Bộ Tài chính lên tiếng về việc doanh nghiệp 'vướng' thuế VAT
Sau khi Báo Tiền Phong phản ánh, doanh nghiệp “kêu” nguy cơ phá sản vì bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đã nêu lý do của tình trạng này.
- 01-06-2023Đề nghị giảm 2% thuế VAT với ô tô trong nước
- 01-06-2023ĐBQH đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024
- 31-05-2023Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mong sớm áp dụng chính sách giảm thuế VAT
TPO - Sau khi Báo Tiền Phong phản ánh, doanh nghiệp “kêu” nguy cơ phá sản vì bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đã nêu lý do của tình trạng này.
Theo Bộ Tài chính, hồ sơ hoàn thuế VAT của doanh nghiệp cao su chưa được giải quyết do trong quá trình kiểm tra, xác minh thông tin nước ngoài, chi phí mua vào. Khi xác minh, ngành thuế phát hiện nhiều doanh nghiệp trung gian xuất hoá đơn bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng hoạt động và đã chuyển hồ sơ sang công an.
Năm 2022 và 5 tháng đầu năm nay, Cục Thuế TPHCM chuyển hồ sơ của 3 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế VAT sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh. Trong đó, có 2 hồ sơ của doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng hàng cao su do doanh nghiệp mua hàng của đơn vị rủi ro cao về thuế.
Đối với ngành gỗ, luỹ kế từ đầu năm tới ngày 17/5, cơ quan thuế đã xử lý 61 hồ sơ và hoàn tiền thuế hơn 163 tỷ đồng. Có 13 doanh nghiệp sau khi gửi hồ sơ, tự rà soát, đối chiếu thấy thiếu hồ sơ, kê khai sau, điều chỉnh số liệu.
“Cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn tiền thuế VAT với 3 doanh nghiệp, tương ứng 2,71 tỷ đồng. Lý do cơ quan thuế từ chối bởi doanh nghiệp nộp thiếu hồ sơ, sai mẫu, hồ sơ không đủ”, Bộ Tài chính cho biết.
Bên cạnh đó, tới 45,9% số hồ sơ đề nghị hoàn thuế ngành gỗ chưa được giải quyết. Nguyên nhân chậm hoàn như: Chuyển hồ sơ doanh nghiệp sang cơ quan công an để điều tra, xác minh; doanh nghiệp xin tạm dừng, hoãn thời gian kiểm tra; doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ tài liệu số liệu do đang chờ kết quả xác minh...
Cơ quan thuế chủ yếu xác minh doanh nghiệp trung gian bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp hoàn thuế (doanh nghiệp F1) và doanh nghiệp trung gian F2. Qua xác minh, có gần 50 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Hiện nay, ở TPHCM có 1.105 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Đặc biệt trong những doanh nghiệp này, có 22 doanh nghiệp nằm trong vụ án đã khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian qua.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang đứng trước nguy cơ phá sản do bị treo tiền hoàn thuế VAT.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho biết, dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó, tiền hoàn thuế lại bị tắc và chậm gây thêm nhiều áp lực.
"Chúng tôi mong muốn cơ quan thuế sớm xem xét hoàn thuế đúng hạn, kịp thời giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán về dòng tiền để họ cầm cự”, ông Hòa kiến nghị.
Tiền phong