Be tự đổi tên app là Siêu ứng dụng: Nhìn lại 1 thập kỷ Grab trở thành siêu ứng dụng nhưng chưa 1 lần "tự xưng" đích danh
Lấy cảm hứng từ thành công của Wechat (ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu), Grab đã theo đuổi chiến lược "siêu ứng dụng" trong suốt thập kỷ qua.
- 12-10-2024Sau cuộc đua "đốt tiền" giao đồ ăn: ShopeeFood lãi 850 tỷ, doanh thu bằng cả Grab chở khách lẫn giao hàng, AhaFood tuyên bố sẽ chiếm 20% thị phần
- 11-10-2024Thị trường tỷ đô của VN: Grab giảm tốc, Xanh SM đầy tiềm năng vươn lên số 1 nhờ cách làm chưa từng có
- 03-10-2024CEO Grab tự mình 'vi hành', đóng giả làm tài xế
- 02-10-2024Ông Phạm Nhật Vượng ra mắt Xanh SM Bike Platform, giống mô hình của Grab Bike hay Be Bike, chia sẻ 80% doanh thu cho tài xế
Đầu tháng 10, ứng dụng Be trên bản mobile đột nhiên gắn nhãn “siêu ứng dụng”. Động thái này của Be Group gây nhiều chú ý, bởi vì tay chơi lớn nhất trên thị trường là Grab từ năm 2018 đã truyền thông về việc phát triển theo mô hình siêu ứng dụng, nhưng còn chưa "dám" tự đổi tên mình như vậy.
Grab "đốt tiền" chinh phục Siêu ứng dụng nhưng chưa một lần gọi đích danh
Lấy cảm hứng từ thành công của Wechat (ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu), Grab đã theo đuổi chiến lược "siêu ứng dụng" trong suốt thập kỷ qua.
Với tham vọng này, Grab hoàn toàn thuyết phục được giới đầu tư toàn cầu để "bơm tiền" đầu tư. Những năm sau đó, Grab liên tục bành trướng. Đại dịch bùng phát khiến nhu cầu giao đặt hàng tăng cao mang về cơ hội lớn cho các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab.
Đỉnh điểm năm 2021, Grab chính thức IPO thông qua sáp nhập với một công ty SPAC (Altimeter Growth) ở New York. Giá trị 40 tỷ USD đưa thương vụ trở thành vụ IPO lớn nhất tại Phố Wall của một công ty Đông Nam Á.
Dù vậy, kỷ nguyên huy động vốn giá rẻ đã chấm dứt khi lãi suất liên tục tăng trên toàn cầu, buộc các công ty công nghệ dựa vào tốc độ “đốt tiền” để mở rộng thị phần và thúc đẩy tăng trưởng phải dừng lại.
Tháng 6/2023, bên cạnh việc sa thải 11% lực lượng lao động, tương đương hơn 1.000 người, Grab được biết cũng đóng cửa dịch vụ kinh doanh nấu nướng trên nền tảng đám mây, giảm trợ cấp trong các lĩnh vực như giao đồ ăn và dành ít thời gian hơn cho việc mở rộng sang các lĩnh vực khác như giải trí.
Năm này, Grab lỗ 249 triệu USD trong quý 1 (tương đương -5.861 tỷ đồng), quý 2/2023 lỗ tiếp 148 triệu USD, con số lỗ là 99 triệu USD trước khi đột ngột báo lãi mỏng trong quý 4/2023. Tổng cả năm 2023, Grab lỗ 485 triệu USD (tương đương hơn 11.400 tỷ đồng).
Sang năm 2024, Grab quay lại thua lỗ, luỹ kế 6 tháng lỗ 184 triệu USD, tương đương lỗ hơn 4.331 tỷ đồng.
Mới đây, ví điện tử của Grab là Moca còn tuyên bố dừng hoạt động ở Việt Nam sau 6 năm chìm trong thua lỗ. Một chuyên gia trong ngành cho biết, việc Grab buông mảng thanh toán, bên cạnh lý do vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trung gian thanh toán, còn có thể nhằm mục tiêu tối ưu lợi nhuận trong bối cảnh ví điện tử vẫn là mảng "đốt tiền".
Ghi nhận, kể từ năm 2017 tới năm 2022, Moca vẫn liên tục chìm trong thua lỗ. Năm lỗ lớn nhất của Moca là năm 2021 với số lỗ lên đến 165 tỷ đồng. Năm 2022, Moca lỗ ít hơn với việc lỗ 40 tỷ đồng.
