Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu giải pháp cho lỗ hổng trong "đổi đất lấy hạ tầng"
Trong phần trả lời chất vấn sáng nay, người đứng đầu Bộ Kế hoạch cho rằng: "Nếu để cho doanh nghiệp đấu giá làm hạ tầng, làm thiết kế, làm quy hoạch đổi lại doanh nghiệp lấy các quỹ đất này thì giá trị địa tô tăng lên đều thuộc về doanh nghiệp".
- 15-06-2017Sẽ có hàng loạt chính sách ưu ái lĩnh vực kinh tế tư nhân
- 14-06-2017Nể nang với khó khăn của các ngành, địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nhận trách nhiệm trước Quốc hội
- 14-06-2017Những phát ngôn nổi bật trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Doanh nghiệp đang hưởng lợi từ hạ tầng của Nhà nước
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng nay, vấn đề định giá lại bất động sản trong quá trình cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước được đại biểu đặt ra. Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận hiện có nhiều bất cập dẫn đến lợi ích của nhà nước bị thất thoát.
"Chúng ta đang xác định phần giá trị đất thuê của nhà nước không tính vào giá trị doanh nghiệp. Sau khi cổ phần hóa xong chuyển mục đích sử dụng đất các giá trị so sánh, giá trị địa tô tăng lên sẽ thuộc về doanh nghiệp chứ không thuộc về nhà nước", ông Dũng nói.
Theo người đứng đầu Bộ kế hoạch và đầu tư, để khắc phục tình trạng này Bộ đang xây dựng các giải pháp nhằm tránh thất thoát phần giá trị tăng thêm này như: Rà soát lại quỹ đất trước khi cổ phần hóa, nếu không sử dụng phải trả lại nhà nước, khi tiến hành cổ phần hóa các phần đất đang sử dụng cần phải được công khai hóa, minh bạch để các nhà đầu tư tính toán lựa chọn.
"Nếu sau cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần đưa ra đấu giá lại. Khi đó các doanh nghiệp sẽ phải bổ sung phần sau khi định giá lại", Bộ trưởng Dũng nêu hướng giải quyết, cũng đang được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện.
"Một số công trình hiện nay sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước giúp giá trị đất của cả khu vực tăng lên, tuy nhiên phần tăng lên này lại sau đó doanh nghiệp lại là người được hưởng, dù không bỏ vốn đầu tư", Bộ trưởng nhận xét.
Tư lệnh ngành Kế hoạch và đầu tư cho rằng cần tham khảo cách làm của các nước trên thế giới để mang phần giá trị địa tô tăng thêm này cho nhà nước. "Ví dụ khi mở một con đường, chúng ta mở rộng hơn so với trước, giải phóng mặt bằng 1 lần. Sau khi làm hạ tầng, quỹ đất còn lại bao nhiêu phải mang đi đấu giá. Chứ chỉ giải phóng mặt bằng đúng với công trình của chúng ta thôi thì toàn bộ giá trị tăng lên không thuộc về nhà nước. Đây là cách làm từng địa phương, một số làm tốt cần nhân rộng", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, ông Dũng cho rằng có 2 giải pháp nhà nước cần đứng ra thực hiện. Thứ 1 là nhà nước phải bỏ tiền ra làm quy hoạch. Thứ 2 là nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng, làm quy hoạch, thiết kế, kể cả hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, sau đó sẽ đem đấu giá. "Chứ nếu để cho doanh nghiệp đấu giá làm hạ tầng, làm thiết kế, làm quy hoạch đổi lại doanh nghiệp lấy các quỹ đất này thì giá trị địa tô tăng lên đều thuộc về doanh nghiệp. Chúng tôi đang kiến nghị cách làm này với Chính phủ đối với các địa phương có đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, làm giá trị đất khu vực đó tăng lên thì phải làm cho phần địa tô tăng lên thuộc về nhà nước, thuộc về nhân dân", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Các địa phương ở thế khó
Tuy nhiên thực tế việc đổi đất lấy hạ tầng về phía các địa phương cũng đang ở thế cực chẳng đã trong bối cảnh ngân sách buộc phải cắt giảm nguồn chi cho đầu tư phát triển. Ví dụ điển hình là Tp.HCM.
Mới đây địa phương này vừa mới được phê duyệt cơ chế tài chính đặc thù, sự đền bù cho quyết định cắt giảm ngân sách giữ lại của thành phố, từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn năm 2017. Tp.HCM có những quy định đặc thù về việc sử dụng quỹ đất công như tạm ứng từ ngân sách để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; có thể quyết định một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), O&M (kinh doanh - quản lý).
Ước tính, để phát triển cơ sở hạ tầng, TP.HCM cần khoảng 500.000 tỉ đồng cho 5 năm tới. Một phần không nhỏ số tiền này phải dựa vào nguồn đất công để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Theo Sở tài chính Tp.HCM, trong thời gian tới thành phố sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại quỹ đất dôi dư với 1.033 mặt bằng nhà đất để làm nguồn cho các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
Chính sách này hiện khiến các doanh nghiệp như Tasco, CII hào hứng hơn với các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT so với BOT trước đây. Hiện đơn vị này có 2 dự án là BT Lê Đức Thọ và BT 70, đổi lại Tasco nhận được hàng chục ha đất tại khu vực Mỹ Đình, Trần Duy Hưng, Nam Từ Liêm để phát triển các dự án bất động sản. Hay như CII đang thực hiện các dự án BT hạ tầng giao thông bám sát khu vực Thủ Thiêm của Tp.HCM. Đổi lại nhà nước cấp quyền sử dụng 10ha đất cũng tại khu vực này để CII xây dựng dự án bất động sản.
Trí thức trẻ
- Gần 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội
- Sự cố in ấn và những chiếc ghế trống thành điểm nhấn họp báo Quốc hội
- Quốc hội lập đoàn giám sát quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
- Chủ tịch Quốc hội: "Đã cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan dự án sân bay Long Thành"
- Quốc hội giao 'chỉ tiêu' cho 4 bộ trưởng