MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, một quốc gia châu Á đang phải vật lộn vì 'cú sốc' nguồn cung, là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 của gạo Việt

29-09-2023 - 07:21 AM | Thị trường

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, một quốc gia châu Á đang phải vật lộn vì 'cú sốc' nguồn cung, là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 của gạo Việt

Giá gạo nhập khẩu của nước này đã tăng vọt lên 36%.

Malaysia, nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 5 của Việt Nam, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu gạo trong bối cảnh giá toàn cầu tăng cao.Với việc gạo địa phương chỉ có thể đáp ứng 70% nhu cầu trong nước, chính phủ Malaysia đã bắt đầu thực hiện các chương trình nhằm tăng cường sản xuất trong nước.

Hiện nay, nhiều siêu thị và cửa hàng tạp hóa nhỏ hơn thường xảy ra tình trạng trống kệ vì các bao gạo trắng sản xuất tại địa phương loại 5 kg và 10 kg được luôn được khách hàng mua ngay khi có hàng mới.

Ameer Ali Mydin, giám đốc điều hành của Mydin, một chuỗi siêu thị lớn, nói với Nikkei Asia rằng tình trạng thiếu hụt là do chênh lệch giá giữa gạo sản xuất trong nước và gạo nhập khẩu ngày càng tăng.

“Tình trạng thiếu hụt xảy ra là do người dân cũng hoảng sợ khi thấy chênh lệch giá. Hoảng loạn mua và tích trữ, vì ai cũng mua thêm một, hai gói, nếu vài trăm nghìn người mua thêm một bao gạo thì con số lên hàng tấn," anh nói.

Ở Malaysia, gạo trắng địa phương là mặt hàng thực phẩm được kiểm soát với giá giới hạn ở mức 26 ringgit (5,54 USD)/10 kg. Gạo nhập khẩu nhìn chung đắt hơn gạo trong nước kể từ trước khi giá toàn cầu tăng gần đây. Nước này chủ yếu nhập khẩu gạo trắng từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.

Nhưng khoảng cách giá đã tăng lên đáng kể sau khi Padiberas Nasional (Bernas) - doanh nghiệp nhập khẩu gạo độc quyền của nước này - vào hôm 1/9 đã tăng giá bán lẻ gạo nhập khẩu lên 36%, dẫn đến nhu cầu gạo rẻ hơn tăng vọt. Gạo trắng nhập khẩu hiện có giá từ 30 đến 70 ringgit/10 kg.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, một quốc gia châu Á đang phải vật lộn vì 'cú sốc' nguồn cung, là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 của gạo Việt - Ảnh 1.

Chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp đạt 142,4 trong tháng 8, tăng 31% so với một năm trước đó trong bối cảnh thiếu gạo trắng trên toàn cầu và lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc do Ấn Độ áp đặt kể từ tháng 7.

Kumaran, 57 tuổi, một công nhân xây dựng đang mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Subang Jaya vào cuối tháng 9, cho biết ông đã phải vật lộn để có được gạo trắng địa phương. "Bạn không thể tìm thấy gạo địa phương nào cả. Nếu tình trạng này tiếp diễn, mọi người sẽ bị ảnh hưởng."

Vani, một bà nội trợ 54 tuổi, than thở: "Thật khó để tìm được những bao gạo địa phương rẻ hơn trong siêu thị". Bà cho biết hóa đơn thực phẩm hàng tháng của gia đình bà đã tăng từ 20% đến 30%. Thậm chí, bà còn phải trả nhiều tiền hơn cho bánh quy và dầu ăn.

Thời tiết khô hạn do El Nino gây ra cũng ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo địa phương trong năm nay. Một số nhà hàng và chủ gian hàng đang phải chịu giá gạo cao hơn để duy trì tính cạnh tranh, nhưng chuyên gia cảnh báo rằng họ có thể phải tăng giá nếu khủng hoảng tiếp tục.

Về tình hình xuất nhập khẩu, Malaysia là khách hàng mua gạo lớn thứ 5 của Việt Nam sau Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Ghana.

Trong tháng 8/2023, Malaysia nhập khẩu 43.983 tấn gạo trị giá hơn 23,2 triệu USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 51,1% về kim ngạch. Tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đạt 275 nghìn tấn, tương đương 136,7 triệu USD, giảm 5,1% về lượng nhưng tăng 2,4% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 497,4 USD/tấn, tăng hơn 7,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tham khảo: Nikkei Asia

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên