MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu tăng miệt mài 77% từ đâu năm, vốn hoá Hoà Bình chính thức vượt Coteccons sau 10 năm

Cổ phiếu tăng miệt mài 77% từ đâu năm, vốn hoá Hoà Bình chính thức vượt Coteccons sau 10 năm

Năm 2021 vị thế của CTD tỏ ra lung lay trước "kỳ phùng địch thủ" HBC. Hiện, vốn hoá HBC đã chính thức vượt CTD sau thập niên bị áp đảo. Doanh thu, lợi nhuận cũng ngấp nghé tính đến cuối quý 3/2021.

Bất chấp chỉ số kinh doanh sụt giảm do ảnh hưởng từ Covid-19, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp xây dựng vẫn tăng điểm. Đáng chú ý, thị giá tăng mạnh cao gấp 2,3 lần tính từ đầu năm, vốn hoá Xây dựng Hoà Bình (HBC) đã lên mức 5.400 tỷ đồng và chính thức vượt Coteccons (CTD) sau nhiều năm bị áp đảo.

Được biết, sự thăng hoa của HBC không chỉ đến từ những kỳ vọng của thị trường trong làn sóng đầu tư công mạnh mẽ của Việt Nam, mà còn là tín hiệu cho sự cải thiện của Công ty sau nhiều năm tái cấu trúc.

Ghi nhận, tổng giá trị trúng thầu lũy kế HBC hiện đã hơn 16.000 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch 14.000 tỷ đồng cả năm đã đề ra. Công ty còn đang mở rộng hoạt động sang mảng công nghiệp cũng như củng cố vị thế thương hiệu trên trường quốc tế.

Cổ phiếu tăng miệt mài 77% từ đâu năm, vốn hoá Hoà Bình chính thức vượt Coteccons sau 10 năm - Ảnh 1.

Cụ thể, mới đây HBC đã lập Công ty TNHH MTV HBIC có vị trí tại quận 9, tương lai nếu thành phố Thủ Đức hình thành thì đây sẽ là vị trí đắc địa. Diện tích hiện nay của khu đất tại đây là 24.500 m2, HBC đã đóng đủ tiền thuê đất cho 50 năm.

Theo HBC, mục tiêu lập HBIC là để phục vụ cho chiến lược lâu dài khi Công ty phát triển ra thị trường nước ngoài. Trong đó, không chỉ có lợi thế ban đầu là về giá, lâu dài HBC cũng chuẩn bị lợi thế về cả công nghệ kỹ thuật. HBC mục tiêu có những bằng phát minh về kỹ thuật để có thể đảm bảo lợi thế cạnh tranh sau này, sau khi không còn cạnh tranh về giá.

Công ty cũng vừa thông báo đã ký kết hợp tác chiến lược với Shire Oak International (SOI) nhằm phát triển điện mặt trời. Trong đó HBC sẽ tham gia vai trò tổng thầu EPC….

Để có nguồn lực cho chiến lược mới, năm 2021 Công ty tiếp tục kế hoạch tái cấu trúc, trong đó sẽ thoái vốn tại các dự án bất động sản để tập trung cho mảng chủ lực là xây dựng. Theo chia sẻ của Chủ tịch Lê Viết Hải tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, HBC đang đầu tư khoảng 11 dự án, trong đó có 4 dự án lớn. Riêng dự án tại số 1C Tôn Thất Thuyết có khả năng thu về 400 tỷ đồng. Nhìn chung, tổng thoái vốn 4 dự án lớn thì khả năng HBC sẽ thu về trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra HBC cũng thoái vốn tại một số công ty con trong mảng chứng khoán, sản xuất betong sợi thuỷ tinh…

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng công nghiệp hạ tầng, người đứng đầu cho biết vắc-xin đã bắt đầu được phân phối trên một số nước sẽ tạo điều kiện mở cửa kinh tế tiếp đón dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, nhu cầu dịch chuyển sản xuất và nhà máy từ Trung Quốc, Châu Âu sang Việt Nam sẽ hâm nóng thị trường bắt động sản công nghiệp. Du lịch quốc tế hồi phục sẽ làm tăng nhu cầu xây dựng bất động sản du lịch trong nước.

