Chuyện nhận quà biếu tặng, mới chỉ cấm cán bộ, chưa đề cập người nhà!
Mặc dù đánh giá cao khung pháp lý Việt Nam đã cấm cán bộ công chức, viên chức nhận quà biếu, tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ hiện tại vẫn chưa cấm vợ/chồng hay người thân của họ nhận quà.
- 27-08-2016TSC Cần Thơ: Tổng giám đốc bị phạt 50 triệu vì vi phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích
- 10-11-2015Vi phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích, chủ tịch HĐQT VNL bị phạt 60 triệu đồng
- 19-11-2013BĐS: Xung đột lợi ích do thị trường bị tháo túng
- 24-07-2013Xung đột lợi ích nhóm khi kiện chống bán phá giá
Đây là nhận định được đưa ra tại buổi công bố nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam” hôm nay (9/11).
Xung đột lợi ích, theo định nghĩa của OECD (2014) là “tình huống trong đó một cán bộ công chức, trong thẩm quyền chính thức của mình, đưa ra hoặc phải đưa ra các quyết định hoặc có những hành động, có thể tác động tới lợi ích cá nhân của họ”.
Có 6 lĩnh vực trong khu vực công thường xảy ra xung đột lợi ích, bao gồm: cung cấp dịch vụ công, bổ nhiệm và tuyển dụng, quản lý đấu thầu, cấp phép, phê duyệt dự án, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cũng theo báo cáo, xung đột lợi ích có thể chia ra làm 4 hình thức có thể gắn với quyết định của cán bộ công chức, gồm: tặng/nhận quà; đầu tư chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp; tham gia các công việc có thể sử dụng lợi thế thông tin từ vị trí công tác; tham gia các hoạt động có thể quyết định (hoặc gây ảnh hưởng) có lợi cho người thân.
Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo chính là tỷ lệ 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức biết rõ việc tặng/nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. “Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều có cảm nhận chung là tặng quà đã thành trào lưu, thông lệ, thậm chí luật chơi. Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị phân biệt đối xử, trong khi cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều”, báo cáo cho biết.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị cần hoàn thiện các quy định về tặng nhận quà theo hướng quy định nguyên tắc chung giảm thiểu rủi ro xung đột lợi ích trong khu vực công. Không cho phép cán bộ công chức nhận quà tặng dưới mọi hình thức và mọi giá trị, đặc biệt là là những người trong những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực.
Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam khi đã bắt kịp khung pháp lý của các nước OECD và một số quốc gia chuyển đổi về vấn đế này tuy nhiên, WB vẫn chỉ ra một “lỗ hổng” lớn.
Theo đó, tuy điều 40 của Luật phòng chống tham nhũng 2005 (sửa đổi năm 2007 và 2012) và Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định rõ cán bộ công chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vất chất khác từ tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tới công việc của mình nhưng quy định này lại không áp dụng với bất cứ thành viên nào trong gia đình của cán bộ.
Như vậy, nếu so sánh với các nước Đông Nam Á, có thể thấy sự khác biệt rõ ràng. Theo đó, ở những nước này đã áp dụng quy định kiểm soát nhận quà với cả thành viên gia đình cán bộ công chức.
Ví dụ như ở Hàn Quốc, một cán bộ công chức sẽ được yêu cầu phải ngăn không cho vợ/chồng họ hàng thân thích được nhận quà hoặc đồ vật có giá trị mà chính bản thân họ không được phép nhận. Hàn Quốc có quy định một danh sách dài các món quà cán bộ được nhận và tất cả những món quà không nằm trong danh sách đều phải trả lại, báo cáo nêu rõ.
Như vậy, trong tương lai, Việt Nam phải có những biện pháp khắc phục lỗ hổng này. Bởi lẽ, chỉ khi kiểm soát được xung đột lợi ích, Việt Nam mới có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035 như nhận định của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam.