MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn gì ở Việt Nam: 29 món nhất định phải thưởng thức ngoài Phở và Bánh mì

02-06-2023 - 20:40 PM | Lifestyle

Ăn gì ở Việt Nam: 29 món nhất định phải thưởng thức ngoài Phở và Bánh mì

Chuyên trang du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveller giới thiệu một danh sách món ăn du khách nên thưởng thức khi tới Việt Nam, không kể hai món ăn đã rất nổi tiếng là Phở và Bánh mì.

Theo chuyên trang này, ẩm thực Việt Nam là sự kết hợp của nhiều hương vị lịch sử trong khi vẫn duy trì được bản sắc riêng. Các món ăn Việt Nam cũng vô cùng phong phú và rất khó có thể thưởng thức hết chỉ trong một thời gian ngắn. Do đó, Conde Nast Traveller đã giới thiệu 29 món du khách nên thử khi có dịp lần tới đến đây.

Thế giới bánh phong phú

Đầu tiên là bánh xèo - một loại bánh làm từ bột gạo và bột nghệ (để tạo màu vàng). Vỏ bánh được rán giòn ăn cùng nhân phổ biến là thịt lợn, tôm và giá đỗ. Khi ăn, thực khách dùng bánh tráng cuốn bánh xèo cùng rau thơm và chấm vào nước mắm chua ngọt.

Và bánh khọt cũng có nhiều điểm tương tự như bánh xèo, sử dụng cùng một loại bột, nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều với một con tôm ở giữa. Những chiếc bánh có kích thước vừa ăn này được nướng trong một chiếc chảo gang đặc biệt để bên ngoài giòn và bên trong mềm.

Ăn gì ở Việt Nam: 29 món nhất định phải thưởng thức ngoài Phở và Bánh mì - Ảnh 1.

Bánh khọt. Ảnh: cntraveller/Getty.

Nhiều du khách phương Tây đã biết đến món nem rán của Việt Nam nhưng du khách cũng nên thử một phiên bản "tươi" của món này là gỏi cuốn. Đây là một món khai vị thay thế nhẹ nhàng và tốt cho sức khỏe. Những lát thịt lợn, tôm, xà lách, bạc hà và bún được gói gọn gàng trong một chiếc bánh tráng trong trước khi được chấm cùng tương đậu phộng.

Thịt kho tộ là một món ăn gây nghiện với những miếng thịt ba chỉ được om từ từ trong đường và nước mắm cho đến khi chín mềm. Thịt được phục vụ trong niêu đất và ngon nhất là ăn kèm với cơm và rau luộc. Đối với những người không hâm mộ thịt mà thích hải sản, hãy thử cá kho tộ.

Bánh cuốn cũng là một món dễ ăn với thực khách nước ngoài. Mỗi lát bánh bọc bên trong là thịt lợn băm nhỏ và mộc nhĩ, sau đó rắc một ít hành khô và chấm với nước mắm. Thực khách nên ăn ngay khi bánh nóng và mềm.

Đối với những người thích kết cấu dẻo và dai của bánh mochi, bánh bèo chính là một phiên bản tương tự của Việt Nam, Những chiếc bánh gạo được đựng trong đĩa nhỏ, bên trên có tôm khô, hành lá và hẹ tây chiên. Chỉ cần rưới một chút nước mắm lên trên là thực khách đã có một bữa ăn nhẹ ưng ý.

Tại Việt Nam, bánh bao cũng là một món ăn rất phổ biến. Những chiếc bánh bao trắng lớn được hấp trong một chiếc nồi to và bày bán ở khắp các con đường. Nhân bên trong thường là thịt băm, trứng cút, xúc xích, miến và rau.

Các món bún, canh, … đậm đà hương vị

Việt Nam có một số biến thể của bún riêu, nhưng đều có nước dùng làm từ cua. Thịt cua tạo ra mùi thơm cho nước dùng và các loại gia vị khác tạo thêm một chút vị chua. Thực khách thường ăn thêm thịt viên, giò heo, đậu phụ rán, cá, ốc và tiết.

