MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, việc khánh thành Kho cảng Thị Vải sẽ mở đường nhập khẩu LNG quy mô 1 triệu tấn/năm, đồng thời chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu và đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Ngày 29/10, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Lễ khánh thành Kho cảng khí thiên nhiên (LNG) Thị Vải. Đây là Kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), làm chủ đầu tư.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh dự án kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành, là hạng mục quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Dự án sẽ mở đường đưa sản phẩm LNG nhập khẩu với quy mô lớn nhất (1 triệu tấn) có mặt tại thị trường Việt Nam, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu và đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu cắt băng khánh thành Kho cảng LNG Thị Vải. Ảnh: baochinhphu.vn

Phó Thủ tướng nêu rõ Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 tổng công suất nhà máy điện khí LNG là 22.400 MW, chiếm gần 15% tổng công suất nguồn điện, trong khi đó Việt Nam mới chỉ có 1 Kho LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm và Petrovietnam đang hoàn thành xây dựng 2 Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3, 4 sử dụng LNG từ kho khí LNG Thị Vải.

Để thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển điện khí LNG theo các quy hoạch được duyệt, Phó Thủ tướng đề nghị Petrovietnam, PV GAS và các đơn vị thành viên đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 để sớm đưa cả Chuỗi khí điện LNG Thị Vải đi vào hoạt động đồng bộ; tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất Dự án kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm theo Quy hoạch đã được phê duyệt;đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư Dự án trung tâm điện khí LNG Sơn Mỹ và các dự án trọng điểm khác của ngành dầu khí.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ Petrovietnam, các đơn vị thành viên và tất cả các nhà đầu tư khác trong đầu tư, phát triển các dự án năng lượng, dầu khí, nhất là năng lượng xanh, sạch và bền vững phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kho cảng LNG Thị Vải được khởi công xây dựng vào ngày 28/10/2019 với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, tương đương 6.500 tỷ đồng. Đây được coi là tổ hợp LNG lớn nhất Việt Nam. "Trái tim" của hệ thống chính là Kho chứa LNG hoàn thành giai đoạn 1 có sức chứa 180.000m3 LNG, với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm; giai đoạn 2 dự kiến nâng lên công suất 3 triệu tấn LNG/năm. Bên cạnh đó là cảng nhập LNG có khả năng tiếp nhận tàu LNG trọng tải đến 100.000 tấn,  trạm xuất LNG bằng xe bồn, đường ống dẫn khí LNG Thị Vải-Phú Mỹ, trạm giảm áp Thị Vải...

Chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu - Ảnh 2.

Chuỗi dự án Kho chứa LNG Thị Vải nằm ở vị trí thuận lợi với luồng hàng hải sôi động Cái Mép-Thị Vải, phù hợp tiếp nhận các tàu LNG lên đến 100.000 tấn. Ảnh: PV GAS

Hệ thống kho cảng LNG Thị Vải sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa, đảm bảo duy trì cung cấp khí cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới theo "Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035" đã được Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến, kho cảng LNG Thị Vải sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2023.

Theo Thái Uyên

Nhà đầu tư

Trở lên trên