Bỏ qua 8 lưu ý đơn giản này khi tập thể thao, bạn sẽ phải đối mặt với những chấn thương vô cùng đau đớn!
Chấn thương trong thể thao là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu chuẩn bị kỹ lưỡng theo lời khuyên dưới đây trước khi tập luyện và thi đấu, bạn sẽ tránh được những rủi ro không đáng có.
Các chấn thương thường xảy ra do 2 lý do: tai nạn và vận động quá sức. Trong khi các chấn thương do tai nạn gây ra rất dễ thấy, chẳng hạn như khi một vận động viên bỗng dưng khuỵu xuống ôm chân, những chấn thương do vận động quá sức lại hay xảy ra hơn.
Các chấn thương do vận động quá sức xảy ra khi cơ thể liên tục phải làm việc quá giới hạn chịu đựng và hồi phục. Tuy nhiên, các sai lầm khi tập luyện và kỹ năng kém đôi khi cũng là nguyên nhân dẫn đến chấn thương.
Mỗi chấn thương đều đòi hỏi những biện pháp chăm sóc khác nhau. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ qua bước xử lý chấn thương, cho dù đó là những chấn thương không đáng kể. Các vết sưng hay bầm tím là chuyện bình thường, nhưng viêm gân, chấn động não và một số loại chấn thương khác thì cần được xem xét kỹ lưỡng.
Muốn tránh được các chấn thương trong quá trình tập luyện, hãy tham khảo một số mẹo hữu ích dưới đây.
Đặt ra mục tiêu thực tế
Ai cũng cần đặt ra mục tiêu và luyện tập chăm chỉ để đạt được nó, tuy nhiên, điều quan nhất là mục tiêu của chúng ta phải thực tế, có thể thực hiện và duy trì được. Dù mục tiêu của bạn là bơi nhiều vòng hơn, nâng được một mức tạ nào đó hay chạy được một quãng đường nhất định, hãy đặt ra một mục tiêu khả thi và luyện tập dần dần để cải thiện.
Ngăn ngừa chấn thương trước khi nó xảy ra
Cách hay nhất để không bị chấn thương là có các biện pháp phòng ngừa chấn thương trước khi nó có cơ hội xảy ra. Bất cứ một hoạt động luyện tập nào cũng cần phải bắt đầu với việc khởi động bằng cách duỗi cơ và thực hiện các bài tập nhẹ. Điều này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn và tăng độ dẻo dai.
Dù gần đây có nhiều nghiên cứu nghi ngờ sự cần thiết của việc khởi động, đa số mọi người vẫn tin rằng chúng ta nên vận động nhẹ trước khi chơi thể thao. Từ những vận động viên chuyên nghiệp cho đến những nhà vô địch Olympic, ai cũng phải khởi động trước khi bắt đầu luyện tập. Vì thế, hãy học tập các vận động viên chuyên nghiệp này và khởi động bằng cách duỗi người, tập bật nhảy hoặc chạy bộ nhanh.
Đừng cố tập luyện quá sức
Khi đang ở trong guồng quay luyện tập, bạn rất dễ đẩy cơ thể đi quá giới hạn của bản thân. Nếu cả 363 ngày bạn chỉ ngồi một chỗ và ít vận động, sau đó lại đột ngột đi đá bóng với bạn bè cả dịp cuối tuần, nguy cơ bạn gặp chấn thương là rất cao. Mặc dù bạn không thể kiềm chế được bản thân khi đang vui chơi, hãy cố gắng khởi động trước thay vì nhảy ngay vào việc luyện tập. Đừng quên tập luyện để nâng cao thể chất và sức bền thông qua các bài tập làm tăng nhịp tim trước khi bạn nỗ lực hết mình cho các hoạt động thể thao.
Sử dụng trang phục và dụng cụ thể thao thích hợp
Sử dụng các trang thiết bị thích hợp như là giày, mũ bảo hiểm, dụng cụ bảo vệ hàm,... là một bước quan trọng trong việc phòng tránh các chấn thương thể thao. Bạn bắt buộc phải có những đôi giày vừa vặn có tác dụng nâng đỡ đôi chân, và mỗi hoạt động sẽ đòi hỏi một đôi giày riêng. Điều này giúp bạn phòng tránh được một số trường hợp như sưng gót, trật mắt cá chân, đau gân cẳng chân,...
Mũ bảo hiểm và dụng cụ bảo vệ hàm cũng hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa những chấn thương nguy hiểm và lâu dài. Chẳng hạn, đối với môn thể thao hurling - một sự kết hợp giữa khúc quân cầu, bóng đá, bóng bầu dục, người chơi không phải đội mũ bảo hiểm. Khi tập luyện hoặc thi đấu với cường độ mạnh, người chơi có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chấn thương đầu, chấn động não, cũng như rạn xương hay bị thương ở mặt.
Đừng luyện tập mãi một chỗ
Rất nhiều vết thương bị gây ra bởi việc tập đi tập lại cùng một động tác. Muốn ngăn ngừa điều này, bạn cần tập những động tác ít đi bất cứ khi nào có thể. Dù việc lặp đi lặp lại này có thể giúp cơ bắp ghi nhớ và nâng cao kỹ năng, nó cũng gây mỏi các khớp, cơ, gân và dây chằng.
Một trong những cách để ngăn ngừa những chấn thương như thế này là tập luyện chéo. Tập luyện chéo có nghĩa là thực hiện nhiều bài tập trên các phần khác nhau của cơ thể, nhằm giúp những phần được sử dụng nhiều có thời gian hồi phục. Ngoài ra, nó cũng giúp phân bổ áp lực chuyển động lên toàn bộ cơ thể thay vì chỉ tập trung ở một khu vực.
Đợi cơ thể hồi phục
Để không mắc phải những chấn thương dai dẳng, bệnh nhân cần để cho cơ thể có đủ thời gian để phục hồi. Sau khi các vết thương vừa mới lành lặn, chỉ luyện tập trở lại một cách từ từ. Nếu chấn thương tái phát, điều này có nghĩa là vết thương cũ vẫn chưa lành hẳn và bạn cần nghỉ ngơi thêm. Việc khởi động trước khi luyện tập, tránh gắng sức, sử dụng trang thiết bị luyện tập thích hợp cũng có góp phần làm giảm nguy cơ gặp phải các chấn thương triền miên.
Nghỉ ngơi vài ngày mỗi tuần
Dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp là một trong những việc cần phải làm để phòng tránh chấn thương, đặc biệt là đối với những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Hãy đảm bảo là con bạn không tập luyện hay thi đấu tất cả các ngày trong tuần. Chúng cần nghỉ ngơi để xương và cơ có thời gian phát triển. Lời khuyên này cũng đúng với người lớn, bởi ai cũng cần thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
Hãy đảm bảo là bạn có một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng và đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
Nếu gặp phải chấn thương, việc đầu tiên bạn cần làm là đánh giá tình trạng vết thương và xem có nên tới bác sĩ hay không. Nếu bạn không chắc chắn, tốt nhất là nên đến các phòng khám địa phương gần nhất. Trong trường hợp bạn bị sốt hoặc cảm thấy các triệu chứng không những không giảm mà còn trầm trọng hơn, hãy gọi ngay cho chuyên gia y tế để đánh giá.
Independent