Các tỉnh ồ ạt xin được triển khai 5G
Nhiều tỉnh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương phê duyệt, phát triển mạng 5G tại các khu công nghiệp, khu dân cư...
- 06-01-2021Hơn 32 triệu người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19
- 06-01-2021HSBC: Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất tại châu Á
- 06-01-2021Vì sao chu kỳ suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua nhanh hơn so với quá khứ?
Nhiều sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm 5G tại các khu đô thị, khu công nghiệp và một số địa bàn trọng điểm của tỉnh.
Trong kiến nghị gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ cho hội nghị tổng kết năm của ngành, các sở Thông tin và Truyền thông như Phú Thọ, Bình Phước đề nghị Bộ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty viễn thông khẩn trương phê duyệt, chỉ đạo chi nhánh các tỉnh phát triển mạng 5G tại các khu công nghiệp, khu dân cư; hoặc phủ sóng 3G, 4G tại khu vực biên giới.
Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk thì đề nghị Bộ có hướng dẫn kế hoạch thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm thương mại trong đề án của doanh nghiệp viễn thông về triển khai mạng 5G.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng lớn gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone, trên cơ sở giấy phép đã được Bộ cấp đã chính thức thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G đến người dân từ tháng 11/2020. Trước mắt, theo nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp viễn thông đã bước đầu phủ sóng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM và sắp tới là Bắc Ninh.
Việc triển khai thí điểm này được tập trung tại nơi đông dân cư, mật độ xây dựng cao và tỷ lệ người dân có thiết bị đầu cuối 5G cao nhất trên toàn quốc.
Cục Viễn thông, đơn vị phụ trách lĩnh vực viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thông tin phản hồi cho biết, sau khi các nhà mạng triển khai thí điểm trên, trên cơ sở kết quả thử nghiệm và đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu, cấp phép cho các doanh nghiệp di động triển khai mạng 5G, trong đó dự kiến sẽ ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.
Cục Viễn thông đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các doanh nghiệp di động trên địa bàn và Cục Viễn thông khảo sát tình hình thực tiễn để xác định các khu vực cần ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển mạng 5G để xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn bảo đảm tính khả thi, từ đó chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp di động ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để triển khai cung cấp dịch vụ di động sử dụng công nghệ 5G.
"Với khả năng kết nối vạn vật, tốc độ cao, độ trễ thấp, dịch vụ 5G thử nghiệm sẽ được phủ sóng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà máy sản xuất thông minh", Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Với đề nghị Bộ có hướng dẫn kế hoạch thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm thương mại trong đề án của doanh nghiệp viễn thông về triển khai mạng 5G, Cục Viễn thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định việc triển khai 5G ở Việt Nam sẽ ưu tiên tận dụng toàn bộ hạ tầng của mạng 4G; tập trung triển khai tại các khu công nghiệp, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Theo Cục Viễn thông, trong trường hợp tỉnh Đắk Lắk có chủ trương triển khai 5G trên địa bàn, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn để xây dựng phương án đề xuất cụ thể, báo cáo Bộ để phối hợp cùng UBND tỉnh xem xét. Căn cứ đề xuất của các doanh nghiệp về nội dung này, Bộ sẽ xem xét cấp phép triển khai phù hợp với tình hình thực tế và quy định.
Trong một tọa đàm mới đây về 5G, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, cho rằng, thử nghiệm thương mại 5G hiện tại là hợp lý, nhưng khi chính thức thì phải "vừa ném đá vừa dò đường".
Theo ông, triển khai 5G cần xem xét trên các yếu tố, như thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng chưa, giá cả phù hợp; các ứng dụng đã sẵn sàng chưa, có nhu cầu sử dụng trong thực tế không (3G, 4G chủ yếu dùng cho thoại, data thông thường), bởi nếu triển khai đúng (thời điểm) sẽ mang lại nhiều cơ hội, sai sẽ mang đến nhiều thách thức.
"Triển khai thời điểm nào luôn là băn khoăn của nhà quản lý, bởi triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội, còn nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp", nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhìn nhận.
VnEconomy