Chứng khoán Việt Nam 2023: Sẵn sàng đón vận hội mới
2023 được dự báo sẽ là một năm không dễ dàng đối với chứng khoán Việt Nam bởi những rủi ro tiềm ẩn đến từ cả bên trong và bên ngoài. Dù vậy, vẫn có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn chờ đợi nhà đầu tư nắm bắt.
Sau một năm đầy biến động với mức giảm nằm trong top đầu thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam hướng đến năm 2023 với kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ. Dù khó có thể chờ đợi vào một con sóng thần như giai đoạn 2020-2021 nhưng thị trường sẽ không thiếu những cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Xu hướng trở lại của khối ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường năm 2023 trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn còn thận trọng sau nhiều biến cố. Thực tế, sau giai đoạn bán ròng kéo dài triền miên, dòng vốn ngoại chỉ mới thực sự đảo chiều từ tháng 11 năm ngoái khi thị trường giảm mạnh xuống đáy 2 năm cùng mức định giá thấp hiếm thấy trong lịch sử.
Chỉ riêng trong 2 tháng cuối năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 28.800 tỷ đồng trên HoSE. Một số nhận định cho rằng việc khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh chưa từng có chỉ mang tính ngắn hạn trong đó phần lớn đến từ một dòng tiền khó kiểm chứng được đồn đoán mang tên P-Notes. Tuy nhiên, động thái mua ròng vẫn đang được tiếp diễn trong những ngày đầu năm 2023 đang phần nào chứng tỏ sự trở lại của khối ngoại không phải là nhất thời.
Ngay cả khi các dòng tiền đầu cơ rút đi, không thể phủ nhận chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Minh chứng rõ nét nhất là dòng vốn “ồ ạt” qua các quỹ ETF đổ vào thị trường với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD trong năm vừa qua. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì và có thể bùng nổ hơn trong năm tới với sự đổ bộ của dòng tiền đến từ Hàn Quốc bên cạnh 2 khu vực vốn rất ưa thích cổ phiếu Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.
Ngoài những tên tuổi trên thị trường như Fubon FTSE ETF, DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF, V.N.M ETF, FTSE Vietnam ETF, các ETF mới bao gồm cả nội và ngoại như CSOP FTSE Vietnam 30 ETF, DCVFM VNMidcap ETF, KIM GROWTH VNFINSELECT ETF, MAFM VNDIAMOND ETF, FCAP VNX50 ETF được kỳ vọng sẽ mang đến sự đa dạng lựa chọn cho nhà đầu tư và góp phần thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Yếu tố quan trọng góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến từ tình hình vĩ mô ổn định và định giá thị trường hấp dẫn so với khả năng tăng trưởng. Người đứng đầu PYN Elite Fund dự phóng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Việt Nam năm 2023 đạt 13,9% tương ứng P/E Forward 2023 của VN-Index sẽ ở mức 9,7 lần.
“Niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện, chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ đi theo lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trong 12 tháng tới. Trong số các nước ASEAN, triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Việt Nam là mạnh mẽ nhất ” - sếp PYN Elite Fund nhấn mạnh.
Rõ ràng, nền kinh tế tăng trưởng nhanh là một lợi thế của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và điều này được dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì trong tương lai. Sau một năm tăng trưởng GDP (+8,02%) cao nhất trong hơn một thập kỷ, kinh tế của Việt Nam được dự báo có thể sẽ tăng trưởng chậm lại đôi chút tuy nhiên vẫn vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2% trong năm 2023 trong khi con số này theo Ngân hàng Thế giới (WB) là 6,7%. Triển vọng này tích cực hơn nhiều so với viễn cảnh khá “u ám” ở những nền kinh tế khác. Lạc quan hơn, Standard Chartered đánh giá GDP Việt Nam năm 2023 có thể đạt mức tăng trưởng 7,2%.
Bên cạnh những yếu tố nội tại, câu chuyện nâng hạng thị trường từ mới nổi (Emerging Market) lên cận biên (Frontier Market) cũng là một yếu tố thúc đẩy khối ngoại trở lại chứng khoán Việt Nam thời gian tới. Nếu được nâng hạng, ước tính sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào TTCK Việt Nam.
Thực tế, câu chuyện nâng hạng thị trường không mới và đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong 3 năm qua. Năm 2022, chứng khoán Việt Nam thêm một lần nữa lỡ hẹn với việc “thăng hạng” trên bảng phân loại thị trường của cả các tổ chức xếp hạng là MSCI và FTSE Russell. Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng cũng đã đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chí nâng hạng.
Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.
Quá trình tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam cũng dần được hoàn thiện với sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán từ T+3 xuống T+2 trong năm qua đã đánh dấu một bước đột phá trong lộ trình nâng hạng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc nâng hạng hiện chỉ còn là vấn đề thời gian và có thể hoàn tất trong giai đoạn 2024 – 2025. Dòng tiền lớn từ các tổ chức rất thính nhạy với những cơ hội hấp dẫn và thường sẽ đến trước khoảng 2 năm. Vì thế, kỳ vọng vào sóng nâng hạng thị trường có thể là yếu tố sẽ thúc đẩy chứng khoán Việt Nam bứt phá trở lại trong năm 2023.
Triển vọng là một phần nhưng dòng tiền mới là yếu tố mang tính quyết định đến sự sự vận động của thị trường và yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất. Sau khoảng 2 năm duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19, lãi suất đã tăng trở lại đặc biệt trong những tháng cuối năm 2022.
Trước áp lực tỷ giá do Fed liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã lần đầu tiên sau một thập kỷ có 2 lần liên tiếp tăng lãi suất điều hành thêm 1% vào giai đoạn tháng 9-10/2022. Mặt bằng lãi suất nhanh chóng trở lại mức trước dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền trên TTCK.
Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt đang mở đường cho Fed dần nới lỏng chính sách tiền tệ. Tốc độ tăng lãi suất đã chậm lại như dự báo của giới phân tích giúp giảm bớt mức độ ảnh hưởng lên các thị trường tài chính. Những khó khăn từ diễn biến của lãi suất cũng đã phản ánh lên mức giảm 33% trong năm 2022 của VN-Index.
Theo SGI Capital, nửa đầu 2023 sẽ là đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất nhưng lại là giai đoạn tăng tốc của chu kỳ suy giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt. Đỉnh điểm của chu kỳ suy giảm lợi nhuận sẽ là suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, suy thoái nếu xảy ra sẽ khiến chính sách đảo chiều và mang lại những cơ hội đầu tư tốt nhất. Lịch sử cho thấy, TTCK thường tạo đáy trước kinh tế thực trung bình 6 tháng.
Cơ hội là rõ ràng nhưng thách thức với chứng khoán Việt Nam năm 2023 cũng không ít, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn. Những tín hiệu như đồng USD mạnh lên, nhu cầu tiêu dùng suy yếu, thất nghiệp gia tăng, xung đột địa chính trị, mâu thuẫn chính sách, TTCK hóa gấu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiến sát bờ vực suy thoái ngày càng trở nên rõ ràng. Giờ đây câu hỏi không còn là “liệu suy thoái có xảy ra không”, mà thay vào đó là “khi nào”.
Nhiều nhà kinh tế và chuyên gia dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra trong năm 2023, nhưng khó có thể dự báo về mức độ nghiêm trọng cũng như độ dài của cuộc suy thoái này. Nhưng một điều chắc chắn là mọi cuộc suy thoái nào đều gây đau thương và không phải nền kinh tế nào cũng có sức chống chịu mạnh mẽ như Mỹ.
Với nền kinh tế có độ mở cao, khó có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục ngược dòng nếu suy thoái toàn cầu kéo dài. Thực tế, rủi ro suy thoái đang hiện hữu trên tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong các báo cáo gần đây, Dragon Capital cũng nhiều lần giảm dự phóng tăng trưởng lợi nhuận và EPS của các doanh nghiệp niêm yết cho giai đoạn 2022-23.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu ngành như GAS, ACV, DPM đều đã ước lãi quý 4 sụt giảm trong khi BSR còn báo lỗ. Phần lớn các doanh nghiệp thép đều được dự báo sẽ tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ nặng. Nhóm bất động sản đang loay hoay với 2 kênh huy động vốn chủ yếu là tín dụng ngân hàng và trái phiếu. Trong khi đó, nhóm chứng khoán cũng khó duy trì tăng trưởng trên nền so sánh cao của quý 4 năm ngoái với tình trạng thanh khoản heo hút như hiện nay.
Mặt bằng lãi suất cao được dự báo sẽ còn duy trì ít nhất trong nửa đầu năm 2023 và điều này có thể khiến các doanh nghiệp ngấm đòn rõ rệt hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán cũng đã có dấu hiệu hụt hơi sau khi bước qua đỉnh chu kỳ. Lợi nhuận kỳ vọng thấp hơn đồng nghĩa với P/E forward của VN-Index sẽ tăng lên và định giá thị trường cũng trở nên đắt hơn.
Trong bối cảnh lãi suất cao, áp lực trả lãi từ khối lượng trái phiếu “khổng lồ” được dự báo sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp. Thêm nữa, thanh khoản có thể tiếp tục căng cứng khi giai đoạn 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 600.000 tỷ đồng. Tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn.
Bộ tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời để phần nào giảm bớt áp lực đáo hạn trong năm nay. Những thay đổi về mặt chính sách vẫn cần thời gian để thẩm thấu và đưa thị trường trái phiếu trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh, bền vững trong dài hạn.
Trước những khó khăn ngắn hạn, TTCK còn thiếu đi cú hích từ các thương vụ bom tấn lên sàn để thu hút dòng tiền trở lại. Hoạt động cổ phần hóa gắn với niêm yết, hoặc thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) qua sàn ngày càng “heo hút” là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Khác với giai đoạn bùng nổ 2006-07 hay 2017-18, những năm gần đây các doanh nghiệp mới lên sàn đều không tạo được những dấu ấn thực sự rõ rệt. Không ít thương vụ thoái vốn Nhà nước ế ẩm trong khi các cổ phiếu niêm yết mới trên HoSE chủ yếu đến từ hoạt động chuyển sàn. Thực trạng này có thể còn kéo dài khi hoạt động cổ phần hóa các DNNN đáng chú ý như Agribank, Mobifone vẫn còn nhiều vướng mắc.
Số lượng nhà đầu tư mới tham gia ngày càng đông đảo nhưng lại chưa có thêm những lựa chọn mới, chất lượng khiến giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Quy mô vốn hóa tăng trưởng chủ yếu đến từ sự xoay vòng của dòng tiền đầu cơ giá lên. Tuy nhiên, điều này khó có thể duy trì trong thời gian dài, đặc biệt khi môi trường tiền rẻ không còn.
Nhìn chung, 2023 được dự báo sẽ là một năm không dễ dàng đối với chứng khoán Việt Nam bởi những rủi ro tiềm ẩn đến từ cả bên trong và bên ngoài. Dù vậy, không thể phủ nhận triển vọng lạc quan về dài hạn với những câu chuyện hấp dẫn. Biến động không thuận lợi trong ngắn hạn được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội đầu tư chất lượng với tỷ suất sinh lời hấp dẫn trong tương lai.
Nhịp Sống Thị Trường
Sự kiện: Sẵn sàng 2023
Xem tất cả >>- Cơ cấu cổ đông của Traphaco "lợi hại" như thế nào?
- Thị trường nhà thuốc cạnh tranh gay gắt, Traphaco tăng cường đồng hành cùng các nhà thuốc truyền thống
- Tái cấu trúc Traphaco: Động lực tăng trưởng mới ngoài “con bò sữa” đông dược
- Traphaco nâng tầm các sản phẩm quốc dân Boganic, Hoạt huyết dưỡng não bằng phiên bản cao cấp
- Traphaco vượt thử thách trong quá trình chuyển giao công nghệ dược phẩm từ Daewoong