CNN: Bom Mỹ được sử dụng trong cuộc tấn công chết chóc vào Rafah
Một phân tích của CNN về video từ hiện trường và đánh giá của các chuyên gia vũ khí nổ cho thấy bom sản xuất tại Mỹ đã được sử dụng trong cuộc tấn công đẫm máu của Israel vào một trại tị nạn ở Rafah hôm 26/5.
- 27-05-2024Hamas phóng loạt tên lửa cỡ lớn vào Tel Aviv, miền Trung Israel rung chuyển
- 25-05-2024Tòa Công lý quốc tế ra lệnh Israel ngay lập tức ngừng tấn công Rafah
- 24-05-2024Israel chỉ trích Đức sau tuyên bố sẵn sàng bắt Thủ tướng Netanyahu
- 24-05-20243 nước châu Âu công nhận Palestine: Phương Tây đổi thái độ, Israel nhận cú phản đòn ngay trong nước
Theo Cơ quan Y tế Gaza và các bác sĩ Palestine, ít nhất 45 người đã thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương sau khi một đám cháy bùng phát sau cuộc tấn công của quân đội Israel ở ngoại ô thành phố cực nam của Gaza, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.
Đoạn phim mà CNN thu được cho thấy nhiều khu trại ở Rafah chìm trong biển lửa, với rất nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang tuyệt vọng tìm nơi ẩn náu khỏi cuộc tấn công vào ban đêm. Những thi thể bị cháy, bao gồm cả trẻ em, có thể được nhìn thấy đang được lực lượng cứu hộ kéo ra khỏi đống đổ nát.
Cuộc tấn công leo thang của Israel ở Rafah - nơi khoảng 1,3 triệu người Palestine đang trú ẩn - đã nhanh chóng bị cộng đồng quốc tế lên án, trong đó các cơ quan của Liên hợp quốc, các nhóm viện trợ và nhiều chính phủ kêu gọi Israel ngừng ngay lập tức chiến dịch tấn công.
Trong hành động leo thang vừa qua, lần đầu tiên xe tăng Israel tiến sâu hơn vào Rafah kể từ khi nước này bắt đầu cuộc chiến chống Hamas 7 tháng trước, báo hiệu một giai đoạn mới mà Israel đang tiến tới.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thay đổi chính sách của mình đối với Israel, cho thấy cuộc tấn công vào Rafah vẫn chưa vượt qua ranh giới đỏ khiến Mỹ phải thay đổi sự ủng hộ.
Phân tích của các chuyên gia vũ khí
Các video được định vị địa lý của CNN cho thấy những chiếc lều bốc cháy sau cuộc tấn công vào khu trại có tên “Trại Hòa bình Kuwait 1”. Trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội, mà CNN xác định được quay ở cùng hiện trường bằng cách khớp các chi tiết bao gồm biển hiệu lối vào trại và gạch trên mặt đất, có thể nhìn thấy đuôi của một quả bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) do Mỹ sản xuất - theo bốn chuyên gia về vũ khí nổ đã xem video.
Chuyên gia vũ khí nổ Chris Cobb-Smith nói với CNN ngày 28/5 rằng bom GBU-39, do Boeing sản xuất, là loại đạn có độ chính xác cao “được thiết kế để tấn công các mục tiêu điểm quan trọng về mặt chiến lược” và gây ra thiệt hại phụ ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Cobb-Smith cũng cho biết: “Việc sử dụng bất kỳ loại đạn nào, kể cả cỡ này, sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro ở khu vực đông dân cư”.
Trevor Ball, cựu thành viên nhóm xử lý bom mìn cấp cao của Quân đội Mỹ, người cũng xác định mảnh vỡ là của bom GBU-39, giải thích với CNN về cách ông đưa ra kết luận của mình: “Phần đầu đạn [của quả bom] rất khác biệt, phần dẫn hướng và cánh cực kỳ đặc biệt so với các loại đạn khác. Phần dẫn hướng và cánh của đạn thường là phần còn sót lại ngay cả sau khi đạn phát nổ. Tôi nhìn thấy phần dẫn động ở đuôi và biết ngay đó là một trong những biến thể SDB/GBU-39.”
Chuyên gia Ball cũng kết luận rằng mặc dù có một biến thể của GBU-39 được gọi là “Đạn gây chết người tập trung” (FLM) có trọng tải nổ lớn hơn, được thiết kế để gây ra ít thiệt hại phụ hơn, nhưng đây không phải là biến thể được sử dụng trong trường hợp này.
“FLM có thân đầu đạn bằng sợi carbon tổng hợp và chứa đầy vonfram nghiền thành bột. Các bức ảnh chụp thử nghiệm FLM cho thấy các vật thể trong cuộc thử nghiệm được phủ một lớp bụi vonfram, loại bụi không có trong video từ hiện trường”, ông Ball nói với CNN.
Số sê-ri trên mảnh xác quả bom cũng khớp với số sê-ri của một nhà sản xuất các bộ phận GBU-39 có trụ sở tại California - chỉ ra thêm bằng chứng cho thấy bom được sản xuất ở Mỹ.
Sau khi xem video, hai chuyên gia khác về vũ khí nổ bổ sung, gồm Richard Weir, nhà nghiên cứu xung đột và khủng hoảng cấp cao tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và Chris Lincoln-Jones, cựu sĩ quan pháo binh của Quân đội Anh, chuyên gia về vũ khí và nhắm mục tiêu – cũng xác định mảnh vỡ là một phần của GBU-39 do Mỹ sản xuất.
Khi được yêu cầu bình luận về loại đạn được sử dụng trong cuộc tấn công Rafah tại cuộc họp giao ban ngày 28/5, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với các phóng viên: “Tôi không biết loại đạn nào được sử dụng trong cuộc không kích đó. Tôi sẽ phải giới thiệu các bạn với người Israel để nói về vấn đề đó”.
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel, và sự hỗ trợ đó vẫn tiếp tục bất chấp áp lực chính trị ngày càng tăng đối với chính quyền Tổng thống Biden về cuộc tấn công ở Gaza.
Tháng trước, ông Biden đã ký một dự luật viện trợ nước ngoài bao gồm 26 tỷ USD cho cuộc xung đột Israel-Hamas - bao gồm 15 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel, 9 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Gaza và 2,4 tỷ USD cho các hoạt động quân sự trong khu vực của Mỹ.
Việc CNN xác định loại đạn nói trên cũng khớp với tuyên bố của người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari trong cuộc họp báo về thảm kịch tại trại tị nạn Rafah hôm 26/5. Ông Hagari nói với các phóng viên rằng cuộc tấn công – mà ông cho rằng nhắm vào các chỉ huy cấp cao của Hamas – đã sử dụng hai quả đạn có đầu đạn nhỏ chứa 17 kg chất nổ, đồng thời cho biết thêm những quả bom này là “loại đạn nhỏ nhất mà máy bay phản lực của chúng tôi có thể sử dụng”. Đầu đạn GBU-39 truyền thống có trọng tải nổ 17 kg.
Ông Hagari nói thêm rằng vụ hỏa hoạn chết chóc xảy ra sau cuộc tấn công không chỉ do vũ khí được quân đội Israel sử dụng. “Chỉ riêng đạn dược của chúng tôi không thể gây ra đám cháy cỡ này”, ông Hagari nói, đồng thời cho biết IDF đang điều tra “điều gì có thể đã gây ra đám cháy lớn như vậy”.
Báo Tin tức