MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Sông Hương Foods - Thế hệ F2 muốn đưa cà pháo thành món ăn quốc dân như Kim chi Hàn Quốc, sắp xuất khẩu lô đầu với 70.000 USD ngay tháng 5/2022

23-04-2022 - 11:06 AM | Doanh nghiệp

CEO Sông Hương Foods - Thế hệ F2 muốn đưa cà pháo thành món ăn quốc dân như Kim chi Hàn Quốc, sắp xuất khẩu lô đầu với 70.000 USD ngay tháng 5/2022

Về mặt thị trường, theo tham khảo một số liệu có thể chưa đầy đủ, năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu gia vị giữa các nước thế giới 17 tỷ USD, họ dự đoán đến năm 2029 con số này lên tới 28 tỷ USD. Các sản phẩm gia vị của Việt Nam có thể xuất khẩu được thì có gia vị tươi, khô, thực phẩm chế biến; đặc biệt là sản phẩm lên men như mắm cà pháo, mắm dưa…

Mắm, gia vị từ rất lâu được coi là cốt lõi trong ẩm thực thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dù không sôi nổi như thị trường F&B, quy mô mảng gia vị cũng ở mức hàng tỷ USD và chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các tay chơi nội ngoại, đơn cử có Cholimex, Masan….

Tổng xuất khẩu thị trường gia vị năm 2021 đạt 17 tỷ USD

Theo Euromonitor, ngành hàng này đạt quy mô thị trường 33.500 tỷ đồng trong năm 2020 với mức tăng trưởng hàng năm vào mức 2 chữ số. Trong chia sẻ mới đây, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – người chủ xướng Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt – cũng cho biết: "Thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.

Nếu ai có theo dõi thị trường gia vị thì sẽ thấy những tháng liên tiếp nhau thời gian qua, tương ớt của công ty này vượt lên, sau đó vài tháng lại có công ty kia vượt lên. Điều này cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Nó cũng cho thấy sự lớn mạnh của thị trường gia vị của Việt Nam".

Về mặt thị trường, theo bà tham khảo một số liệu có thể chưa đầy đủ, năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu gia vị giữa các nước thế giới 17 tỷ USD, họ dự đoán đến năm 2029 con số này lên tới 28 tỷ USD. Các sản phẩm gia vị của Việt Nam có thể xuất khẩu được thì có gia vị tươi, khô, thực phẩm chế biến; đặc biệt là sản phẩm lên men như mắm cà pháo, mắm dưa…

Mắm cà pháo – thực phẩm di sản văn hóa của người Việt

"Riêng mắm cà pháo, tôi rất thú vị đó là khía cạnh văn hóa của sản phẩm cà pháo. Nhà tôi, má người Nam còn bố tôi người Bắc. Bố tôi khó tính lắm, rót ly nước mà hơi dư là bị rầy la rồi đó. Bố tôi dạy tôi kỹ lắm, trong đó có 3 việc:

+ Thứ nhất là khi ngồi vào bàn ăn phải nhìn người khác mà gắp không được chọn thứ ngon nhất gắp trước,

+ Thứ hai là ăn không được nhai tóp tép,

+ Và thứ ba là ngậm trái cà pháo trong miệng cắn cho bể mà không được bắn hạt ra ngoài. Việc này nghe khó nhưng tôi đã tập và làm được. Sau đó, tôi có gặp các bác ngoài Bắc là chị của ba tôi hỏi chuyện đó thì mới biết là có việc này thật. Ngày xưa, trong mâm cơm tuyển dâu của người Bắc có trái cà pháo là từ chuyện này đó", bà nói.

Hay mới đây trong một phim của đạo diễn Denis Đặng có mâm cơm bao gồm món cà pháo. Với các đạo diễn, các nhà làm phim thì không có gì ngẫu nhiên cả, sự xuất hiện món cà pháo trên mâm cơm cho thấy đó là một món ăn truyền thống, để nói rằng mâm cơm đó là của người Việt. Đây chẳng phải là bằng cớ của việc cà pháo thực sự đã nằm trong di sản văn hóa của người Việt hay sao?, vị này đặt vấn đề.

Thực tế, cà pháo là một trong những loại quả đặc trưng và mang tính cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt, khác với bông, tiêu… cà pháp chưa bị Trung Quốc thu mua: đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước khai thác, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – CEO Sông Hương Foods – nhấn mạnh.

CEO Sông Hương Foods - Thế hệ F2 muốn đưa cà pháo thành món ăn quốc dân như Kim chi Hàn Quốc, sắp xuất khẩu lô đầu với 70.000 USD ngay tháng 5/2022 - Ảnh 1.

