Cưỡng chế chủ đầu tư chây ì "ôm giữ" phí bảo trì chung cư
Những chủ đầu tư cố tình “chây ì”, không bàn giao lại số tiền phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư theo quy định, sắp tới sẽ buộc phải "nhả" quỹ về cho cư dân khi các cơ quan quản lý áp dụng biện pháp mạnh tay hơn.
- 02-11-2015Bị “om” phí bảo trì chung cư, cư dân kêu lên Thủ tướng
- 28-10-2015Cưỡng chế thu 2% phí bảo trì chung cư nếu chủ đầu tư không bàn giao
- 16-10-2015"Nóng" phí bảo trì nhà chung cư
- 28-07-2015TPHCM: “Nóng” chuyện 2% phí bảo trì chung cư bị chiếm dụng
- 28-06-2015Bàn giao phí bảo trì chung cư: Hệ lụy của việc chậm hướng dẫn
- 27-05-2015Phổ biến tình trạng chủ đầu tư găm phí bảo trì chung cư
“Tiền của ai người đó quản”
Liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì chung cư, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, 2% phí bảo trì nhà chung cư được giao cho Ban Quản trị nhà chung cư trên nguyên tắc “tiền của ai người đó quản”.
Cụ thể, tại dự thảo "Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư" quy định, Điều 36 quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản để tạm quản lý kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi ban quản trị hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua cho ban quản trị nhà chung cư. Kỳ hạn tiền gửi và chủ tài khoản quản lý kinh phí bảo trì do một người đứng tên hoặc đồng chủ tài khoản đứng tên, để đảm bảo cho việc sử dụng số tiền này đúng mục đích.
Theo Dự thảo, Ban Quản trị sau khi được UBND quận ban hành quyết định công nhận, có trách nhiệm lập tài khoản quản lý kinh phí bảo trì tòa nhà tại ngân hàng theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, đăng ký con dấu. Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có thể là một người hoặc đồng chủ tài khoản do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Cơ chế quản lý tài chính từ quỹ bảo trì cũng được quy định khá chặt chẽ tại dự thảo. Trong đó, đảm bảo có đủ các loại giấy tờ chứng minh theo quy định thì ngân hàng nơi Ban quản trị mở tài khoản mới cho phép rút tiền. Hội nghị nhà chung cư cũng sẽ quyết định với số tiền bao nhiêu thì Ban quản trị sẽ được rút tiền mặt để chi trả, từ mức bao nhiêu thì sẽ phải chuyển khoản cho các đơn vị.
Để đảm bảo số tiền 2% phí bảo trì được sử dụng hiệu quả và an toàn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà Việt Nam cho rằng, đồng chủ tài khoản đứng tên trong ngân hàng nên bao gồm 1 người của chủ đầu tư và 2 người của ban quản trị tòa nhà để phòng trường hợp rủi ro thành viên trong ban quản trị tòa nhà có thể một lúc nào đó bán nhà và không ở tòa nhà nữa.
Cưỡng chế chủ đầu tư cố tình “ôm phí”
Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 10/12. Trong đó, quy định cụ thể thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Cụ thể, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra; nếu các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì này.
Trường hợp các bên vẫn chưa lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì thì các bên phải thống nhất quyết toán số liệu và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh.
Trường hợp quá thời hạn quy định nêu trên mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản; trong quyết định cưỡng chế, UBND cấp tỉnh phải ghi rõ số kinh phí chủ đầu tư phải bàn giao sau khi trừ kinh phí mà chủ đầu tư phải sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung (nếu có), thời hạn bàn giao, biện pháp cưỡng chế và trách nhiệm của các bên liên quan để thực hiện quyết định này.
Biện pháp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì bao gồm việc buộc chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì được gửi từ tài khoản đã lập theo quy định hoặc chuyển kinh phí từ tài khoản khác của chủ đầu tư sang tài khoản do Ban quản trị quản lý hoặc xử lý tài sản của chủ đầu tư.
Việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế. Kinh phí phải bàn giao là toàn bộ số tiền bảo trì (cả gốc và lãi) theo số liệu kinh phí mà các bên đã quyết toán; nếu các bên không thống nhất quyết toán số liệu thì bàn giao theo số liệu ghi trong quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư hoặc quản lý tài khoản khác của chủ đầu tư theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do Ban quản trị lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở và quyết định cưỡng chế; trường hợp phải xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì cho Ban quản trị thì trong quyết định cưỡng chế, UBND cấp tỉnh phải nêu rõ biện pháp xử lý tài sản, trách nhiệm của đơn vị xử lý tài sản, hình thức xử lý và việc chuyển giao kinh phí thu hồi cho Ban quản trị.
Hy vọng với những biện pháp mạnh này, việc “đòi” lại số tiền 2% phí bảo trì của cư dân các tòa nhà chung cư sẽ bớt khó khăn hơn trong thời gian tới.
Infonet