Bán hàng có 'chứng minh thư' ở TPHCM
Tại nhiều chợ ở TPHCM, hàng hóa, nhất là thực phẩm được người bán kiểm định nguồn gốc xuất xứ an toàn rõ ràng trước khi bán. Cách này được gọi vui là bán hàng có “chứng minh thư” để giữ chân khách.
- 23-01-2021Khi “cửa khẩu nằm ở nhà mỗi người dân”
Test tại chỗ
Chợ An Đông (Q.5, TPHCM) có nơi để test nhanh thực phẩm, khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ với BQL chợ để kiểm tra. Bà Trúc Phương (chủ sạp A32) cho biết, ngoài việc bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, chứng từ, tiểu thương còn chuẩn bị sẵn các mẫu test nhanh, thực hiện tại chỗ để khách yên tâm chọn mua hàng của mình.
Tương tự, chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM) cũng có phòng test nhanh thực phẩm. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết, Ban quản lý trang bị bộ test và kiểm soát trực tiếp các sản phẩm tiểu thương kinh doanh tại chợ. "Khách đến chợ nếu thấy nghi ngờ sản phẩm mình mua thì có thể test nhanh ngay tại chợ. Như vậy mới có thể đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng”, bà Mai nói, đồng thời cho biết, ngoài test nhanh các mẫu sản phẩm bất kỳ, BQL chợ còn kiểm tra hóa đơn, chứng từ nhập hàng của tiểu thương hàng ngày để đảm bảo hàng hóa an toàn khi đến tay người mua.
Theo ông Trần Tấn Lâm, Đội trưởng Đội ATTP số 6 (giám sát công tác ATTP tại 3 quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân), trước đây chợ Phạm Văn Hai chuyên cung cấp sỉ, nay chủ yếu bán lẻ cho người dân trên địa bàn. So với trước đây lượng thịt heo nóng nhập về chợ rất nhiều, tuy nhiên gần đây số lượng chỉ còn khoảng 15-20 xe, nguồn gốc từ Long An và các tỉnh miền Tây Nam Bộ khác.
Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng tại chợ đã triển khai test nhanh nên công tác kiểm soát, giám sát ATTP tại chợ đã được tăng cường hơn, hiệu quả hơn. “Đối với những mẫu test nhanh cho kết quả dương tính, lô hàng sẽ ngay lập tức được tạm giữ, đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu gửi đi xét nghiệm toàn phần nếu kết quả của mẫu tiếp tục cho kết quả dương tính, lô hàng sẽ được thu giữ và xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Lâm khẳng định.
Ngưng hợp đồng nếu vi phạm
Hiện nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã lập các phòng kiểm tra chất lượng riêng. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ, lô hàng của nhà cung cấp sẽ bị chặn từ cổng. Đại diện các đơn vị bán lẻ như Bách Hóa Xanh, MM Mega Market đều khẳng định hàng hóa muốn vào hệ thống này bắt buộc phải có đầy đủ giấy kiểm định không có dư lượng chất trừ sâu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Những đơn vị này vừa thành lập phòng kiểm tra mẫu sản phẩm trước khi nhập kho.
“Nếu phát hiện rau củ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thịt có chứa chất cấm… chúng tôi sẽ đối chất với nhà cung cấp. Nếu vi phạm sẽ ngưng nhận hàng, cắt hợp đồng và yêu cầu bồi thường cho doanh nghiệp”, ông Phan Ngọc Bắc, đại diện Kho hàng Bách Hóa Xanh tại Bình Chánh nói.
Chợ đầu mối Bình Điền luôn có Đội 10 thuộc Ban quản lý ATTP TPHCM lấy mẫu kiểm tra thực phẩm hằng đêm. Đối với các tiểu thương nếu phát hiện vi phạm, trộn hàng kém chất lượng sẽ bị ngưng kinh doanh ngay lập tức.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết: “Mặc dù công ty và Đội 10 đã có sự phối hợp rất tốt nhưng tần suất và số lượng lấy mẫu trong thời gian qua chưa được như mong muốn. Thời gian lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu ATTP và có kết quả mẫu phân tích kéo dài từ 5 đến 7 ngày nên khó khăn trong việc kiểm soát ATTP hàng hóa bán ra khỏi chợ”.
Liên tục trong những ngày qua, BQL An toàn thực phẩm TPHCM đã tổ chức 20 đoàn đi kiểm tra hàng tết trên toàn thành phố. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL cho biết, đối với các hàng hóa phục vụ Tết, Ban đã tăng cường kiểm tra từ hệ thống phân phối hiện đại đến chợ truyền thống, các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu, những điểm bán lẻ trong Thành phố. Nếu phát hiện những mẫu không an toàn, sẽ không cho lưu thông ngoài thị trường.
“Qua các vòng lấy mẫu, chúng tôi chưa phát hiện vi phạm nhưng không vì vậy mà chủ quan, lơ là. Một số cá nhân vẫn lợi dụng cơ hội để trà trộn hàng kém chất lượng, trong khi khả năng kiểm soát cơ sở bất hợp pháp, hàng trôi nổi buôn bán qua mạng là rất khó. Vì vậy mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải quyết liệt trong việc “nói không” với thực phẩm bẩn” - bà Phong Lan nhấn mạnh.
Tiền Phong