MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức trình dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Được nghiên cứu, chuẩn bị từ 2014, sáng 11/9 dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được đặt lên bàn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...

Mục tiêu xây dựng luật là tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Tạo môi trường kinh doanh đặc biệt thuận lợi

Trình bày tờ trình dự án luật của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 3 điểm chính về sự cần thiết phải xây dựng luật. Ngoài thể chế hóa đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp, Việt Nam còn cần chủ động xây dựng một mô hình phát triển mới với những thể chế đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, năng lực cạnh tranh thấp, việc khai thác các tiềm năng tĩnh, lợi thế tự nhiên và nguồn lực đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ - Chính phủ nêu sự cần thiết.

Theo Chính phủ, Việt Nam đã từng có kinh nghiệm quản lý các đặc khu như: đặc khu Hồng Gai, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Từ mô hình khu kinh tế hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico năm 1942, đến 2016 đã có khoảng 4.500 khu tại 140 quốc gia. Chưa kể tới việc các đặc khu kinh tế của Việt Nam ra đời sau, cần có những điểm thu hút hơn, việc nhiều quốc gia thất bại với mô hình này cũng khiến các nhà lập pháp Việt Nam đang tỏ ra rất thận trọng khi xây dựng dự án luật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua nghiên cứu cho thấy thành công của các đặc khu kinh tế dựa vào 6 yếu tố: luật điều chỉnh riêng, trong đó đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ hạn chế về đầu tư kinh doanh; chế độ ưu đãi thuế, phí; ưu đãi đầu tư riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài vào ngành, nghề ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ... Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế. Vị trí chiến lược. Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng hướng tới những ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh. Có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả: được phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ mạnh, nhất là quyền lập quy về kinh tế.

Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu xây dựng luật là hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp ngân sách nhà nước.

Mục tiêu nữa là tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính.

Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị này có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả.

Ưu đãi cao hơn

Trên cơ sở so sánh 9 nhóm tiêu chí (chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh), cơ quan soạn thảo cho rằng nội dung quy định tại dự thảo luật hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar.

Cụ thể, dự thảo luật mở cửa thị trường tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với mức cao hơn các khu vực khác; cắt giảm tối đa ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quy định việc đăng ký đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư theo trình tự, thủ tục đơn giản nhất, không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật đầu tư...

Về đất đai, dự thảo đưa ra quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển. Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Với phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, dự thảo nâng mức giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan; miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Macao trong việc thu hút người nước ngoài chơi casino.

Chính phủ đề nghị xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng không xác định có cấp chính quyền địa phương và do đó không tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân. Thay vào đó, tại các đơn vị này, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trưởng đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh giao theo quy định tại khoản 3 Điều 112 Hiến pháp.

Về tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn các đơn vị, Chính phủ đề xuất 2 phương án: thành lập tòa án nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở tổ chức lại tòa án nhân dân cấp huyện tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm toàn bộ các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản; vụ án hình sự, hành chính...

Phương án 2 là không thành lập tòa án nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm toàn bộ các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản; vụ án hình sự, hành chính; xem xét quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp và các việc khác theo quy định của pháp luật tại địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên