Canh bạc tất tay của Volkswagen: Bị Trung Quốc thất sủng, hãng xe Đức ‘quay xe gấp’ sang thị trường Mỹ, phải giả vờ là hàng ‘Made in USA’
Mang tiếng là hãng xe có doanh số lớn thứ 2 thế giới nhưng Volkswagen lại chỉ chiếm 4,1% thị phần ở Mỹ, trong khi Trung Quốc chiếm đến gần một nửa doanh thu của tập đoàn Đức này năm 2022.
- 06-01-2022Đến Volkswagen và Toyota còn "all in" 170 tỷ USD vào xe điện, lẽ nào chúng ta lại bắt VinFast phải lưu luyến xe xăng?
- 09-05-2021Volkswagen: Từ gian lận khí thải đến những chiếc xe bảo vệ môi trường
- 18-11-2015Tận dụng ưu đãi thuế, Volkswagen có thể “vỡ mộng” ở Việt Nam?
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết sau hàng thập niên cố bán xe hơi Đức tại Trung Quốc và chỉ chiếm một phần rất nhỏ thị phần ở Mỹ, Volkswagen đang cố gắng chuyển hướng chiến lược kinh doanh khi bị thất sủng ở thị trường 1,4 tỷ dân.
Cụ thể, hãng xe Đức đang muốn quay lại thị trường Mỹ bằng cách khôi phục một thương hiệu xe nội địa đã ngừng sản xuất từ năm 1980, sau nhiều năm chỉ tập trung vào Trung Quốc.
Năm 2022, doanh thu tại Trung Quốc chiếm đến 40% tổng doanh thu của Volkswagen.
Canh bạc tất tay
Theo WSJ, Volkswagen chịu ảnh hưởng từ thành công của Tesla và Rivian nên đã lên kế hoạch cho ra mắt nhiều dòng xe điện có hơi hướng phục vụ thị hiếu người tiêu dùng Mỹ thay vì ưu tiên khách hàng Châu Âu và Trung Quốc.
Tập đoàn xe hơi Đức này đã lên kế hoạch cho ra mắt nhiều dòng xe điện dưới tên thương hiệu Scout với kỳ vọng có thể thách thức được GM và Ford trên thị trường sân nhà của họ. Những sản phẩm này sẽ được sản xuất tại Mỹ với mục địch dán nhãn “Made in America”.
“Sản phẩm sản xuất tại Mỹ, bởi lao động Mỹ và một thương hiệu Mỹ sẽ là lợi thế cực lớn. Chúng tôi đang kỳ vọng rất nhiều về điều này”, CEO Scott Keogh của Scout cho biết sau khi đạt một thỏa thuận xây nhà máy đầu tiên tại bang South Carolina.
Tờ WSJ nhận định đây là một canh bạc của Volkswagen sau thời gian dài bỏ quên thị trường Mỹ quá lâu vì bị thu hút từ nguồn lợi nhuận khổng lồ tại Trung Quốc.
Xin được nhắc là động thái của Volkswagen diễn ra khi Tesla đang dẫn đầu thị trường xe điện Mỹ trong khi GM, Ford hay cả Toyota đều đang tham chiến trên mảng này.
Trong khi đó, dù ý tưởng hay ho nhưng Scout thực tế là một thương hiệu xe hơi Mỹ đã ngừng sản xuất từ năm 1980. Tuy gặt hái được nhiều thành công khi ra mắt nhưng với hàng trăm tên tuổi ô tô tại Mỹ thì việc khôi phục lại một dòng xe cũ đã ngừng sản xuất từ lâu để gắn mác “Made in America” là một bước đi khá mạo hiểm.
Hiện Volkswagen với những thương hiệu như Audi, Porsche của mình đang là hãng xe có doanh số lớn thứ 2 toàn cầu. Thế nhưng tập đoàn ô tô Đức này lại chỉ chiếm 4,1% thị phần xe hơi tại Mỹ năm 2022, thậm chí giảm so với năm 2021. Con số này là quá thấp so với hãng xe có doanh số lớn nhất thế giới Toyota, hiện đang chiếm 15% thị phần Mỹ.
Quay xe gấp
Tháng 3/2021, ban lãnh đạo Volkswagen đã có cuộc họp tại trụ sở Wolfburg-Đức để bàn việc hồi sinh thương hiệu Scout, nhắm tới mảng xe điện đang trở thành xu thế toàn ngành.
Việc Volkswagen lựa chọn Scout cũng có nguyên do khi thương hiệu này cho ra mắt sản phẩm vào năm 1960, bán được hơn 500.000 chiếc trong suốt 20 năm sau đó, đồng thời tạo được một cộng đồng hâm mộ trong những người chơi xe cổ.
Ban đầu, Volkswagen dự định thuê một nhà máy sản xuất cho Scout nhưng sau khi chính quyền Washington tăng cường cuộc đua công nghệ cũng như xe điện, tung gói ngân sách khủng nhằm thu hút các tập đoàn mở nhà máy ở Mỹ thì tình hình đã khác.
Ngay sau đó, tập đoàn xe hơi Đức quyết định mở nhà máy cho Scout ở South Carolina, không chỉ để gắn mác “Made in America” mà còn nhằm tận dụng những khoản ưu đãi ngân sách, giảm thuế của chính phủ Mỹ.
Vào tháng 2/2023, ban lãnh đạo Volkswagen đã có buổi ăn tiệc tối với các quan chức chính quyền bang South Carolina. Chỉ 1 tháng sau đó, bang này thông qua gói ngân sách 1,3 tỷ USD hỗ trợ hãng xe Đức xây nhà máy tại đây.
*Nguồn: WSJ
Nhịp sống thị trường