Sắp xuất khẩu lô đầu với 70.000 USD ngay tháng 5/2022

Chuyên trong lĩnh vực phân phối linh kiện, ông Tuấn cho biết cơ duyên đến với mảng thực phẩm, đặc biệt là dòng mắm gia truyền, là thừa kế lại cơ ngơi của gia đình tại Sông Hương Foods. "Mọi người cũng hay hỏi tôi sao anh ăn chay mà lại đi bán mắm? Lý do đơn giản là vì mắm có trước việc tôi theo đuổi việc ăn chay rất nhiều. Nhưng điều quan trọng là tôi sẽ hướng các sản phẩm của Sông Hương Foods theo hướng thuần thực vật, thuần chay, gần gũi với tự nhiên. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là xu hướng của thế giới", ông bày tỏ.

Riêng với dòng mắm cà pháo, trước khi muốn đưa được năm châu bốn bể thì theo đại diện Công ty phải phổ biến cho người Việt trước đã. "Tôi nỗ lực làm cho người Việt Nam trước, làm sao thật ngon, thật tốt. Nhưng tôi cũng đã bắt đầu xuất khẩu sau khi có nhiều đơn vị đối tác tìm đến, chúng tôi chuẩn bị có một đơn hàng xuất đi Mỹ. Công ty cũng sắp xây dựng thêm nhà máy, cũng như cải tiến cơ giới hoá hệ thống sản xuất để chuẩn bị cho chiến dịch xuất khẩu thời gian tới".

Hiện, đội ngũ của Sông Hương Foods đã nghiên cứu, chế biến và sản xuất được 6 dòng sản phẩm, cà pháo muối, mắm cà pháo, mắm cà pháo chay, cà pháo mắm nêm, tôm chua cà pháo và cà pháo chua cay. Đây đều là những sản phẩm được lên men tự nhiên, bằng quy trình lên men truyền thống cải tiến, với thời gian lên đến 21 ngày để đảm bảo tạo ra sản phẩm cà pháo an toàn, ngon vị, có độ chua, ngọt, giòn đậm đà từ gia vị thiên nhiên.

Theo chia sẻ của ông Lê Quốc Phong – Giám đốc chất lượng Sông Hương Foods: "Quá trình lên men ủ trái cà trong 15 ngày, trong 15 ngày chúng tôi kiểm soát liên tục, kiểm soát trong quá trình lên men màu sắc, độ trong của nước… Tất cả đều có dụng cụ đo và phòng lab để kiểm soát. Sau đó, khi thành phẩm đóng gói chúng tôi sẽ có sử dụng chất phụ gia để kiểm soát, ức chế quá trình lên men tiếp tục".

Công ty đặt quyết tâm xuất khẩu sang Nhật Bản vì biết đó là thị trường cực kỳ khó tính. Qua được thị trường Nhật Bản là lời khẳng định của Sông Hương Foods về uy tín và chất lượng. Bên cạnh đó Sông Hương Foods cũng hướng đến các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia.

"Tuy nhiên, cơ duyên lại đưa Sông Hương Foods đến với thị trường Mỹ đầu tiên. Tháng 5 này chúng tôi đang chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên cho một khách hàng Mỹ là CT group, một container 20 feet các sản phẩm của Sông Hương Foods. Tổng doanh thu lô đầu tiên ước tính đạt 70.000 USD", ông Tuấn nói.

Được biết, Sông Hương Foods chuyên làm các món gia truyền, được biết đến là nhãn hiệu thực phẩm đóng gói với hơn 25 năm thâm niên. Tiền thân là cơ sở chế biến thực phẩm Sông Hương ra đời năm 1996 với 3 nhân công đầu tiên, Công ty hiện đạt quy mô 200 công nhân và hệ thống phân phối kênh siêu thị (Co-op mart, Big C, Aeon, Metro, Lotte Mart, Citimart, KingFood); cửa hàng tiện lợi (Bách Hoá Xanh, Vin Mart,..) cùng các đại lý và nhà cung cấp thực phẩm khác.

Dù là lãnh đạo trẻ, hiểu được người trẻ thích chế biến các món gia truyền, nên CEO nhấn mạnh có mong muốn cải tiến như thế nào thì cũng phải giữ gìn được bản sắc gia truyền, giữ gìn hương vị truyền thống của cha ông bao đời nay.

"Điều cuối cùng, tôi chỉ mong muốn một ngày nào đó chừng 1% dân số Việt Nam ăn một tháng một hũ thì khi đó nó sẽ thực sự trở thành một món ăn quốc dân, một món không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt", vị này chốt lời.

https://cafef.vn/ceo-song-huong-foods-the-he-f2-muon-dua-ca-phao-thanh-mon-an-quoc-dan-nhu-kim-chi-han-quoc-sap-xuat-khau-lo-dau-voi-70000-usd-ngay-thang-5-2022-20220420120242768.chn

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên