MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chúng tôi mong mọi vấn đề của Ocean Group được giải quyết, doanh nghiệp tốt lên, cổ phiếu hồi phục lại nhưng cơ hội đó đã bị dừng lại"

12-06-2017 - 12:07 PM | Doanh nghiệp

Đây là tâm tư ông Lê Quang Thụ-Chủ tọa Đại hội cổ đông thường niên Ocean Group-bày tỏ tại ĐHCĐ vừa được tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Ngày 12/06, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã chứng khoán: OGC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017 lần thứ 3. Hai lần trước Đại hội không thể tiến hành do không đủ tỷ lệ tham dự.

Theo tài liệu ĐHCĐ, năm 2017, Ocean Group đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 1.272 tỷ đồng và lỗ sau thuế 14 tỷ đồng. Doanh thu của công ty mẹ dự kiến là 122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng. Đánh giá năm 2017 tiếp tục là một năm khó khăn trong việc huy động vốn của OGC nên mục tiêu chính của doanh nghiệp này vẫn là bình ổn thay vì đẩy mạnh đầu tư.

Cụ thể, OGC rà soát và tiếp tục triển khai dự án hiện có như Dự án 25 Trần Khánh Dư đồng thời tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh hoặc chuyển nhượng; Thoái vốn hoặc dừng triển khai đối với các dự án hiệu quả không cao hoặc không đem lại lợi nhuận.

Về các hoạt động đầu tư, OGC sẽ rà soát các khoản đầu tư tại doanh nghiệp không đem lại lợi nhuận, có thể thoái vốn để tạo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

BCTC hợp nhất quý 1/2017 vừa công bố cho biết doanh thu quý 1 của OGC đạt 203,3 tỷ đồng – tăng gần 10% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 8,4 tỷ đồng – tăng 87%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4,6 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 1/2017, doanh nghiệp vẫn đang lỗ lũy kế 2.475 tỷ đồng.


Đến 9h20, Đại hội mới bắt đầu. Có 75 cổ đông tham dự đại diện cho 141,1 triệu cổ phiếu tương đương 47,05% số cổ phần có tỷ lệ biểu quyết. Hiện tại, OGC có 8.604 cổ đông.

Ngay khi bắt đầu, cổ đông đã đề xuất ông Hà Trọng Nam – Phó Chủ tịch của OGC đến tham dự Đại hội.

Tuy nhiên, bà Lan - Thành viên HĐQT độc lập, được ủy quyền của ông Hà Trọng Nam đã bất ngờ đọc lá đơn của ông Nam với nội dung: vị trí thành viên HĐQT không còn phù hợp và sẵn sàng từ nhiệm. Nhưng do số lượng TV HĐQT phải đảm bảo 5 người nên ông Nam đề xuất bổ sung nội dung bầu thêm thành viên HĐQT tại ĐHCĐ thường niên năm nay. Nếu được đồng ý, lá đơn này coi như đơn từ nhiệm của ông Nam.

Tổ tư vấn, công ty luật của OGC cho biết, ông Nam đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và theo luật, đề xuất nói trên của ông Nam phải được gửi đến công ty chậm nhất 3 ngày trước khi ĐHCĐ thường niên khai mạc, trừ khi điều lệ công ty quy định khác. Chiếu theo điều lệ của OGC, quy định cũng là 3 ngày. Do đó, các nội dung mà cổ đông đề nghị đưa vào chương trình đại hội phải được gửi đến trước 3 ngày. Lá đơn của ông Nam là không phù hợp với điều lệ và luật, nhưng quyền quyết định là tùy thuộc đại hội.

Bà Lan – Thành viên HĐQT tiếp tục cho rằng theo Luật doanh nghiệp, việc bầu bổ sung thành viên HĐQT ngay tại đây là hợp pháp và đỡ lãng phí thời gian.

Ông Lê Quang Thụ nêu ý kiến, đại hội hôm nay chỉ có 47,05% số cổ phiếu có tỷ lệ biểu quyết, không đủ 50%. Việc bầu thành viên HĐQT phải thể hiện mong muốn của tất cả ĐHCĐ.

Công ty tư vấn luật cho biết, Thành viên HĐQT có quyền từ nhiệm, nhưng nếu ông Nam không phải là cổ đông của Ocean Group thì không được quyền đưa thêm nội dung vào chương trình đại hội. Trong trường hợp cổ đông cần đưa nội dung để đưa vào chương trình nghị sự, có thể lấy ý kiến cổ đông, nếu đồng ý 100% thì cho dù vi phạm trình tự thủ tục nhưng vẫn được thực hiện.

Trước nhiều ý kiến của cổ đông, bà Lan đính chính lại, bà là đại diện của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, sở hữu hơn 84 triệu cổ phần tương đương 28% vốn điều lệ.

Với những ý kiến của bà Lan, cổ đông tiếp tục đặt vấn đề: Thành viên HĐQT độc lập có được đại diện cho cổ đông lớn hay không?

Ông Lê Quang Thụ - Chủ tọa Đại hội không đồng ý nội dung đề xuất của ông Nam, với lý do số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết chưa đến 50%, và đại hội lần này cũng đã rất khó khăn mới tổ chức được. Việc một cổ đông lớn đột nhiên có đề xuất như vậy đã gây khó khăn cho đại hội và có thể bàn luận trong ĐHCĐ bất thường.

Đại hội quyết định lấy ý kiến biểu quyết tại chỗ về đề xuất của ông Nam. Theo quan sát tại đại hội, có 6 cổ đông đồng ý (trong đó có bà Lan) và không thể đủ tỷ lệ 100%. Tuy nhiên số liệu từ tổ kiểm phiếu cho biết, có đến 77% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự tại đại hội này đồng ý với đề xuất của ông Nam.


“Chúng tôi không giống các công ty khác. Chúng tôi không bình thường” – ông Thụ nói.

Đó là câu trả lời khi cổ đông chất vấn chuyện trích lập dự phòng quá nhiều và thậm chí cho rằng các doanh nghiệp thường không làm việc theo đúng pháp luật, theo đúng văn bản giấy tờ. Theo ông Thụ, với 70% cổ đông nhỏ lẻ, 3 tiêu chí của lãnh đạo OGC lúc này là: Cố gắng không xuống sàn, không bị âm vốn, không bị mất tài sản.

“Chúng tôi chỉ mong các vấn đề được giải quyết, doanh nghiệp tốt lên, cổ phiếu hồi phục lại. Đáng lẽ điều đó đã xảy ra từ tháng 3 năm nay rồi nhưng cơ hội ấy đã dừng lại” – Ông Thụ nói.

Ông Lê Huy Giang - Tổng giám đốc khẳng định: Cơ sở trích lập dự phòng hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật, chắc chắn không làm sai, tôi là người chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót xảy ra. Việc trích lập dự phòng dựa trên nguyên tắc đảm bảo tối đa lợi ích của cổ đông.

Có 2 khoản nợ phải trích lập dự phòng. Thứ nhất là khoản công nợ khi góp vốn vào dự án – giờ bị tạm dừng. Thứ 2 là hỗ trợ vốn cho các công ty, xảy ra trước năm 2014.

2.000 tỷ trích lập dự phòng mà cổ đông đề cập được sử dụng để trích lập dự phòng cho những khoản nói trên. Công ty đang nỗ lực đòi để được hoàn nhập dự phòng.

Ông Giang cho biết, vốn lưu động của công ty hoàn toàn đủ để triển khai các dự án, nhưng điều quan trọng là các dự án bị chỉ thị đình chỉ hoặc thay đổi, bị thanh tra… Các điều kiện bất khả kháng đó khiến Ban điều hành gặp khó khăn trong việc triển khai dự án.

Trả lời câu hỏi về KQKD quý 2/2017, ông Giang cho biết, sơ bộ doanh thu quý 2/2017 khoảng 400 tỷ đồng và Lợi nhuận chưa trích lập dự phòng khoảng hơn 10 tỷ.

Về dự án 25 Trần Khánh Dư, ông Thụ cho biết hiện đã xong cọc và giải phóng mặt bằng. Vừa rồi trên Bộ Quốc Phòng rà soát lại toàn bộ dự án bên Bộ Quốc Phòng và yêu cầu tạm dừng dự án này. OGC đã họp với Bộ và dự án này chỉ trong tháng 7 là được cởi để tiến hành

Một cổ đông đặt câu hỏi về khoản vay Ngân hàng Quốc dân (NCB) 450 tỷ đồng và thế chấp bằng 32 triệu cổ phiếu OCH liệu sẽ có đàm phán với ngân hàng như thế nào và liệu có bị giải chấp không, ông Tụ trả lời, khoản nợ này bắt đầu từ năm 2014. OGC đã làm việc nhiều lần và từ đó đến nay không giải chấp, chứng tỏ ngân hàng và OGC đã có mối quan hệ khăng khít như thế nào.

"Chúng tôi cũng đã có các phương án và theo hướng làm thế nào thì làm, đưa cổ phiếu OCH về bên này." - ông Thụ nói.


Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên