Agifish: Tăng gần 12 tỷ đồng LNST sau kiểm toán, giảm lỗ năm 2018 xuống còn 178 tỷ đồng
Tính đến hết năm tài chính 2018 Agifish còn lỗ lũy kế 270 tỷ đồng.
CTCP XNK Thủy sản An Giang (Agifish – mã chứng khoán AGF) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán cùng giải trình (năm tài chính của Agifish bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau).
Nhiều chỉ tiêu trên BCTC được điều chỉnh sau kiểm toán
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ điều chỉnh giảm gần 1,9 tỷ đồng chủ yếu do điều chỉnh phân loại lại chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán.
Chỉ tiêu giá vốn hàng bán bị điều chỉnh mạnh, giảm đến 12,7 tỷ đồng chủ yếu do kiểm toán ghi nhận hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 13,3 tỷ đồng, phân loại lại chiết khấu thương mại, phân loại lại tiền thu hồi phụ phẩm không sản xuất, phân loại lại tiền hàng do chìm xà lan được bồi thường, điều chỉnh lại chi phí sản xuất dưới thiết kế của nhà máy, bồi thường container hàng chìm xà lan…
Doanh thu tài chính điều chỉnh tăng 3,2 tỷ đồng còn chi phí tài chính lại được điều chỉnh giảm 4,56 tỷ đồng do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng hơn 5 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng bổ sung phải thu khó đòi.
Lợi nhuận sau thuế điều chỉnh tăng gần 12 tỷ đồng sau kiểm toán
Những điều chính đó đã làm cho lợi nhuận sau thuế của Agifish được điều chỉnh tăng 11,77 tỷ đồng sau kiểm toán, giảm lỗ năm 2018 của công ty từ gần 190 tỷ đồng xuống còn hơn 178 tỷ đồng.
Kết quả, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, tính đến 30/9/2018 Agifish còn hơn 135 tỷ đồng hàng tồn kho. Tổng tài sản đạt gần 1.230 tỷ đồng, giảm hơn 840 tỷ đồng so với thời điểm đầu kỳ. Nợ phải trả hơn 805 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn 551 tỷ đồng (giảm 250 tỷ đồng so với đầu kỳ) còn vay dài hạn 12 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh tăng gần 12 tỷ đồng, dẫn tới kết quả hết năm tài chính 2018 Agifish còn ghi nhận lỗ lũy kế 270 tỷ đồng. Song công ty còn hơn 411 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt 423 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu hơn 281 tỷ đồng.
Kiểm toán nhấn mạnh về nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của Agifish, kiểm toán nêu vấn đề nhấn mạnh về khoản lỗ thuần trong năm tài chính 2018 là 178 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/9/2018 là hơn 270 tỷ đồng. Vấn đề này cùng với các vấn đề khác được nêu trong thuyết minh BCTC mục 2.2 liên quan cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Trong phần thuyết minh BCTC liên quan (mục 2.2) trình bày, tại ngày lập BCTC này Ban giám đốc đã lập kế hoạch về lợi nhuận và dòng tiền trong 12 tháng tiếp theo dự kiến sẽ được tạo ra từ hoạt động kinh doanh của công ty cũng như khả năng tiếp tục nhận được các khoản hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tín dụng mà theo đó công ty có thể trả hết các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó công ty mẹ Hùng Vương cũng cam kết tiếp tục cung cấp, hỗ trợ tài chính cần thiết để đảm bảo đủ nguồn lực hoạt động cho 12 tháng tiếp theo.
Cổ phiếu AGF đang trong diện bị kiểm soát đặc biệt
Trên thị trường cổ phiếu AGF đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ 21/11/2018 sau khi được đưa ra khỏi diện bị tạm ngừng giao dịch. AGF chỉ được giao dịch trong phiên chiều theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Trước đó Agifish bị nhắc nhở việc chậm nộp BCTC quý 4 niên độ tài chính 2017-2018, và nhắc nhở lần 2 việc chậm nộp BCTC quý 3 niên độ 2017-2018. Đồng thời cổ phiếu AGF vẫn thuộc diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế âm 187 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/9/2018 âm 92 tỷ đồng. Agifish đã có công văn giải trình về việc chậm công bố thông tin dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện bị tạm ngừng giao dịch từ 7/11/2018 nên đã được đưa ra khỏi diện bị tạm ngừng giao dịch.
Xem thêm BCTC kiểm toán năm 2018 và giải trình
Diễn biến giá cổ phiếu AGF trong 1 năm gần đây.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KẾT QUẢ KINH DOANH Q4/2018
Xem tất cả >>- Vocarimex (VOC) điều chỉnh giảm 14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán
- Hà Đô (HDG) tăng 36 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, nâng tổng LNST cả năm lên 788 tỷ đồng
- PV Drilling (PVD) điều chỉnh tăng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán
- Bóng đèn Điện Quang (DQC) bị điều chỉnh giảm gần 6% LNST sau kiểm toán
- LNTT năm 2018 của PV Gas giảm 815 tỷ đồng sau kiểm toán