Cơ hội của các hãng điện thoại Trung Quốc khi bước chân vào thị trường ô tô điện
Không chỉ các hãng xe hơi đang đầu tư cho ô tô điện, ngay cả các nhà sản xuất điện thoại lớn trên thế giới như Apple, Xiaomi… cũng đã dành công sức và nguồn lực vào lĩnh vực này.
- 23-03-2024Làn sóng người nghỉ hưu quay lại làm việc gia tăng ở Trung Quốc
- 23-03-2024Các trùm ô tô Nga tìm đến Trung Quốc, tìm cách 'cứu' ngành sản xuất trong nước
- 22-03-2024Số người trẻ và trung niên ở Trung Quốc lập di chúc tăng 24 lần trong 10 năm
Lợi thế của các hãng điện thoại
Apple đã chi 10 tỷ USD cho ô tô điện, tuy nhiên sau đó quyết định từ bỏ kế hoạch. Xiaomi (Trung Quốc) sẽ ra mắt mẫu sedan SU7 vào cuối tháng 3, trong khi đối thủ Huawei cũng ấp ủ giấc mở về ô tô điện.
Ba năm trước, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi tuyên bố sẽ tham gia kinh doanh xe điện, theo bước Apple vốn đã dành phần lớn thời gian trong một thập niên để nghiên cứu và phát triển xe điện.
Nhưng đến năm 2024 này, Apple đã từ bỏ kế hoạch, Xiaomi chỉ còn vài ngày nữa là sẽ ra mắt SU7, mẫu sedan bốn cửa do hãng xe nhà nước BAIC lắp ráp tại một nhà máy ở Bắc Kinh. Huawei cũng đang phát triển các công nghệ cho ngành công nghiệp ô tô, từ hệ thống lái xe thông minh đến hệ thống buồng lái và nền tảng liên lạc. Thương hiệu xe Stelato của Huawei cũng là đối tác của BAIC.
Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi dự kiến có mặt tại 29 thành phố của Trung Quốc từ ngày 28/3, với phạm vi di chuyển lên tới 800 km và được trang bị phần mềm cùng các tính năng điện tử của Xiaomi. Mẫu xe này cũng sở hữu công nghệ có khả năng tăng tốc nhanh hơn xe điện của Tesla và Porche. Có thông tin rằng SU7 có thể tăng vận tốc từ 0 đến 100 km/giờ chỉ trong 2,8 giây. Chiếc xe có giá dao động trong khoảng 35.200 USD đến 55.000 USD
Cổ phiếu của Xiaomi đã tăng gần 12% tại Hong Kong (Trung Quốc) trong ngày đầu tháng này sau tin tức về những lô giao hàng đầu tiên SU7.
Tuy nhiên, tham vọng của Xiaomi và Huawei khả thi đến mức nào trong bối cảnh ngành ô tô vốn đã cực kỳ cạnh tranh?
Nhà phân tích ô tô người Đức Ferdinand Dudenhöffer vào tháng 1 đánh giá: “Có vẻ như chúng ta đang chứng kiến sự chuyển đổi lớn nhất trong ngành ô tô”.
Các rào cản
Ông Dudenhöffer dự đoán các tập đoàn sản xuất ô tô sẽ chỉ trở thành nhà cung cấp cho các hãng như Xiaomi trong tương lai. Ông bổ sung: “Tương lai của ô tô có thể không còn nằm nhiều ở phần cơ khí mà phụ thuộc vào phần mềm, hệ thống lái tự động và buồng lái thông minh. Đó chính xác là năng lực của các công ty công nghệ này”.
Xiaomi và Huawei chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ thị trường quê nhà vốn là thị trường ô tô lớn nhất thế giới xét về cung và cầu. Năm ngoái, doanh số tại Trung Quốc đạt 30 triệu xe, trong đó có 9 triệu xe điện. Tiềm năng của Trung Quốc là rất lớn vì hiện tại cứ 5 người dân mới sở hữu chưa đến một ô tô, so với 800 ô tô trên 1.000 dân ở Mỹ.
Nhưng bất chấp lượng giao xe kỷ lục, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện đang tham gia vào một cuộc chiến giá cả lớn đe dọa đến lợi nhuận. Tesla là hãng đầu tiên thực hiện nhiều đợt giảm giá hàng nghìn USD khi công ty của tỷ phú Elon Musk rơi xuống vị trí thứ hai trước đối thủ BYD (Trung Quốc) trong quý cuối cùng năm 2023, xét về số lượng xe điện bán ra.
Theo dữ liệu từ Shanghai Automotive Industry Corp, các đối thủ của Tesla cũng nhanh chóng giảm giá khiến giá xe điện giảm hơn 8% trong năm ngoái. Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc để khuyến khích chuyển đổi sang xe điện, trị giá gần 1.800 USD cho mỗi chiếc được mua, đã hết hiệu lực vào cuối năm 2022.
Đáng chú ý, nhiều thương hiệu ô tô nước ngoài lại gặp bất lợi hơn khi phải vật lộn để có được chỗ đứng tại Trung Quốc.
Trong khi những gã khổng lồ công nghệ như Xiaomi và Huawei có thể nắm lợi thế sân nhà, họ lại phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trong cuộc đua giành vị trí thống trị thị trường xe điện toàn cầu.
Xiaomi là thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến thứ ba ở châu Âu nhưng chỉ đứng thứ năm ở Mỹ. Danh tiếng của Huawei bị tổn hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Nhà phân tích ô tô Matthias Schmidt đánh giá với DW: “Với giá trị thương hiệu bằng 0 ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, việc thâm nhập vào các thị trường đó sẽ là một thách thức khó khăn. Đặc biệt khi Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu vào mùa hè này và Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu gần 30% đối với các nhà sản xuất Trung Quốc”.
Brussels lo ngại rằng việc nhập khẩu xe điện giá rẻ từ Trung Quốc có thể cản trở tăng trưởng của các nhà sản xuất ô tô châu Âu vốn đã đầu tư mạnh vào ô tô điện nhưng đang phải đối mặt với mức tăng trưởng doanh số chậm hơn, phần lớn do khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét liệu các khoản trợ cấp của Trung Quốc đối với xe điện có dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh hay không. EC cũng cân nhắc mức thuế nhập khẩu cao hơn. Sự xuất hiện của ô tô từ các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc có thể khiến Brussels phải hành động.
Hiện tại, các mức thuế được áp đặt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump khiến xe điện Trung Quốc không thể tiếp cận thị trường Mỹ. Nhưng BYD đã bắt đầu xuất khẩu xe điện sang nước láng giềng Mexico và tìm kiếm các địa điểm khả thi cho dây chuyền sản xuất của Mexico.
Ông Dudenhöffer dự báo BYD sẽ thay thế Toyota trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới trong vòng một thập niên tới. Thách thức đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc sẽ là hợp tác với BYD và những công ty khác để đảm bảo công nghệ tiếp cận được nhiều người lái xe nhất có thể.
Báo tin tức