Cổ phiếu bán lẻ, hàng tiêu dùng trong cuộc đua hút tiền: MWG, FRT, PNJ bứt phá mạnh, VNM, MSN, SAB mới bắt đầu nóng máy
Các cổ phiếu bán lẻ như MWG, FRT, PNJ đều đã tăng hàng chục % từ đầu năm trong khi nhóm hàng tiêu dùng như VNM, MSN, SAB mới bắt đầu nóng máy dù giao dịch rất sôi động trong vài tháng qua.
- 20-08-2024Cổ phiếu bất động sản đua nhau "bốc đầu" tăng trần, điều gì đang diễn ra?
- 20-08-2024Cuộc đua mở trung tâm tiêm chủng: Khi nào Long Châu vượt VNVC?
- 20-08-2024Một doanh nghiệp sắp "lăn chốt" trả cổ tức lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam, số tiền lớn hơn vốn hóa DIC Corp, Đất Xanh, Hoàng Huy cùng loạt ngân hàng
Thị trường chứng khoán gặp khó trước ngưỡng 1.300 điểm và rung lắc mạnh từ đầu quý 2 khiến không ít nhóm cổ phiếu đánh rơi thanh quả tăng giá hồi đầu năm. Rất nhiều cổ phiếu có hiệu suất thua mức tăng gần 13% của VN-Index, thậm chí giảm so với thời điểm bước vào năm 2024. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu bán lẻ nổi lên trở thành điểm sáng thu hút dòng tiền.
Tiền vào dồi dào đẩy bộ đôi cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG), FPT Retail (FRT) tăng rất mạnh, khoảng 60-70% từ đầu năm. Nhờ đó, MWG leo lên đỉnh gần 2 năm trong khi FRT cũng tiến sát đến đỉnh lịch sử đạt được hồi đầu tháng 7. Khiêm tốn hơn nhưng cổ phiếu PNJ cũng đã tăng gần 30% từ đầu năm và đang ở mức giá cao nhất từ trước đến nay (đã điều chỉnh).
Bắt nhịp với cuộc chơi chậm hơn nhưng nhóm hàng tiêu dùng cũng đang có dấu hiệu vào guồng với sự dẫn dắt của các Bluechips như Vinamilk (VNM), Masan (MSN) hay Sabeco (SAB). VNM tăng gần 16% trong chưa đầy một tháng và đang ở vùng giá cao nhất trong vòng gần một năm trở lại đây. MSN và SAB cũng đều ghi nhận mức tăng 2 con số kể từ đầu tháng 8 đến nay.
Đây là một tín hiệu tích cực với nhóm cổ phiếu từng có thời gian dài gần như "im hơi, lặng tiếng". Mặc dù biến động giá chưa thực sự ấn tượng nhưng giao dịch trên VNM, MSN và SAB từ đầu năm đã sôi động hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Cả 3 cổ phiếu này đều xác lập kỷ lục về khối lượng khớp lệnh trong 8 tháng đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2024, ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng Việt Nam liên tục có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường trong nước có thể kể đến như thương vụ Bain Capital đầu tư vào MSN, CDH Investments đầu tư vào BHX (công ty con của MWG), nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới cũng mở rộng cửa hàng tại Việt Nam như UNIQLO, MUJI, Starbucks.
Hưởng lợi từ các biện pháp kích cầu và sự phục hồi của nền kinh tế
Hai nhóm ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng về cơ bản có khá nhiều điểm tương đồng nếu xét trên góc độ tác động của các yếu tố vĩ mô. Từ đầu năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, có thể kể đến như cải cách tiền lương, giảm thuế VAT…
Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023, ước đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng. Mức độ tăng trưởng có xu hướng tăng theo từng tháng phần nào cho thấy sức mua trong nền kinh tế đang có sự hồi phục tích cực dù tốc độ còn khá khiêm tốn.
Nhiều yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ, hàng tiêu dùng hồi phục kết quả kinh doanh sau giai đoạn khó khăn trước đó.
Bách Hóa Xanh (BHX) chính thức có lãi và chuỗi điện máy tăng trưởng cao giúp MWG có quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm tăng 5.200% và gần hoàn thành kế hoạch cả năm. Tương tự, FRT với động lực từ chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng có 2 quý liên tiếp báo lãi, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 109 tỷ, khả quan hơn nhiều số lỗ 213 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Lợi nhuận nửa đầu năm của PNJ cũng cao kỷ lục.
Trong nhóm hàng tiêu dùng, MSN ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng 64% so với cùng kỳ 2023. Vinamilk cũng có một quý đầy khởi sắc với doanh thu kỷ lục và lợi nhuận cao nhất 11 quý, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. SAB cũng nỗ lực vượt qua "cú đấm" thổi nồng độ cồn với lợi nhuận nửa đầu năm tăng trưởng gần 6% so với cùng kỳ 2023.
Mặc dù một số doanh nghiệp vẫn chưa thể đạt được kết quả kinh doanh như thời kỳ hoàng kim trong quá khứ nhưng sự khởi sắc trong nửa đầu năm nay cũng đem đến những tín hiệu lạc quan cho cổ đông. Thêm nữa, triển vọng kinh doanh của nhóm bán lẻ, hàng tiêu dùng còn được đánh giá tích cực trong thời gian tới.
Triển vọng lạc quan trong tương lai
Trong nửa cuối năm, ngành bán lẻ được kỳ kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục nhờ những tín hiệu tích cực từ vĩ mô và mức nền thấp từ năm trước. Fed đang tiến gần đến thời điểm cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt áp lực lên tỷ giá, tạo ra dư địa để SBV duy trì chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng. Điều này sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, phục hồi sức mua trong nước.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương cơ sở, tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết 2024 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Nền kinh tế hồi phục được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân, tâm lý tiêu dùng lạc quan sẽ giúp kích thích chi tiêu trong môi trường lãi suất thấp.
Với các ngành hàng thiết yếu, thuốc, dư địa tăng trưởng vẫn còn khá nhiều. Theo KBSV, các chuỗi bán lẻ tạp hoá hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại, với những lợi thế về chất lượng, dịch vụ. Tương tự, xu hướng trong tương lai các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ vượt trội so với các cửa hàng nhỏ lẻ nhờ lợi thế quy mô, dịch vụ, chất lượng sản phẩm đảm bảo.
Với ngành hàng bán lẻ ICT, KBSV kỳ vọng giúp tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 có thể kể đến như (1) Chu kỳ thay thế điện thoại, laptop; (2) Dừng phát sóng 2G, 3G. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện tại đã khá bão hoà, cạnh tranhgay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay.
Với triển vọng lạc quan, KBSV đánh giá, ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng tiền lớn trong tương lai. Về dài hạn, thị trường cũng đang đón chờ những thương vụ IPO lớn của các công ty bán lẻ lớn trong nước như MSN IPO The CrownX, FRT IPO Long Châu hay MWG IPO BHX, EraBlue.