MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Chìa khóa vàng’ nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tạo cú nhảy vọt ngoạn mục cho thương hiệu quốc gia Việt Nam

Việt Nam đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng 102% giai đoạn 2019-2023. Để duy trì đà tăng trưởng này, phát triển thương hiệu doanh nghiệp là yếu tố then chốt để thúc đẩy thương hiệu quốc gia.

‘Chìa khóa vàng’ nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tạo cú nhảy vọt ngoạn mục cho thương hiệu quốc gia Việt Nam- Ảnh 1.

Nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp là chìa khóa gia tăng vị thế thương hiệu quốc gia

Việt Nam đang vươn lên như một trong những nền kinh tế năng động và hội nhập nhất thế giới, với quy mô đạt khoảng 430 tỷ USD, xếp thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 thế giới. Đằng sau sự phát triển này không thể không nhắc đến đóng góp to lớn từ các doanh nghiệp và thương hiệu uy tín.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế, “ xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn và đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ”.

‘Chìa khóa vàng’ nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tạo cú nhảy vọt ngoạn mục cho thương hiệu quốc gia Việt Nam- Ảnh 2.

Hay như bà Trần Tuệ Tri - Đồng sáng lập và Cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose từng nhấn mạnh: “ Sự phát triển thương hiệu toàn cầu của các doanh nghiệp trong mỗi quốc gia chính là động lực tăng trưởng của thương hiệu quốc gia đó. Cứ nhắc tới Mỹ, mọi người nhớ ngay tới Google. Nói cách khác, Google – một trong những thương hiệu toàn cầu của doanh nghiệp đã góp phần nâng cao vị thế Thương hiệu quốc gia Mỹ.

Bởi thế, các doanh nghiệp Việt cần nhận thức đúng mức hơn tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu toàn cầu. Ngoài đóng góp tăng trưởng kinh tế đất nước, thương hiệu toàn cầu của các doanh nghiệp còn có thể củng cố và gia tăng vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam . Do đó, xây dựng thương hiệu toàn cầu cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt tăng trưởng bứt tốc khi thị trường không chỉ dừng ở con số 100 triệu người trong nước mà có tới 8 tỷ dân trên thế giới” , bà Tuệ Tri cho biết thêm.

Hiện nay, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực từ Brand Finance, tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới. Với hơn 25 năm kinh nghiệm và hoạt động tại hơn 20 quốc gia, Brand Finance thực hiện trên 6.000 định giá thương hiệu mỗi năm và xuất bản hơn 100 báo cáo xếp hạng toàn cầu. Do đó, đánh giá của Brand Finance tạo được uy tín lớn trên thế giới.

Theo báo cáo mới nhất, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng trưởng 102% trong giai đoạn 2019 - 2023, đạt 498,13 tỷ USD vào năm 2023 và xếp thứ 33 trong 121 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới.

Cùng với đó, “ Báo cáo Brand Finance Vietnam 100 đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh. Sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế và tác động từ và biến đổi khí hậu đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên trì và linh hoạt. Như vậy, Báo cáo không chỉ cung cấp bức tranh toàn diện về sức mạnh và giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cung cấp nhiều  thấu hiểu sâu sắc và là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực và cải thiện ”, bà Tuệ Tri chia sẻ.

‘Chìa khóa vàng’ nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tạo cú nhảy vọt ngoạn mục cho thương hiệu quốc gia Việt Nam- Ảnh 3.

Thực tế, việc định giá thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sức mạnh vô hình của mình. Thương hiệu không chỉ là logo hay tên gọi mà là giá trị cốt lõi, là lòng tin mà khách hàng dành cho doanh nghiệp. Định giá thương hiệu giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác vị thế của mình trên thị trường, từ đó xây dựng các chiến lược phát triển phù hợp.

Một thương hiệu mạnh giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút đầu tư, gia tăng uy tín và đẩy mạnh khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế. Cùng với đó, việc định giá thương hiệu cũng giúp doanh nghiệp nhận ra những điểm yếu và cơ hội cải thiện để tiếp tục phát triển. Một thương hiệu được định giá cao giúp doanh nghiệp đứng vững trước những khủng hoảng và rủi ro thị trường.

Sự kiện Lễ Vinh danh Top 100 Thương hiệu Giá trị nhất Việt Nam 2024

Tại thị trường Việt Nam, báo cáo Brand Finance Vietnam 100 2024 cho thấy, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp, kể từ năm 2015. Mức tăng trưởng về giá trị và sức mạnh thương hiệu của Viettel chủ yếu nhờ điểm số cao ở các chỉ số như nhận diện về sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu, nỗ lực tiếp thị và các khía cạnh bền vững trong cộng đồng và quản trị. Đáng chú ý, Viettel đã đạt được điểm tối đa về các chỉ số về nhận diện về dịch vụ khách hàng và chất lượng dịch vụ của mình.

Sau Viettel, Vinamilk (giá trị thương hiệu giảm 11% còn 2,6 tỷ USD) và VNPT (giá trị thương hiệu giảm 3% còn 2,6 tỷ USD) thuộc top 3 thương hiệu giá trị nhất bảng xếp hạng.

‘Chìa khóa vàng’ nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tạo cú nhảy vọt ngoạn mục cho thương hiệu quốc gia Việt Nam- Ảnh 4.

Cùng với đó, sự kiện cũng công bố top 10 thương hiệu dẫn đầu về chỉ số Sức mạnh Thương hiệu (BSI).

Cùng với đó, thương hiệu mạnh nhất trong bảng xếp hạng năm nay là Vinpearl với chỉ số sức mạnh thương hiệu là 89.7 xếp hạng AAA+, tiếp theo là Viettel, Vietcombank, FPT và Vinamilk. Trong đó, FPT không chỉ ghi dấu ấn là top 5 thương hiệu mạnh nhất của bảng xếp hạng 2024 mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với mức tăng trưởng cũng thuộc top đầu, cụ thể thương hiệu này tăng 67% về giá trị thương hiệu so với năm trước và đã xấp xỉ giá trị thương hiệu tỷ đô.

Một thương hiệu đáng chú ý khác là VietJet, xếp hạng 25 trong báo cáo Vietnam 100 của Brand Finance 2024, tăng hai bậc so với năm ngoái, với giá trị thương hiệu tăng 4% lên 376 triệu USD. Với chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI) đạt 76,7/100 và xếp hạng AA+, VietJet nổi bật nhờ mức độ quen thuộc cao và khả năng khách hàng cân nhắc lựa chọn, nhờ vào dịch vụ chất lượng với giá cả hợp lý, đóng góp vào dự báo tăng trưởng tích cực của hãng.

‘Chìa khóa vàng’ nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tạo cú nhảy vọt ngoạn mục cho thương hiệu quốc gia Việt Nam- Ảnh 5.

Xét theo nhóm ngành, báo cáo chỉ ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thương hiệu ngân hàng và thực phẩm. Ngành ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu là 10%, với Vietcombank dẫn đầu, đạt 2 tỷ USD. Trong ngành thực phẩm, thương hiệu Chin-Su cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, tăng 71% giá trị thương hiệu, đạt 123 triệu USD.

‘Chìa khóa vàng’ nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tạo cú nhảy vọt ngoạn mục cho thương hiệu quốc gia Việt Nam- Ảnh 6.

Theo đó, Alex Haigh, Giám đốc điều hành của Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương nhận xét: " Nghiên cứu từ Brand Finance cho thấy một phần đáng kể các thương hiệu Việt Nam từ lĩnh vực thực  phẩm và ngân hàng thể hiện sự kiên cường trong tình hình nhu cầu thị trường khó khăn, ghi nhận sự  cải thiện về giá trị thương hiệu. Mức tăng giá trị thương hiệu lớn nhất trong số các thương hiệu thực  phẩm Việt Nam là của thương hiệu nước sốt Chin-Su là rất đáng khen ngợi. Kết quả nghiên cứu của  chúng tôi chứng minh sự cần thiết của chiến lược duy trì sức mạnh thương hiệu ".

Để nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp như những doanh nghiệp tiêu biểu trên, có 5 yếu tố then chốt cần chú ý. Đầu tiên, chất lượng sản phẩm và dịch vụ là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng. Thứ hai, đổi mới và khác biệt hóa giúp thương hiệu nổi bật trong thị trường cạnh tranh. Thứ ba, chiến lược tiếp thị hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng nhận diện thương hiệu.

Ngoài ra, cam kết phát triển bền vững là xu thế tất yếu, giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn tạo sự gắn kết lâu dài với khách hàng thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường và cộng đồng. Cuối cùng, ứng dụng công nghệ và số hóa, như AI và dữ liệu lớn, sẽ tối ưu hóa quy trình kinh doanh và cải thiện trải nghiệm khách hàng, tạo ra bước đột phá cho thương hiệu.

Bà Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc điều hành Vietnam Brand Purpose chia sẻ: “ Với sự gia tăng nhận thức của người tiêu dùng về bền vững, việc tích hợp các yếu tố này vào chiến lược kinh doanh, tiếp thị và tăng trưởng trở thành thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tận dụng hiệu quả, đây sẽ là chìa khóa để chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng và giúp thương hiệu khẳng định vị thế dẫn đầu”.

Sự kiện Lễ Vinh danh Top 100 Thương hiệu Giá trị nhất Việt Nam 2024 đã diễn ra vào ngày 11/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh do Vietnam Brand Purpose phối hợp cùng Brand Finance tổ chức nhằm tôn vinh những thương hiệu xuất sắc của Việt Nam. Chương trình với sự đồng hành của các thương hiệu TPBank, SHB, OCB, FPT, GELEX, Vietjet và VPBank.

Sự kiện sẽ có sự tham sự của Bà Trần Tuệ Tri - Đồng sáng lập và Cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose, Bà Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Điều hành Vietnam Brand Purpose và Ông Alex Haigh - Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng sự hiện diện của chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu. Với chủ đề "Phát triển bền vững, chinh phục toàn cầu," sự kiện sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu thông qua các chiến lược bền vững.

Tóm lại, thương hiệu doanh nghiệp không chỉ là tài sản của riêng doanh nghiệp mà còn là nền tảng vững chắc cho thương hiệu quốc gia. Đi theo phương châm “sự thành công của bạn là nguồn cảm hứng của chúng tôi”, Brand Finance hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn.

PV

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên