Bị cáo vụ DongABank: Cấp trên chỉ đạo, cấp dưới biết sai vẫn làm
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Vân – Nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank thừa nhận sai hành vi nhưng không biết đang giúp sức cho bị cáo Bình và bị cáo Xuyến, và việc ký HĐTD là vượt quá thẩm quyền lúc này là tối đa 50 tỷ, trên 50 tỷ thì trình lên Tổng Giám đốc ký.
Ngày 29/11, TAND Tp.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Đông Á – DongAbank, DAB.
Lấy tên vợ con để tăng niềm tin
Phiên sáng, trả lời Viện kiểm sát, bị cáo Bình giải thích rằng việc mua cổ phần nhằm mục đích đảm bảo việc tăng vốn thành công cho DAB. Bị cáo dùng tên vợ con đứng tên mua cổ phần để tạo sự tin tưởng với đối tác nước ngoài. Vợ con bị cáo không hề biết việc này. Đồng thời, cổ tức hàng tháng bị cáo chỉ đạo chuyển thẳng vào tài khoản của bị cáo, thống kê từ năm 2007 đến 2015, bị cáo nhận khoảng 100 tỷ đồng còn gia đình không hưởng lợi gì.
Ngoài việc tạo niềm tin, bị cáo Bình còn cho biết phải lấy tên người thân vì thời điểm đó bị cáo không nhờ được người đứng tên giùm cổ phần nên mới lấy tên người thân.
Theo cáo trạng, trên vai trò Tổng Giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT DAB, bị cáo Bình đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 2.057 tỷ đồng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 1.551 tỷ đồng, gây thiệt hại tổng cộng cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến năm 2014, bị cáo Bình chỉ đạo bị cáo Xuyến và các nhân viên thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân để mua cổ phần của chính DAB.
Để bù đắp số tiền thu khống, bị cáo Bình chỉ đạo xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán số tiền mua cổ phần. Bị cáo Bình đã chiếm đoạt của DAB 1.160 tỷ đồng trong việc mua 74.279.236 cổ phần của chính DAB. Theo đó, bị cáo Bình và bị cáo Xuyến đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB hơn 1.160 tỷ đồng thông qua việc mua hơn 74 triệu cổ phần DAB từ năm 2007-2014.
Cấp dưới biết sai vẫn làm
Bước sang phiên chiều, HĐXX xét hỏi đến các bị cáo khác. Trong đó, hầu hết các bị cáo đều đồng ý cáo trạng tuy nhiên ý kiến thêm về hành vi của mình, bên cạnh việc không hay biết đang giúp sức cho bị cáo Bình chiếm đoạt tài sản thì hầu hết các bị cáo thực hiện các hành vi sai phạm bởi tin tưởng lãnh đạo.
Thậm chí, nhiều bị cáo khẳng định bản thân thiếu sót dẫn đến hành vi không đúng quy định, nhưng không cố ý sai phạm chiếm đoạt tiền DAB.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Chí Công - nguyên Phó trưởng phòng tín dụng DAB Sở giao dịch, khai báo lập tờ trình tín dụng với vai trò Phó phòng tín dụng, lập tờ trình vay sau khi nhận hồ sơ từ bị cáo Tài và không tiếp xúc khách hàng.
"Tóm lại là toàn bộ quá trình tín dụng có làm đúng với quy định NHNN không?", HĐXX chất vấn.
Trả lời, bị cáo Công muốn trình bày hành vi không thực hiện đúng, chi tiết lý do biết sai vẫn làm là do lãnh đạo phân công, bị cáo biết được Công ty vay là công ty của bị cáo Xuyến, nên chỉ biết thừa lệnh cấp trên.
Nguyên Phó Chủ tịch HĐTD DongABank: Vẫn ký duyệt cho vay dù biết đã vượt thẩm quyền
Cùng với đó mở đầu phiên chiều, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Vân – Nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB thừa nhận về hành vi nhưng muốn trình bày thêm rằng không biết đang giúp sức cho bị cáo Bình và bị cáo Xuyến, và việc ký HĐTD là vượt quá thẩm quyền lúc này là tối đa 50 tỷ, trên 50 tỷ thì trình lên Tổng Giám đốc ký.
HĐXX: TGĐ ký hạn mức bao nhiêu?
Bị cáo Vân: Bị cáo không nhớ chính xác.
HĐXX: Tại sao biết sai vẫn làm
Bị cáo Vân: Tại thời điểm bị cáo Tài GĐ Sở lúc đó trình thì có nói là làm dưới chỉ đạo bị cáo Bình, nên nghĩ đã được duyệt rồi nên vẫn ký.
HĐXX: Cụ thể là ai đã trình?
Bị cáo Vân: Dạ Nguyễn Đức Tài nguyên TGĐ Sở
HĐXX: Có biết rằng ký kết sau đó bị cáo Bình và bị cáo Xuyến sẽ dùng cá nhân không
Bị cáo Vân: Bị cáo hoàn toàn không biết, không được nghe gì cả.
HĐXX: Khi khởi tố bắt giam có bị thu giữ gì không?
Bị cáo Vân: Bị cáo bị niêm phong số cổ phần tại DAB, khoảng 700.000 cổ phần đứng tên bị cáo và một cổ phần đứng tên chồng là Cao Ngọc Hải. Số cổ phần này bị cáo bỏ tiền ra mua, là của vợ chồng bị cáo trong suốt thời gian làm DAB từ năm 1992 đến khi bị bắt. Mua theo từng đợt tăng vốn của DAB.
Năm 1992 khi bắt đầu vô làm thì không có cổ phần, sau đó tăng vốn DAB bán cho CBCNV thì bị cáo bắt đầu mua vào, bị cáo Vân nói thêm.