MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán âm thầm tăng

Mặc dù chứng khoán toàn cầu ghi nhận nhiều phiên chao đảo trước những thông tin không mấy tích cực về tình hình kinh tế thế giới, nhất là sau khi hàng loạt ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ sụp đổ hoặc lâm vào khó khăn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá tốt nhờ kỳ vọng từ mùa đại hội cổ đông năm 2023.

Ngày 29-3, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục duy trì diễn biến tích cực, đánh dấu bằng phiên tăng điểm thứ 7 liên tục. Đây cũng là chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Theo đó, VN-Index tăng 2,04 điểm lên 1.056,33 điểm; tăng khoảng 2,5% so tháng 2 và tăng gần 8% so với điểm đáy hồi giữa tháng 11-2022. Đặc biệt, khối nhà đầu tư nước ngoài tích cực giao dịch trong tháng 3 với giá trị mua ròng đạt hơn 2.300 tỉ đồng.

Đáng chú ý, hàng loạt mã chứng khoán ngành bất động sản từng giảm "sốc" như NVL, PDR... đều phục hồi khá tốt trong những phiên gần đây. Diễn biến này giúp nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn với thị trường, tin tưởng doanh nghiệp đã và tiếp tục có động thái cơ cấu tài sản để giảm bớt khó khăn.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường trong tháng 3 đã cơ bản giảm bớt áp lực. Thị trường chứng khoán đã tốt hơn và tâm lý tiêu cực giảm khá nhiều trước động thái các ngân hàng trung ương thế giới "giải cứu" những ngân hàng gặp khó khăn. Thị trường cũng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể dừng tăng lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở trong nước, Chính phủ có động thái quyết liệt trong việc ban hành các nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu. Trong đó, dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021 có thể tháo gỡ nút thắt lớn cho thị trường trái phiếu. Tâm lý nhà đầu tư tốt hơn cũng là lý do dòng tiền đã đi vào nhóm cổ phiếu lớn trong thời gian này.

TS Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình Tài chính ứng dụng (Đại học Rennes- Pháp), cho rằng nhà đầu tư trong thời gian gần đây đã có nhiều hưng phấn so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Bởi trước hết là họ nhìn vào những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành chính sách vĩ mô theo hướng ổn định. Cụ thể như là cố gắng kéo giảm lãi suất, đồng thời tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh đầu tư công.

Tuy nhiên, trên thế giới cũng có nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư thận trọng nếu không thị trường chứng khoán trong nước đã bứt phá mạnh trước những thông tin tích cực từ Chính phủ liên tục đưa ra. Bởi thế giới vừa qua có nhiều tin bất ổn như ngân hàng Mỹ, châu Âu gặp khó khăn, tình hình thế giới chưa ổn định. Dù vậy, thị trường chứng khoán trong nước vẫn âm thầm đi lên.

Lý giải vì sao thị trường chứng khoán gần đây không quá hưng phấn hay giảm sâu quá đà, một chuyên gia tài chính cho rằng dường như nhà đầu tư đã phân tích, chọn lọc trước khi "xuống tiền" thay vì mua bất chấp hay bán tháo trong hoảng loạn như trước đây.

Ngoài ra, trước mùa đại hội cổ đông, các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính năm trước và công bố định hướng, kế hoạch trong năm tài chính tiếp theo... cũng tạo tâm lý tích cực trên thị trường. Một số nhà đầu tư cho biết họ cũng muốn giữ cổ phiếu hoặc mua thêm trước mùa đại hội cổ đông.

Theo Sơn Nhung

Người Lao động

Trở lên trên