Đến với món bún thịt nướng, du khách sẽ được phục vụ thịt lợn nướng thơm lừng ăn cùng bún tươi, một ít rau thơm, củ cải muối và cà rốt. Du khách có thể ăn thêm một ít nem rán, gắp mỗi món một chút và rưới cùng nước mắm để thưởng thức.

Một món ăn dường như gần tương tự là bún chả, thường gắn với thủ đô Hà Nội. Những miếng thịt heo nhỏ được tẩm gia vị và những lát thịt ba chỉ ướp được nướng trên than hồng trước khi chấm vào bát nước mắm. Một rổ rau thơm, một đĩa bún đi kèm với thịt nướng, tất cả đều được kết hợp cùng nhau.

Bún bò Huế, gắn liền với xứ Huế, có nước dùng bò đậm đà được chế biến với nhiều sả, sau đó nêm mắm tôm, đường và dầu ớt. Món bún này thường dùng sợi bún to, ăn kèm nhiều loại thịt và cho thêm một chút chanh cùng rau thơm. Tất cả tạo nên một bát bún có sự cân bằng tuyệt vời giữa cay, chua, ngọt và mặn.

Ăn gì ở Việt Nam: 29 món nhất định phải thưởng thức ngoài Phở và Bánh mì - Ảnh 2.

Bún bò Huế. Ảnh: cntraveller.

Có một món ăn gắn liền với phố cổ Hội An và khó có thể bỏ qua khi đến nơi đây là cao lầu. Được phủ phía trên thịt lợn thái lát, bánh gạo giòn, gia vị, một ít rau thơm và rau diếp tươi, và rưới một ít nước dùng ở đáy bát, tất cả tạo nên hương vị và kết cấu đặc biệt cho món ăn.

Có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Nam, mì Quảng sử dụng bánh phở sợi đã được nhuộm bằng bột nghệ và chỉ ăn kèm với một chút nước dùng đậm đặc từ thịt heo và tôm. Món này thường được phục vụ cùng thịt lợn và tôm, cùng với hỗn hợp các loại thảo mộc và một chút lạc rang.

Vào những ngày hè, món canh chua cũng là một lựa chọn thú vị. Món ăn thanh mát này có nước dùng me và thường được nấu từ cá, dứa, cà chua và các loại rau như đậu bắp và quả tai voi.

Cháo gạo cũng là một món ăn phổ biến trong ẩm thực châu Á. Cháo có thể ăn cùng rất nhiều loại nhân mặn và đây là món ăn phù hợp khi dạ dày cảm thấy hơi khó chịu.

Cơm tấm cũng là một món ăn đặc biệt khi sử dụng loại gạo đã vỡ nhỏ. Cơm sẽ ăn cùng với thịt lợn nướng, tôm hoặc thịt bò nướng cùng với các món ăn kèm như rau tươi ngâm chua, trứng ốp la, chả giò giòn và da heo xé mỏng. Rưới một lượng nước mắm vừa đủ lên đĩa là thực khách đã có một bữa ăn tuyệt vời.

Được cho là chịu ảnh hưởng từ ẩm thực của người Hoa, món mì xào mềm được nấu cùng nước tương và dầu hào với hỗn hợp các loại rau và nhiều loại thịt. Đây là một món khai vị tốt trước khi thực khách muốn thử các món bản địa khác.

Hủ tiếu là một món ăn phổ biến ở miền Nam. Có nước dùng từ xương lợn, món này thường được phục vụ cùng sợi hủ tiếu làm từ bột sắn và ăn kèm thịt lợn, thịt bò, thịt gà và hải sản, cùng với hỗn hợp các loại thảo mộc và rau.