Do vậy, ngắn hạn có thể ngành xây dựng đối mặt với khó khăn từ Covid-19 cũng như cơn khủng hoảng giá VLXD tăng cao. Song, dài hạn khoảng 1-2 năm tới tình hình sẽ cải thiện nhiều, ông Hải nhấn mạnh.

Về kinh doanh, Công ty ghi nhận doanh thu gần 2.100 tỷ trong quý 3 và lũy kế 9 tháng đạt 7.500 tỷ đồng. HBC theo đó đã có 2 quý liên tiếp ghi nhận doanh thu vượt Coteccons.

Lợi nhuận ròng 9 tháng của Hòa Bình đạt 81 tỷ đồng – tăng 23%. Như vậy có thể thấy trong giai đoạn khó khăn nhất khi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid, Hòa Bình dường như đang thích ứng tốt hơn.

Tính đến thời điểm 30/9/2021, nợ vay ngân hàng giảm đi đáng kể và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HBC đã dương trở lại. Cụ thể, dư nợ vay ngắn hạn và dư nợ vay dài hạn lần lượt giảm 15% và 11% so với đầu năm, xuống còn 4.232 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.

Cổ phiếu tăng miệt mài 77% từ đâu năm, vốn hoá Hoà Bình chính thức vượt Coteccons sau 10 năm - Ảnh 2.

Về phía CTD, về tay chủ mới Công ty cũng có kế hoạch phát triển thành đơn vị đa ngành với xây dựng làm chủ lực. Theo kế hoạch công bố tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, CTD hướng đến xây dựng hệ sinh thái bao gồm xây dựng là chủ lực, song song với mảng tài chính xây dựng, M&E, cơ sở hạ tầng… CTD cũng lấn sang lĩnh vực tổng thầu các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió; tận dụng thế mạnh trong mảng thi công nhà xưởng, mở rộng hợp tác mảng đầu tư khu công nghiệp.

Ngắn hạn, ngành xây dựng chịu áp lực lớn, chưa kể CTD còn đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ nhóm đối thủ là công ty của "tướng" cũ là ông Nguyễn Bá Dương. Trong động thái mới đây, CTD vừa thông qua quyết định dừng hợp đồng với các nhà thầu liên quan chủ cũ gồm Newtecons, SOL E&C, Ricons… vì mâu thuẫn lợi ích.

Chỉ số kinh doanh của Công ty cũng thể hiện áp lực lớn khi lần đầu thua lỗ 12 tỷ đồng trong quý 3/2021. Đây cũng là quý thứ 2 CTD lỗ sau quý 4/2020 (lỗ khoảng 36 tỷ đồng theo số liệu sau kiểm toán). Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu CTD giảm từ mức 10.300 tỷ đồng xuống còn 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vào mức 87,5 tỷ - giảm 76% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Cổ phiếu tăng miệt mài 77% từ đâu năm, vốn hoá Hoà Bình chính thức vượt Coteccons sau 10 năm - Ảnh 3.

Từng là đơn vị dẫn đầu ngành với sức khoẻ tài chính cực tốt, CTD liên tục gia tăng giá trị thầu và thu về hàng ngàn tỷ lợi nhuận mỗi năm, ngay cả giai đoạn thị trường khó khăn 2017-2020. Theo đó, dù cùng là "ông lớn" thuộc Top trong ngành, CTD thực tế bỏ xa đối thủ.

Nhưng, năm 2021 vị thế của CTD tỏ ra lung lay trước "kỳ phùng địch thủ" HBC. Hiện, vốn hoá HBC đã chính thức vượt CTD sau thập niên bị áp đảo. Doanh thu, lợi nhuận cũng ngấp nghé tính đến cuối quý 3/2021.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên