Báo động 'sức khỏe' nhiều tập đoàn, tổng công ty
Chiều 16/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho biết, bên cạnh việc nhiều tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao ở mức cao, tình trạng khó khăn, thua lỗ của một số đơn vị đang ở mức đáng báo động.
- 09-07-2024Hợp tác với Tập đoàn hàng đầu thế giới của Nga, lò phản ứng hạt nhân mới của Việt Nam có vai trò gì?
- 08-07-2024Bộ Công an: Vụ Tập đoàn Phúc Sơn rất phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương
- 05-07-2024Lĩnh vực cấp bách hàng trăm tỷ USD ở Việt Nam có thêm Tập đoàn top đầu Trung Quốc muốn "đặt chân" vào
EVN lo bị lỗ 3 năm liên tiếp
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn cho biết, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Ủy ban đã giao. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân; thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết, 6 tháng đầu năm, EVN đã đảm bảo cung ứng điện dù nắng nóng khắc nghiệt và chỉ số tiêu thụ điện tăng mạnh.
Theo lãnh đạo EVN, các hồ lượng nước năm nay về chỉ đạt khoảng 80% so với trung bình các năm. Trong bối cảnh vận hành hệ thống như vậy, EVN phải huy động tất cả các nhà máy nhiệt điện chi phí cao trên toàn quốc.
Theo ông Tuấn, bài toán cân đối tài chính của tập đoàn năm nay hết sức nan giải khi đã 2 năm liên tiếp bị lỗ. Năm 2022, EVN lỗ xấp xỉ 27.000 tỷ đồng. Năm 2023, EVN lỗ khoảng 23.000 tỷ đồng. Riêng hai năm đã lỗ tới gần 50.000 tỷ đồng.
“Nhờ tối ưu tất cả việc vận hành giúp chi phí mua điện của EVN các tháng đầu năm giảm được khoảng 2.000 tỷ đồng so với năm ngoái nhưng luỹ kế 6 tháng EVN vẫn bị lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng.
Với tình trạng nước về tốt từ nay đến cuối năm, dự báo tập đoàn sẽ lỗ cả năm khoảng 10.000 tỷ đồng. EVN là đơn vị duy nhất trong 19 tập đoàn, tổng công ty đang phải hoạt động theo cơ chế “đầu vào thị trường, đầu ra trong nước quản lý”. Nếu để EVN lỗ tiếp năm thứ 3, sẽ không có bất cứ cơ hội để tập đoàn tiếp tục phát triển, đầu tư trong tương lai”, ông Tuấn nói.
Tình hình tài chính hợp nhất (công ty mẹ - công ty con) các đơn vị thuộc Ủy ban ghi nhận những chỉ số tích cực với doanh thu ước đạt hơn 1,01 triệu tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 56.874 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 86.217 tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm.
Nhiều dự án lớn sẽ về đích trước hạn
Tại hội nghị, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, là doanh nghiệp Nhà nước nhưng hoạt động theo cơ chế đặc thù và đối mặt nhiều khó khăn.
Theo đại diện ACV, vận chuyển nội địa giảm 19% so với năm ngoái nhưng bay quốc tế lại tăng mạnh giúp doanh thu trong 6 tháng đầu năm của tổng công ty tăng mạnh, đạt 54% kế hoạch, lợi nhuận đạt trên 60% kế hoạch. Nhờ vậy, tình hình tài chính của ACV được cải thiện trong bối cảnh các dự án lớn của ACV như sân bay Long Thành đang triển khai với tiến độ rất tốt, dự báo sẽ về đích sớm hơn tiến độ vào khoảng tháng 9/2026.
Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất phấn đấu về đích trước 3 tháng, vào dịp 30/4/2025. “Từ tháng 8/2024, Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ bắt đầu làm mái và lắp đặt các thiết bị. Tổng công ty đang triển khai một loạt dự án đầu tư xây dựng cơ bản lớn với tổng mức đầu tư 138.000 tỷ đồng trên tổng số 165.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2021-2025”, đại diện ACV cho hay.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines (VNA) Đặng Ngọc Hòa cho biết, sau 3 năm chống chọi với thua lỗ, VNA đã có lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm. Dù có lợi nhuận nhưng tổng công ty vẫn phải đối mặt tình trạng lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu lớn.
Về tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ông Hồ Sĩ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, trong 19 đơn vị thuộc Ủy ban quản lý, bức tranh tài chính của EVN rất đáng lo dù tập đoàn đã đảm bảo được việc cung ứng điện. Đây là vấn đề khó và Ủy ban cùng các đơn vị sẽ cần bàn nhiều trong thời gian tới. Cùng với EVN, ông Hùng bày tỏ lo ngại về các chỉ số của VNA khi lượng vận chuyển tăng nhưng doanh thu giảm.
Tiền phong