Rất nhiều món ăn nhẹ với hương vị đặc biệt

Rau muống là loại rau phổ biến ở Việt Nam vì khí hậu nhiệt đới tạo điều kiện lý tưởng cho cây rau muống phát triển. Theo nhiều người, cách ngon nhất để chế biến món này là xào với nhiều tỏi (và có thể thêm một chút nước mắm và đường). Tuy chế biến đơn giản nhưng mang lại một kết quả tuyệt vời.

Đến với Việt Nam, thực khách sẽ được biết đến một món bò đặc biệt – bò lúc lắc. Những khối thịt bò được ném mạnh vào chảo, xào cùng tỏi, hành tây, hạt tiêu đen và nước tương. Khi thịt chín sẽ ăn kèm với salad rau diếp, cà chua và dưa chuột. Đây là một món khai vị đơn giản nhưng ngon miệng.

Nếu đang muốn nếm thử một thứ gì đó tươi mát và nhẹ nhàng, thì món gỏi xoài chính là đáp án phù hợp. Cà rốt bào sợi, hành tây và xoài xanh xắt nhỏ được trộn với các loại rau thơm như bạc hà và húng quế trước khi ướp với chanh và nước mắm. Sau khi được bày ra đĩa, tôm luộc hoặc thịt bò khô sẽ được phủ lên trên và ăn kèm một chút đậu phộng rang để thêm tạo thêm phần giòn và đậm đà.

Đến với xứ Huế, chắc chắn nhiều du khách sẽ biết đến món thịt luộc tôm chua. Thịt ba chỉ được luộc chín tới ăn kèm cùng tôm sống ướp trong muối, dấm và ớt. Thực khách có thể ăn kèm rau thơm, bún và bánh tráng để tăng thêm hương vị.

Vào thời điểm thư giãn với một cốc bia tươi, du khách có thể gọi món hến xúc bánh đa. Du khách sẽ bẻ nhỏ chiếc bánh đa mè giòn thành nhiều miếng nhỏ để ăn kèm hến xào. Đây là một món ăn vặt tuyệt vời với sự tương phản về cả kết cấu và hương vị.

Nếu đang tìm kiếm một món súp gà có tác dụng chữa bệnh thì gà tần là món ăn phù hợp. Những miếng thịt gà được hầm với nhiều loại rau và thảo mộc, tạo cho nước dùng có màu sẫm và sẽ giúp dạ dày cùng cơ thể ấm lên.

Tại Việt Nam, xôi là một bữa ăn và có thể ăn cả kiểu mặn và ngọt. Về xôi mặn, người Việt thường ăn cùng một số loại thịt, ruốc, hành phi. Còn xôi ngọt thường được phục vụ đơn giản hoặc với dừa và đường.

Là một món ăn đường phố phổ biến, bột chiên là bánh gạo chiên với một lớp trứng mỏng, được rắc hành lá tươi lên trên và ăn kèm với nước tương đậm đà.

Ăn uống kiểu gia đình là một phần vốn có của văn hóa châu Á. Và món thường được chọn trong những dịp này là lẩu. Người Việt ăn lẩu thường có nước dùng chua ngọt được nêm với chanh, sả, cà chua, ớt và hương liệu. Và vô số nguyên liệu sống như thịt thái lát mỏng, rau, hải sản, đậu phụ và mì sẽ được sử dụng ăn kèm.

Bò né là phiên bản bít tết và trứng của Việt Nam. Thịt bò ướp được nấu với cà chua, hành tây, trứng và pate trên chảo gang nóng hổi với bơ. Món ăn này thường được phục vụ với bánh mì nướng giúp khám phá trọn vẹn hương vị nước sốt trong chảo.

Món bò kho Việt Nam phần nào tương tự như món bò hầm của Trung Quốc nhưng có hương vị đậm đà hơn. Nước dùng được ninh trong nhiều giờ có độ sánh đặc và thấm hương vị của sả, hồi, đinh hương, quế, hành và tỏi. Những miếng thịt bò được làm khô trước khi cho vào nồi cùng với cà rốt cho đến khi cả hai đều chín mềm.

Theo An Bình

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên