MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếc túi "made in China" và tâm tư Thứ trưởng KH&ĐT

13-07-2016 - 09:43 AM | Thị trường

Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm được những chiếc túi nhựa với chất liệu tốt hơn túi Trung Quốc nhưng lại rất khó bán trong nước.

Tại hội thảo về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông đã đưa ra một ví dụ sinh động về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa được quan tâm đúng mức.

Cầm chiếc túi đựng tài liệu được phát cho đại biểu tham dự hội thảo, Thứ trưởng chỉ ra dòng chữ "made in China" in trên túi.

Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta không tẩy chay hàng ngoại, nhưng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, rõ ràng những gì doanh nghiệp nội đủ sức cạnh tranh để làm thì họ lại không được tạo điều kiện.

“Chúng tôi đã đưa tư tưởng về mua sắm công tập trung vào Luật Đấu thầu, và quy định trong Luật Đấu thầu là các gói thầu chia nhỏ ra đủ sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận trong mua sắm công.

Trong khi đó, doanh nghiệp của chúng ta hoàn toàn có thể làm được những chiếc túi nhựa này, thậm chí là với chất liệu nhựa tự phân hủy để đảm bảo vấn đề về môi trường. Chính phủ hoàn toàn có thể đặt hàng các doanh nghiệp trong nước với những vật liệu thân thiện với môi trường, điều này có thể giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo. Trong khi hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sản xuất và xuất khẩu được, nhưng bán ở trong nước thì lại rất khó, đấy là cái khiếm khuyết của chúng ta mà Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hướng tới,” Báo Infonet dẫn lời Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được phản ánh nhiều trước đây. Nhiều dự án công của Việt Nam chê hàng Việt, chuộng hàng ngoại dù chất lượng hàng Việt ngang ngửa, thậm chí vượt trội hơn.

Từng trao đổi trên Đất Việt vào tháng 7/2015, ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam (quận Tân Bình, TP.HCM) than phiền, dù là nhà sản xuất thang máy lớn của Việt Nam, nhưng hơn 90% khách hàng của Thiên Nam là các nhà đầu tư tư nhân, từ căn hộ gia đình cho đến các dự án chung cư cao 18-30 tầng, còn đối với các công trình có vốn từ ngân sách bị làm khó ngay từ khâu đặt "đề bài".

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam, trên thị trường hiện nay, thang máy nhập khẩu vào Việt Nam có đủ 8 thương hiệu của thế giới. Trong đó, có 6 hãng đã mở công ty 100% vốn tại Việt Nam; 2/8 hãng là của các nước phát triển nhưng không nằm trong khối G7. 7/8 thương hiệu trên sản xuất hầu hết tại Trung Quốc; chỉ có một thương hiệu sản xuất tại Thái Lan.

"Mặc dù các nước G7 có một vài công ty sản xuất thang máy nhưng sản phẩm gắn mác G7 thì lại rất phổ biến trên thị trường. Thị trường hiện đã có các thương hiệu thang máy Fuji, Sanzo, Nippon… tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… nhưng không có công ty mẹ tại Nhật Bản. Những công ty sở hữu thương hiệu này cũng đã trúng thầu tại Việt Nam nhờ gắn mác G7 nhưng sản xuất tại các nước ASEAN", ông Huy chỉ rõ.

Một ví dụ khác là dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang. Theo phản ánh của báo Đầu tư, trong hồ sơ mời thầu gói thầu cung cấp thang máy cho bệnh viện, dù yêu cầu tiêu chuẩn dành cho thang máy được đặt ra thấp hơn cả hàng Việt hiện nay làm được nhưng hàng nhập khẩu vẫn được ưu ái, còn hàng Việt được mặc định xếp vào nhóm bét bảng.

Lý giải điều này, ông Phạm Văn Thoại, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, nguyên nhân để xảy ra sai sót không đưa hàng Việt vào danh mục hàng hóa để xét chọn trong quá trình duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu nói trên là do Ban quản lý dự án muốn đảm bảo chất lượng bằng việc đề cao tính đồng bộ của các thiết bị. Thang máy vận chuyển bệnh nhân là hạng mục phải đảm bảo an toàn cao. Thực tế cho thấy, có không ít loại thang máy sản xuất trong nước có chất lượng hạn chế, ông Thoại nói.

Theo Minh Thái

Đất Việt

Trở lên trên