuối năm 2023, OCB tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mảng kinh doanh cốt lõi, số hóa sản phẩm, dịch vụ, kiểm soát nợ xấu theo quy định, tối ưu chi phí hoạt động nhằm hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Nhịp sống Thị trường
- Nhiều tín hiệu tích cực trong quý 3, Techcombank trên đà về đích
- Top 10 ngân hàng về tỷ lệ CASA: Thứ hạng của một nhà băng nhảy vọt, số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng
- Tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng ngay ngáy lo đọng vốn
- Các ngân hàng trên sàn thu về 17 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm: Nhà băng nào tăng trưởng doanh thu mạnh nhất?
- Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất trong quý 3/2023?