MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho Ukraine nhờ tuyến đường xuất khẩu ai ngờ hàng hóa bị kẹt lại: Người dân EU bức xúc vì lỗ nặng

28-04-2023 - 13:37 PM | Tài chính quốc tế

Kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine vào mùa hè năm ngoái, hơn 23 triệu tấn ngũ cốc đã tràn vào khiến lợi nhuận toàn khối giảm mạnh.

‌Nông dân EU bức xúc

G‌ia đình Lazar Kis có một trang trại ở ngoại ô Budapest hơn 30 năm nhưng kể từ mùa hè năm ngoái, việc kiếm lợi nhuận từ trang trại trở nên khó khăn hơn nhiều.

" Đó là một năm rất khô hạn; chúng tôi đã mất từ 30 đến 40% sản lượng mùa màng ", anh Kis nói với CGTN (Trung Quốc). " Mọi thứ sau đó trở nên tồi tệ hơn khi một lượng lớn ngô và lúa mì của Ukraine được tung ra thị trường. Giá giảm đến 50% ".

Hiện nay, nhiều nông dân trên khắp Đông Âu có chung nỗi bức xúc như Kis.

Sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine tràn vào EU đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, khiến thu nhập nông dân địa phương giảm.

Năm ngoái, khi các cảng biển bị phong tỏa, ngũ cốc của Ukraine bắt đầu được vận chuyển bằng xe tải và tàu hỏa đến các nước Đông Âu nhưng thay vì đến được các thị trường khác ở EU, chúng lại mắc kẹt ở các nước như Ba Lan hoặc Hungary.

Cho Ukraine nhờ tuyến đường xuất khẩu ai ngờ hàng hóa bị kẹt lại: Người dân EU bức xúc vì lỗ nặng - Ảnh 2.

Ngũ cốc Ukraine đang tràn ngập EU. Ảnh: ABC News

George Rasko, nhà kinh tế nông nghiệp tại Budapest cho biết: " Nông dân [EU] trong vài năm tới cần thực hiện những điều chỉnh cần thiết cho thực tế mới này vì ngũ cốc Ukraine sẽ cứ thể chảy vào châu Âu ".

Dưới áp lực của nông dân địa phương, Ba Lan, Slovakia, Hungary và Bulgaria đã tạm ngừng nhập khẩu nông sản Ukraine.

Trong một thỏa thuận mới ký với Kiev, Ba Lan cho phép các đoàn xe chở ngũ cốc Ukraine đi qua lãnh thổ của mình tới các thị trường khác.

Trong khi đó, Hungary đã kêu gọi EU can thiệp và giúp chuyển hàng nhập khẩu của Ukraine ra khỏi nước họ.

‌Ủy ban châu Âu cũng tung gói viện trợ trị giá 109 triệu USD để hỗ trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhưng tiền sẽ chỉ về tay nếu các quốc gia liên quan đình chỉ các lệnh cấm đơn phương.

Theo biện pháp này, EU cũng sẽ ngừng nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine cho đến ngày 5/6 và cam kết điều tra xem liệu các biện pháp bổ sung có cần thiết đối với các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine hay không.

Đó là tin vui cho ngành nông nghiệp chật vật của EU.

‌Nông dân EU cho biết, chi phí điều hành một trang trại đã tăng vọt trong năm qua. Họ phải trả nhiều tiền hơn cho nhiên liệu, phân bón và lao động. Trong khi đó, lợi nhuận của họ đã giảm dần. Đối với những nông dân như Kis, thiệt hại là thấy rõ.

‌Điều tốt nhất mà nhiều nông dân EU có thể hy vọng lúc này là mọi thứ sẽ được cải thiện để họ có thể thu hồi một phần thiệt hại.

Phương tây tìm cách cải thiện xuất khẩu ngũ cốc Ukraine

Theo ABC News (Mỹ), các quan chức Mỹ và châu Âu ngày 26/4 đã đến thăm cảng Izmail phía nam Ukraine.

Cho Ukraine nhờ tuyến đường xuất khẩu ai ngờ hàng hóa bị kẹt lại: Người dân EU bức xúc vì lỗ nặng - Ảnh 3.

Các nước phương Tây nỗ lực giải cứu ngũ cốc Ukraine. Ảnh: CNN

Cảng này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ngũ cốc của Ukraine ra thế giới và có thể trở nên quan trọng nếu thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen của Ukraine với Nga hết hạn .

Từ Izmail, ngũ cốc di chuyển bằng sà lan trên sông Danube qua Romania đến cảng Constanta ở Biển Đen để ra thế giới.

Đại sứ Mỹ Bridget Brink chia sẻ, sau khi cùng quan chức EU, Ukraine khảo sát hạ tầng cảng cũng như làm việc với các công ty ngũ cốc của Ukraine, họ sẽ tìm cách tăng xuất khẩu từ các cảng Danube.

Bà nói thêm rằng xuất khẩu ngũ cốc rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine.

Theo ông Alain Baron, quan chức Ủy ban châu Âu, việc tăng cường xuất khẩu qua sông Danube - con sông dài thứ hai của châu Âu - cũng làm tăng áp lực lên các cơ sở của Romania nên ông sẽ tới đó để đàm phán.

Ông nói: " Chúng tôi sẽ đến thăm những người bạn của chúng tôi ở Romania để tiếp tục công việc chung, tiếp tục các mục tiêu chung của chúng tôi, để tăng cường năng lực cho Ukraine và sử dụng hợp lý cơ sở hạ tầng hiện có" .

Theo An An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên