Chuyện bi hài nhà đầu tư BĐS: Giá cao tranh nhau mua, giá xuống không ai ngó
Đối với các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, khi thị trường trầm lắng là lúc để mua vào và sẽ bán ra khi sôi động. Điều này trái ngược hoàn toàn với đại đa số người đang đầu tư hiện tại.
- 12-07-2022Biệt thự bỏ hoang Hà Nội: Hàng chục tỷ chưa chắc đã mua nổi!
- 12-07-2022Bất động sản còn lý do để tăng giá?
- 12-07-2022Giá bất động sản đi lên, thanh khoản đi xuống tại những khu vực xung quanh Vành đai 4
Trong mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản liên tục diễn ra cơn sốt đất. Đỉnh điểm của cơn sốt đất là năm 2021, khi tất cả các thị trường đều phá vỡ những mức giá kỷ lục khác nhau. Các cơn sốt đất không chỉ còn diễn ra tại đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM mà len lỏi cả ở vùng nông thôn, thậm chí là miền núi.
Mặc dù, giá đất liên tục tăng, người đất ngày càng nhiều và số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường cũng ngày một tăng cao khiến thị trường dù đã nóng lại càng nóng hơn.
Tuy nhiên, đến nay thị trường bất động sản đã “hạ nhiệt” thậm chí một số nhà đầu tư đã bắt đầu cắt lỗ để thoát hàng nhưng vẫn không có thanh khoản. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn khi giá đang tăng cao.
Theo anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư bất động sản nhiều kinh nghiệm cho hay, thực tế, thời gian qua bất động sản liên tục hình thành các mốc đỉnh mới. Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh, tiền không thể đưa vào kinh doanh sản xuất mọi người đều lựa chọn bất động sản là điểm đến cho dòng tiền.
Đến khi cơn sốt hình thành ở nhiều nơi, trong khi lãi suất vay ngân hàng khi đó rất rẻ nên ai cũng sử dụng đòn bẩy lớn để lướt sóng kiếm lời, đây là kiểu đầu tư được ưa chuộng khi thị trường nóng.
“Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có triết lý đầu tư là “hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”, nhưng tất cả đều được làm ngược lại, bởi đa phần không ai muốn giàu chậm cả.
Rõ ràng, thời gian qua, khi thị trường bất động sản nóng sốt, mức giá lên cao chót vót, nhiều người lao vào mua. Khi đó, gần như các nhà đầu tư chỉ cần mua được đất dù giá có thay đổi liên tục thì họ vẫn theo đuổi. Nhưng đến nay, khi thị trường đã hạ nhiệt, là cơ hội để mua vào những mảnh đất có vị trí tốt mà lúc sốt khó mua thì đa số các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại, không dám mua”, anh Hải chia sẻ.
Nhà đầu tư này nhìn nhận, lúc thị trường lên cơn “sốt” các nhà đầu tư sành sỏi sẽ bán hàng đã găm từ trước, khi đó lợi nhuận cũng đã tăng 50 - 100% so với lúc mua, với bất động sản là sản phẩm giá trị cao thì số tiền lãi này là rất lớn. Sau đó, tận dụng cơn “sốt” họ tiếp tục “lướt sóng” một vài thương vụ kiếm lời, rồi tiếp tục chờ khi thị trường hạ nhiệt để “săn” quỹ đất đẹp đầu tư lâu dài.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội, ở Việt Nam đa phần đều đầu tư theo kiểu phong trào, khi thấy đất đai bán được, tăng giá cao mới đổ xô đi mua. Nhưng đối với những người kinh doanh chuyên nghiệp, lúc thị trường trầm lắng mới là lúc để mua vào.
“Khi nóng mới nhảy vào thị trường bất động sản đa phần là lướt sóng kiếm lời, và họ mua chủ yếu dựa vào tiền đi vay. Ví dụ, họ mua mảnh đất giá 10 đồng nhưng chỉ có 3 đồng, còn 7 đồng đi vay nên họ lướt lát nhanh chóng kiếm ít lời hoặc mới chỉ cọc và tìm khách bán ngay. Đây là lý do tại sao cứ khi đất nóng người ta mới đổ xô đi mua theo phong trào”, ông Điệp đưa ý kiến.
Theo ông Điệp, đầu tư bất động sản cần nhiều thời gian, nay mua, mai bán cũng chỉ kiếm được ít lời, nếu đột ngột thị trường hạ sốt sẽ bị chôn vốn, người nào đi vay sẽ không chịu được áp lực tài chính mà phải bán cắt lỗ.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho rằng, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một số nhà đầu tư, chứ không phải là làn sóng bán tháo.
“Trong lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để cơ cấu lại tài sản. Nếu người bán giảm đến 10-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn”, ông Quang phân tích.