Cán bộ tín dụng chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng
Được nhận xét là không ăn chơi, sống rất giản dị, dùng điện thoại rẻ tiền nhưng Chu Ngọc Hải đã làm giả giấy tờ để chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của ngân hàng và khách hàng.
- 23-05-2017Thanh khoản cải thiện, tín dụng vẫn tăng mạnh
- 09-05-2017Tín dụng giảm tốc
- 08-05-2017Cán bộ tín dụng xã dùng sổ đỏ vay tiền vỡ nợ
Chiều 23-5, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk , cho biết cơ quan điều tra đang tích cực làm rõ số tiền chiếm đoạt và các hành vi của Chu Ngọc Hải (SN 1984; ngụ phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Bị lừa vì muốn giảm lãi
" Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam Chu Ngọc Hải về hành vi làm giả hồ sơ giấy tờ và đang củng cố để khởi tố thêm các hành vi khác" - Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi nói.
Trước đó, tối 16-5, công an bắt khẩn cấp Chu Ngọc Hải, cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Argribank) Chi nhánh huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk). Thông tin ban đầu từ Công an huyện Krông Bông cho thấy Hải làm giả hồ sơ của khách hàng vay tiền tại Argribank để chiếm đoạt 118 tỉ đồng. Sau khi nghe tin Hải bị bắt, những ngày qua, nhiều người dân đã tới ngân hàng phản ánh bị Hải lừa tiền.
Trụ sở Argribank Chi nhánh huyện Krông Bông - nơi Chu Ngọc Hải làm cán bộ tín dụng
Ông Trần Quốc Huy (ngụ xã Cư Kty, huyện Krông Bông) cho biết: "Tháng 5-2016, gia đình tôi vay của Argribank 200 triệu đồng trong thời hạn 3 năm với tài sản bảo đảm là 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ngày 6-5, Hải gọi điện cho tôi nói gói tôi vay hiện lãi suất 13%/năm, giờ chuyển sang gói vay lãi suất chỉ 10%/năm. Nghĩ mình là nông dân, nếu chuyển gói vay như Hải nói thì mỗi năm giảm lãi được 1 tấn lúa. Khi vay được 220 triệu đồng, tôi đến ngân hàng gặp Hải để trả tiền gốc và tiền lãi. Nhận tiền xong, Hải bàn giao cho tôi hợp đồng tín dụng ghi rõ dư nợ 0 đồng. Sau đó, tôi tiếp tục nộp hồ sơ vay vốn cho Hải và Hải hứa sẽ cho vay lại 200 triệu đồng trong ít ngày tới. Chờ mãi không thấy gọi ra nhận tiền thì được tin Hải bị bắt khiến gia đình rất lo lắng".
"Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, để có tiền đáo hạn, tôi phải vay ngoài với lãi suất 600.000 đồng/ngày/300 triệu đồng. Lúc Hải nhận tiền, tôi hỏi sổ đỏ đâu thì anh ta nói để tại ngân hàng mà làm hồ sơ cho nhanh, giờ không biết khi nào mới vay được tiền trong khi tiền lãi ngày nào cũng phải trả" - ông Huy nói tiếp.
Tương tự, trong năm 2016, gia đình ông Phan Thanh Xao (ngụ cùng xã Cư Kty) thế chấp 8 sổ đỏ vay 2 đợt với tổng số 320 triệu đồng. Hải xuống tận nhà nói là kiếm tiền trả khoản vay rồi vay lại hợp đồng mới sẽ được giảm lãi suất. "Lúc đầu, gia đình tôi không mặn mà nhưng Hải gọi điện liên tục nên đã chuẩn bị 370 triệu đồng (tiền lãi 50 triệu đồng) để trả ngân hàng. Khi tôi mang tiền ra ngân hàng thì đã quá giờ làm việc nên Hải gọi vào phòng nghỉ của anh ta ở phía sau ngân hàng để nhận tiền" - ông Xao kể.
Làm giả hồ sơ dễ dàng
Sau khi xảy ra vụ việc, đoàn công tác của Argribank đã có mặt tại huyện Krông Bông để rà soát lại tất cả khoản vay tại Chi nhánh huyện Krông Bông. Giám đốc, phó giám đốc, các trưởng phòng của chi nhánh này cũng đã bị miễn nhiệm.
Một nguyên lãnh đạo Argribank Chi nhánh huyện Krông Bông cho biết ngoài việc nhận tiền của khách hàng, Hải còn làm nhiều bộ hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Cụ thể, từ tháng 5-2015 đến nay, Hải giả chữ ký của giám đốc, trưởng phòng, khách hàng, đánh cắp mật khẩu... để chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Chiều 16-5, lãnh đạo ngân hàng phát hiện có mấy khoản vay bị làm giả hồ sơ nên báo cho công an. Sau đó, khi công an mời làm việc thì Hải khai nhận hành vi nên bị bắt tạm giam.
"Thời gian qua, Hải không có biểu hiện gì khác thường, không ăn chơi, sống rất giản dị, đi xe máy cọc cạch, dùng điện thoại rẻ tiền" - vị nguyên lãnh đạo này nói.
Bảo đảm quyền lợi cho người gửi?
Trao đổi với báo chí ngày 23-5, ông Đỗ Danh Lam, Phó Phòng Tổng hợp - Thư ký - Pháp chế Argribank Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, cho biết sau khi xảy ra vụ việc, một số người dân tới đòi rút tiền gửi nhưng đến giờ mọi việc vẫn ổn định do được giải thích đây là ngân hàng 100% vốn nhà nước nên toàn bộ tiền gửi sẽ được bảo đảm. "Riêng 8 hộ dân nộp tiền cho Chu Ngọc Hải rất hoang mang nhưng chúng tôi đã mời lên làm việc, giải thích quyền lợi của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Hải là cán bộ tín dụng, không có chức năng thu tiền của người dân" - ông Lam khẳng định.
Người lao động