BigC chưa nộp 3.600 tỷ đồng thuế chuyển nhượng, cơ quan quản lý "đếm cua trong lỗ"?
Cơ quan chức năng vẫn chưa thu được một đồng thuế chuyển nhượng với thương vụ của BigC sau gần 2 tháng. Chuyện nhờ đến trung tâm trọng tài quốc tế được các chuyên gia khuyến nghị, song đây cũng không phải là chuyện dễ.
- 07-06-2016“Mua lại Metro, BigC giống như Vingroup mua lại Ocean Mart hay Vinatex Mart”
- 09-05-2016Bán hàng 100 đồng, BigC thu 25 đồng của nhà sản xuất
- 09-05-2016Metro và BigC vào tay người Thái: Doanh nghiệp căng thẳng, Bộ Công Thương bình tâm?
- 25-03-2016Chỉ một thương vụ BigC Thái Lan đã gần bằng tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2015
- 04-03-201610/3 tới là ngày chốt số phận BigC Việt Nam, nhưng Central Group bất ngờ muốn thoái lui
Big C chính thức bán lại toàn bộ hệ thống cho đối tác nước ngoài là Central Group của Thái Lan từ cuối tháng 4/2016. Với giá trị thương vụ lên tới 1,04 tỷ USD, thuế chuyển nhượng được cơ quan thuế tính toán, vào khoảng 3.600 tỷ đồng.
Theo quy định, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Tuy nhiên, đến nay Big C đã quá hạn gần 50 ngày và chưa thực hiện nghĩa vụ về thuế. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã gửi công văn yêu cầu Big C phải sớm kê khai và nộp thuế.
Trong trường hợp, doanh nghiệp này vẫn cố tình chây ỳ, Tổng cục Thuế sẽ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạm dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật, thậm chí sẽ áp dụng những biện pháp cưỡng chế. Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính).
Thưa ông, đã qua gần 2 tháng kể từ khi BigC bán lại hệ thống, nhưng nghĩa vụ nộp thuế lại chưa được thực hiện. Liệu có phải vụ chuyển nhượng này được thực hiện bởi những doanh nghiệp nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam nên họ đang cố tình chây ỳ?
Về nguyên tắc là sau 1 tháng họ phải làm thủ tục nộp thuế chuyển nhượng. Nhưng vụ này có đặc thù riêng, đó là tài sản được bán nằm trong lãnh thổ Việt Nam, thì phải chuyển quyền sở hữu. Song hai doanh nghiệp này lại làm việc ở nước ngoài, nên chỉ khi nào đổi danh, chuyển quyền sở hữu, thì lúc đó mới hoàn thiện tính chất pháp lý để thực hiện các nghĩa vụ còn lại.
Hiện nay, về thủ tục là đang bán, sau đó mới làm thủ tục chuyển đổi pháp lý. Nhưng tôi thấy rằng cơ quan chức năng đang "đếm cua trong lỗ", thương vụ có trị giá trên 1 tỷ USD, nhưng việc thu được thuế chuyển nhượng hay không thì còn phụ thuộc vào việc chuyển quyền sở hữu, tính pháp lý của chính những đơn vị này.
Rõ ràng giao dịch được nằm ngoài lãnh thổ thì việc kiểm tra, kiểm soát tính pháp lý trong mua bán BigC không phải là chuyện dễ để cơ quan thuế làm cơ sở kiểm soát thuế?
Quan trọng nhất cần nắm được là tính pháp lý, các doanh nghiệp này có chuyển sở hữu để chủ thể hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hay không? Ví dụ khi muốn bán xe ô tô, hoặc bán nhà là một tài sản tại Việt Nam, nếu để nguyên tên mình cho người mua sử dụng thì sau này sẽ gặp khó khăn về tính pháp lý.
Do đó, nhiều người thực hiện thủ tục pháp lý, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng và tất cả các nghĩa vụ liên quan, khi đã hoàn tất rồi mới tiến hành vấn đề thuế. Còn giá bao nhiêu thì do người trong cuộc thỏa thuận và biết với nhau.
Trong mua bán của các tổ chức quốc tế họ phải có hợp đồng mua bán rất rõ ràng chứ không phải là đưa thông tin khống, ít khi giá cả đưa ra mà phản ánh không trung thực. Bởi họ luôn đề phòng rằng nếu sau này xảy ra sự cố pháp lý gì thì đó là căn cứ để kiện. Một điểm nữa đặt ra là trong thương vụ này, anh nào chịu thuế cũng là vấn đề.
Vậy trong trường hợp các đơn vị thực hiện thương vụ này vẫn cứ chây ỳ nộp thuế thì cơ quan chức năng sẽ phải làm gì?
Trường hợp nếu nếu hai đơn vị này đã đổi tên và chuyển quyền sở hữu, hoàn tất thủ tục pháp lý, mà khi đó vẫn không nộp thuế thì có thể can thiệp.
Luật pháp đã thể hiện rõ rồi, trong quá trình triển khai, thực hiện thì phải làm đủ thủ tục, thanh kiểm tra. Còn nếu trong trường hợp có vi phạm phải quy trách nhiệm.
Có chuyên gia kiến nghị rằng nếu không thu được thuế chuyển nhượng thương vụ BigC có thể dùng biện pháp là nhờ sự can thiệp của Interpol, ông có nghĩ là hợp lý?
Không nên nghĩ rằng DN đang là tội phạm, nếu không thu được thuế mà phải nhờ đến Interpol thì tự nhiên mất chủ quyền của mình đi. Nếu anh không nộp thuế thì có thể yêu cầu xử lý, đóng cửa không cho hoạt động, chứ không phải lúc nào cũng ra tòa quốc tế.
Interpol là cách cực đoan mà không cần thiết, động một tí mà anh đưa ra thì những nhà đầu tư khác họ vào, sẽ e ngại. Nên tiến hành nhiều hơn hoạt động thanh kiểm tra, khi có hiện tượng vi phạm sẽ xem xét, và xử lý theo đúng quy định.