Cổ phiếu thép đồng loạt "nổi sóng", có mã tăng sát giá trần, điều gì đang diễn ra?
Mới đây, Bộ Công thương đã quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 29/7 chứng kiến sự bứt phá bất ngờ của nhóm cổ phiếu thép. Nhiều cổ phiếu nhuộm "sắc xanh" phải kể tới: Tisco (TIS); Đầu tư Thương mại SMC (SMC), Hoà Phát (HPG), Thép Tiến Lên (TLH), Thép Nam Kim (NKG),… Dòng tiền lan toả tại các cổ phiếu thép giúp nhóm này đồng thuận tăng từ 1% đến gần 7%. Đáng chú ý, cổ phiếu TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP còn tăng mạnh 11,11%, sát mức giá trần qua đó kết phiên tại 10.000 đồng/cp.
Cổ phiếu nhóm thép đua nhau nổi sóng sau thông tin Bộ Công thương đã quyết định tiến hành điều tra biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 26/7. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.
Trước đó, trong ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu) - bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Bên yêu cầu cũng đã cung cấp được các cơ sở hợp lý để chứng minh hành vi bán phá giá của hàng hóa được đề nghị điều tra cũng như đã cung cấp dữ liệu để xác định biên độ bán phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.
Sau quyết định này, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tham vấn thông tin và thực hiện điều tra theo quy định. Cũng kể từ khi có quyết định điều tra có hiệu lực tới khi kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu với hàng hóa bị điều tra để phục vụ công tác điều tra.
Sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024
Ngoài ra, động lực tăng điểm của nhóm thép còn đến từ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi nửa cuối năm 2024.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KBSV cho biết tới cuối quý 1/2024, tổng giá trị nguyên vật liệu toàn ngành đạt 36.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% so với quý trước và tăng 21% so với cùng kỳ 2023. Sau giai đoạn tập trung xử lý hàng tồn kho giá cao, các doanh nghiệp đã cho thấy sự tin tin nhất định về triển vọng nhu cầu tiêu thụ phục hồi trong 2024.
Nhóm phân tích kỳ vọng rằng sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ bắt đầu hồi phục từ nửa sau năm 2024 nhờ lĩnh vực Bất động sản nhà ở dần hồi phục và số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng. Trong trung và dài hạn, luật Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 01/08/2024 được kỳ vọng sẽ gián tiếp kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.
Tính tới thời điểm hiện tại, xu hướng hồi phục tại thị trường nội địa đã và đang diễn ra khi sản lượng tiêu thụ thép ống T4-05/2024 đạt 191/184 nghìn tấn, tăng 26%/14% so với cùng kỳ (90% sản lượng thép ống được tiêu thụ tới từ thị trường trong nước). KBSV kỳ vọng sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép trong 2024/2025 tăng 15%/8% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, KBSV nhận định khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất thép nội địa sẽ được cải thiện so với cùng kỳ nhờ chênh lệch giá bán thép xây dựng trong nước so với thép nhập khẩu đã giảm đáng kể so với 2023 và vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tạo dư địa để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán để đảm bảo sản lượng tiêu thụ.
Giá thép tại thị trường Việt Nam cải thiện
Bên cạnh kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi, đội ngũ phân tích dự đoán giá thép trong nước sẽ được hỗ trợ.
Theo KBSV, dưới tác động của thị trường Bất động sản, giá thép Trung Quốc có xu hướng giảm từ đầu năm do triển vọng tiêu thụ thấp. Nhóm phân tích cho rằng giá thép Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong nửa sau năm 2024 do tồn kho tới T5/2024 tăng 27% từ đầu năm, công suất toàn ngành có xu hướng cải thiện và thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm, hồi phục chậm.
Tuy nhiên, đối với thị trường trong nước, KBSV cho rằng giá thép sẽ được hỗ trợ nhờ nhu cầu nội địa gia tăng, làm giảm áp lực điều chỉnh, cạnh tranh với giá thép Trung Quốc. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm tới, điều này sẽ giúp biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.
Tựu chung lại, KBSV đánh giá ngành thép có triển vọng tăng trưởng tích cực với định giá P/B trượt ở vùng hợp lý. "Nhìn rộng hơn, ngành thép cho thấy nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2025-2027 nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa sau 2024; triển vọng sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động cũng như ngành thép bắt đầu chu kỳ giá mới khi thị trường Bất động sản Trung Quốc bắt đầu hồi phục chậm từ 2025 trở đi", báo cáo KBSV chỉ rõ. Một số cơ hội đầu tư đáng chú ý bao gồm: HPG, HSG, NKG.