Bộ trưởng Tài chính: Có những bộ, ngành riêng tiền lương, phụ cấp chiếm 66%
“Có những bộ, ngành riêng tiền lương, phụ cấp lương chiếm trên 66%, không có gì để tiết kiệm. Bây giờ bộ ngành tiếp khách rất ít, đi công tác cũng ít, cho nên cũng không nên đặt vấn đề này nhiều”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề vào ngày 2/11.
- 31-10-2023Dự kiến tiền lương thấp nhất của giáo viên từ 1/7/2024
- 30-10-2023Dự kiến tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức từ ngày 1/7/2024
- 25-10-2023Người nghỉ hưu có được cải cách tiền lương không?
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian vừa qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách. Trong 3 năm qua, Bộ đã trình Quốc hội và Chính phủ giảm thuế đối với các loại thuế cũng như tiền thuê đất . Cụ thể, năm 2021 giảm 132,4 nghìn tỷ; năm 2022 giảm 233 nghìn tỷ và năm nay dự kiến giảm khoảng 200 nghìn tỷ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến ngày 30/10, thu ngân sách được 85%, tức khoảng 1.366.000 tỷ đồng. “Có nhiều đại biểu cho rằng thu tăng từ tiền đất, nhưng tiền đất chỉ đạt 57,8%, tức chỉ đạt có 86.482 tỷ. Các khoản thu dầu thô cũng rất nhỏ bé, chỉ 46.000 tỷ, tức chỉ 2,6% tổng thu ngân sách. Cho nên nguồn thu ngân sách chủ yếu từ sản xuất kinh doanh, đặc biệt thu nội địa”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Tư lệnh ngành tài chính cũng cho rằng, nếu hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng sẽ mạnh hơn, nền kinh tế bền vững hơn và doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Ông ví dụ như Luật Quy hoạch, đã hơn nửa nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch cấp tỉnh, làm sao triển khai được các quy hoạch phân khu? Đây cũng là một vấn đề phải đặt ra.
Hay giải ngân đầu tư công, đến hôm nay mới chỉ được 57%. Tại sao lại giải ngân thấp thế trong khi nền kinh tế đang khát vốn. Đây có phải vấn đề vướng mắc từ Luật Đầu tư công không?
“Nếu không sửa Luật Đầu tư công chúng ta vẫn cứ tiếp tục bàn mãi về vấn đề giải ngân đầu tư công. Ví dụ, muốn điều chỉnh danh mục công trình cũng phải ra Quốc hội, muốn điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng phải ra Quốc hội. Trong khi đó, muốn lập dự án phải có tiền, tiền phải đưa vào kế hoạch đầu tư công”, Bộ trưởng nêu.
Ông Hồ Đức Phớc dẫn chứng, gói 14.000 tỷ xây dựng trạm y tế phường, xã, đến nay chưa giao được vốn. “Kể cả gói sân bay Long Thành - công trình trọng điểm quốc gia đến hôm nay cũng chưa giao được vốn, vì có dự án được phê duyệt đâu, mà muốn có dự án phê duyệt thì phải có tiền. Nếu lấy chi thường xuyên đưa vào chuẩn bị đầu tư thì lại sai quy định của Luật Đầu tư công”, Bộ trưởng cho rằng, cần sớm sửa Luật Đầu tư công theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn.
Trước ý kiến đề nghị phải giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng Tài chính lại có quan điểm ngược lại, tức phải giảm chi đầu tư, tiết kiệm trong đầu tư, không để lãng phí, thất thoát, đầu tư là phải có hiệu quả. “Còn chi thường xuyên, chúng tôi tính toán có những bộ, ngành riêng tiền lương, phụ cấp lương chiếm trên 66%, không có gì để tiết kiệm. Bây giờ bộ ngành tiếp khách rất ít, đi công tác cũng ít, cho nên cũng không nên đặt vấn đề này nhiều”, ông nói.
Bài học đau xót từ hoàn thuế
Liên quan đến vấn đề hoàn thuế , Bộ trưởng cho biết, hiện đã hoàn được 92%, chỉ còn 14.857 hồ sơ và đang giải quyết 534 hồ sơ, với 9.154 tỷ đồng. Điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn giá trị gia tăng, có chứng từ chuyển tiền; đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm chứng từ chuyển tiền hợp đồng để chuyển tiền hàng hóa và tờ khai hải quan.
Trong khi đó, một số vướng mắc qua xác minh ở nước ngoài, cơ quan thuế của nước ngoài bảo không tồn tại doanh nghiệp này, có nghĩa là hợp đồng bị vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không hoàn được. “Những việc này là bài học rất đau xót”, ông Phớc nêu.
Theo ông, có trường hợp, Cục Thuế TPHCM có 18 người lĩnh án tù, kể cả cục phó cũng nhận mức án tù 4 năm mà "không lấy đồng nào hết, chỉ làm sai thôi". "Nếu trong luật thuế nói hoàn thuế mà chỉ xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm thì chúng tôi thực hiện ngay...”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Về giảm 2% thuế VAT, Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện theo đúng Nghị quyết 43, trong đó có một số ngành nghề không được giảm, như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng…Theo ông, nếu giảm nhiều quá cũng gây áp lực lên ngân sách.
Tiền phong