Bộ Quốc phòng góp ý Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM được kỳ vọng góp phần nâng cao vị thế của TP HCM và Việt Nam
Việc thử nghiệm chính sách đột phá, vượt trội cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM là cần thiết, có thể nghiên cứu theo hướng tạo ra sự khác biệt để tận dụng các cơ hội, khoảng trống từ thị trường tài chính quốc tế…
- 16-08-2022Hàn Quốc nới lỏng điều kiện tuyển dụng lao động Việt Nam
- 16-08-2022Hai Bộ ủng hộ ông Johnathan Hạnh Nguyễn lập hãng bay IPP Air Cargo
- 16-08-2022Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả
Bộ Quốc phòng vừa có văn bản gửi UBND TP HCM tham gia góp ý đối với dự thảo Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.
Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển ngành dịch vụ trong đó có dịch vụ tài chính; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế vào Việt Nam. Đồng thời, mở rộng hoạt động cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm ra ngoài khu vực; nâng cao vị thế của TP HCM và Việt Nam trên thị trường quốc tế.
"Bộ Quốc phòng thống nhất về chủ trương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM" – văn bản nêu rõ.
Dù vậy, liên quan đến dự thảo đề án, cơ quan này cũng góp ý ngoài những lợi thế cạnh tranh ở trên, dự báo sẽ tiềm ẩn rủi ro nhất định đặc biệt là các rủi ro về mất an ninh tài chính – tiền tệ như tội phạm tài chính, giao dịch tiền bất hợp pháp… Do đó, việc xây dựng đề án cần có các bước phân tích cụ thể hơn về những rủi ro có thể xảy ra và xây dựng biện pháp xử lý, phòng tránh giảm thiểu những rủi ro này.
Tại TP HCM và cả nước còn thiếu nhiều yếu tố có thể cạnh tranh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế như về cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao về tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin… Trong thực tế, các tổ chức tài chính quốc tế chưa hiện diện nhiều tại Việt Nam và có xu hướng chủ yếu phục vụ cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hiện cũng chưa đủ cơ sở khẳng định trung tâm tài chính TP HCM có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác như Singapore, Hồng Kông, Jakarta, Manila, Kuala Lumpur…, đặc biệt bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay và thời gian tới dự kiến sẽ còn nhiều khó khăn. Do vậy, cần nhiều phương án, giải pháp đồng bộ, có lộ trình triển khai cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và quốc tế.
Bộ Quốc phòng góp ý có thể nghiên cứu xây dựng lộ trình trung tâm tài chính quốc tế phân chia thành các giai đoạn phù hợp, từ thấp đến cao như trung tâm tài chính quốc gia, khu vực, quốc tế và toàn cầu.
Hiện các nhóm chính sách đề xuất chưa được đánh giá tác động và cung cấp số liệu tính toán thống kê cụ thể như nếu áp dụng thay đổi chính sách ước tính sẽ tăng thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư, lao động chất lượng cao, tác động đến thu chi ngân sách thế nào? Việc đề xuất xây dựng hàng lang pháp lý cần được phân tích cụ thể, xem xét cẩn thận.
"Việc thử nghiệm chính sách đột phá, vượt trội là cần thiết nhưng không nên chỉ tập trung vào tự do hóa tài chính cũng như gia tăng các ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư nước ngoài, mà có thể nghiên cứu theo hướng tạo ra sự khác biệt để tận dụng các cơ hội, khoảng trống từ thị trường tài chính quốc tế" – Bộ Quốc phòng nêu ý kiến.
Người Lao Động