Bùng nổ xu hướng siêu ứng dụng - "sân chơi" của người giàu
Siêu ứng dụng (super app) còn được gọi là ứng dụng tất cả trong một (one-stop app). Mô hình này là một nền tảng công nghệ tích hợp đa dịch vụ như đặt xe, giao hàng, mua sắm, trò chuyện, thanh toán… Nhờ đó, người dùng có thể sử dụng nhiều dịch vụ và tiện ích khác nhau trên cùng một ứng dụng, giúp tiết kiệm không gian cho điện thoại.
Giai đoạn 2018-2020 được xem là thời gian bùng nổ giấc mơ siêu ứng dụng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Không chỉ Grab, GoTo cũng định vị là một siêu ứng dụng; hay Be, Zalo của Việt Nam cũng có lộ trình tương tự.
Thực tế, việc trở thành siêu ứng dụng là cách để xây dựng dữ liệu lớn (Big Data). Người dùng càng sử dụng ứng dụng thường xuyên, với nhiều dịch vụ khác nhau thì dữ liệu về bản thân họ càng lớn, đầy đủ và toàn diện. Càng giàu có dữ liệu, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) của nhà vận hành có thể phân tích, dự đoán về năng lực tài chính, thói quen, hành vi… của chính người dùng chính xác hơn, nhằm đưa ra giải pháp tiếp thị, tư vấn, ưu đãi và duy trì độ trung thành hiệu quả.
Chưa kể, sự phát triển vượt bậc của các siêu ứng dụng có thế mạnh tài chính tạo ra sự cách biệt lớn với các ứng dụng nhỏ có nguồn vốn chỉ vài triệu USD tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Dù là xu hướng chung và khép kín được hệ sinh thái, tận dụng nguồn lực qua lại, song siêu ứng dụng không phải là cuộc chơi mà ai cũng có thể nhắm đến. Theo các chuyên gia, đây là “sân chơi” cho những đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh, điển hình như Grab với các khoản đầu tư đến hàng trăm triệu USD, Go-Viet (Go-Jek) hay Now (SEA – Singapore).
Be - 1 trong 2 "thế lực" nội địa đang chiếm dần thị phần từ tay Grab
Trở lại với Be, việc đổi tên thành Siêu ứng dụng được đưa ra trong bối cảnh Công ty đang dần nổi trội trên sân chơi ứng dụng gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn… công nghệ.
Báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” thực hiện bởi Q&Me ghi nhận, khoảng cách giữa Grab và các đối thủ đang thu hẹp dần với sự gia tăng người dùng từ Be và sự xuất hiện của nhân tố mới Xanh SM.
Đặt lên bàn cân riêng Grab và Be, nhìn giai đoạn 4 năm qua, vào năm 2021 có đến 60% người dùng Việt thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe máy của Grab, 18% lựa chọn dịch vụ gọi xe máy của Be thường xuyên.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thứ hạng đã có sự thay đổi khi Be vươn lên vị trí thứ hai và tăng đến 13% số lượng người dùng thường xuyên.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đối tượng khách hàng tiềm năng hiện nay là GenZ đang ưu tiên chọn Be, thể hiện một mối lo lắng về tương lai của Grab.
Nếu Grab thu hút tập khách trẻ bằng phân khúc giá rẻ, thì chiến lược của Be tập trung vào trải nghiệm với dịch vụ "VIP" bao gồm beCar Plus, beBike Plus (tiêu chí tuyển chọn tài xế và xe đẳng cấp hơn nhằm phục vụ tập khách hàng đông đảo hơn và ngày càng hiểu biết về công nghệ).
Trong khi các ứng dụng khác chỉ khai thác đơn lẻ dịch vụ gọi xe hoặc bán vé máy bay, tàu hỏa… thì Be đã đã tích hợp 5 trong 1 phương thức di chuyển trên một siêu ứng dụng duy nhất: xe máy; ô tô, vé máy bay, vé tàu hỏa, vé xe khách.
Ở mảng giao đồ ăn, dù ra mắt trễ, BeFood vẫn đang “sống ổn”. Theo thống kê từ beFood, Be đang có hơn 200 triệu lượt tải ứng dụng, trong đó cứ 4 người truy cập nền tảng sẽ có 1 người thích “đi dạo” trên beFood để tìm kiếm gợi ý món ăn cho các bữa sáng, trưa, chiều và cả tối.
BeFood cũng vừa cho phép tạo danh sách đồ ăn yêu thích theo hướng cá nhân hoá thông qua tính năng Bộ sưu tập Ăn Uống Cá Nhân. Thông qua đó, mỗi người dùng Be có thể tạo danh sách các món ăn yêu thích theo nhiều chủ đề sáng tạo theo ý thích; chia sẻ và tham khảo các Bộ sưu tập từ bạn bè, cộng đồng.
Nhịp sống thị trường