Chênh lệch lãi suất tiền gửi kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng ngày một lớn
Chênh lệch lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng và từ 6 tháng đang ngày một giãn rộng. Hầu hết ngân hàng đã niêm yết lãi suất kỳ hạn 5 tháng ở mức tối đa quy định là 6%/năm, trong khi kỳ hạn 6 tháng lên vùng 9-9,5%/năm.
- 26-11-2022Ngân hàng tuần qua: Nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động lên 10%, giá USD tự do mất mốc 25.000 đồng
- 25-11-2022Từ 25/11, một ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi lên 10,5%/năm
Trong chưa đầy 1 tháng, nhiều ngân hàng đã có 3-5 lần điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng khá mạnh ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Hiện ở kỳ hạn 6 tháng, hàng loạt nhà băng đã đẩy lãi suất huy động lên trên 9%/năm, có thể kể đến Saigonbank (9,6%/năm), SCB (9,4%/năm), GPBank (9,3%/năm), Kienlongbank (9,1%/năm),…
Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ được tối đa 6%/năm. Do đó, trong gần 1 tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng đã niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng ở mức kịch trần quy định.
Chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng do đó mà ngày một nới rộng, thậm chí hiện nay đã lên 3-3,6%/năm dù chỉ cách nhau 1 tháng. Điều này cũng đã hướng các khách hàng gửi nhiều tiền hơn ở kỳ hạn 6 tháng, để có lãi suất cao hơn đáng kể so với các kỳ hạn ngắn. Hơn nữa, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện nay cũng không quá cách biệt so với các kỳ hạn dài như 1 năm, 2 năm.
Hiện ở kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng như Saigonbank, OceanBank đã có lãi suất trên 10%/năm, còn lại các ngân hàng tư nhân khác chủ yếu phổ biến mức 9-9,5%/năm.
Một lý do nữa khiến nhiều người gửi tiền chọn kỳ hạn 6 tháng thay vì kỳ hạn dài là bởi họ kỳ vọng rằng lãi suất huy động sẽ còn tăng trong thời gian tới. Việc gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng sẽ có lợi hơn vì đáo hạn sớm và có thể gửi mới với lãi suất cao.
Nhịp sống thị trường