"Cò" thổi giá đất giáp ranh TP Hạ Long tăng chóng mặt
Giá đất tại các xã giáp ranh dọc vịnh Cửa Lục tăng đến hàng chục lần cùng đội ngũ "cò đất" hoạt động sôi nổi ngày đêm.
- 09-10-2019Giá nhà đất Bến Cát tăng 2-3 lần sau 2 năm
- 08-10-2019Bắc Ninh xây dựng tỉnh lộ B2, giá đất mặt tiền tăng vọt
- 07-10-2019Đồng Nai: Duyệt giá đất để tính tiền bồi thường tại 2 dự án ở TP Biên Hòa
Sau khi tỉnh Quảng Ninh thống nhất ban hành Nghị quyết sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long , giá đất tại các xã giáp ranh dọc vịnh Cửa Lục tăng chóng mặt đến hàng chục lần, đội ngũ "cò đất" hoạt động sôi nổi ngày đêm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khẳng định đây chỉ là thủ đoạn gây "sốt đất" ảo nhằm trục lợi.
Theo ghi nhận của PV, 10 giờ sáng 8/10, hàng dài xe ô tô tấp nập nối nhau vào khu vực dự án khu dân cư đô thị Bắc Cửa Lục, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ. Đây là khu vực ven vịnh Cửa Lục nhìn thẳng sang cảng Cái Lân, TP Hạ Long. Những người có mặt tại đây trải bản đồ quy hoạch xem xét, bàn thảo, thương lượng việc mua bán các lô đất. Theo sự giới thiệu của một "cò đất", chúng tôi được giới thiệu tận tình vị trí của các lô đất đẹp kèm giá cả.
“Tất cả lô ở Bắc Cửa Lục đều là 300m2, hướng ra mặt biển tầm 11 triệu/m2, 7 triệu/m2 là lô mặt trong nhưng giá thay đổi theo ngày. Tất cả các lô đều có sổ đỏ, sang tên một tí là xong, bao hết tiền sang tên luôn”, một “cò đất” nói chắc nịch.
Dự án Khu đô thị Bắc Cửa Lục, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ là một trong số các khu vực giá đất được "thổi" tăng cao hàng chục lần so với trước.
"Cò" này lý giải, giá đất cao vì đây là vị trí đẹp, đón đầu hướng lên cầu Cửa Lục 1 sẽ được xây dựng vào năm 2020, đồng thời khẳng định đang nắm trong tay quy hoạch "mật" và đọc vanh vách những dự án đã có sổ đỏ, có thể chuyển nhượng ngay như dự án Bắc Cửa Lục, thôn Làng, Thạch Bích,...
Tuy vậy, một "cò đất" khác có tiếng tăm trong giới lại khẳng định, đất đai tại dự án Bắc Cửa Lục không thể mua được. Người này giới thiệu chúng tôi sang xã Thống Nhất với những lô đất tiềm năng, cũng thuận tiện giao thông với Hạ Long hơn. Tại đây, “cò” này cho biết có thể gom đất của dân với giá "hữu nghị" và thông tin, đầu năm nay, giá một lô sát đường quốc lộ diện tích khoảng 200m2 đất ở chỉ khoảng 400 triệu nhưng nay đã lên đến hơn 2 tỷ đồng, nhiều vị trí khác từ chỉ gần 1 triệu/m2 nay cũng tăng chóng mặt.
“Đất ở đây giờ đắt và đang lên rất nhanh, có nơi 10 triệu đến gần 20 triệu đồng 1 mét vuông. Người đầu tư các nơi đổ dồn về lại được “cò đất” thổi nên giá ngày càng tăng, một miếng đất cứ mua vào rồi bán ra là chênh tiền tỷ. Nếu lấy ngay miếng này giờ 1,8 tỷ rồi bán ngay sẽ được 2,4 - 2,5 tỷ, có mấy hôm mà lên 500 - 600 triệu làm gì ra đâu?”, cò đất đọc bài “môi giới” vanh vách.
Bà Hoàng Thu Phương, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn An Biên 2, xã Lê Lợi - nơi có dự án khu đô thị Bắc Cửa Lục cho biết, những lô đất này nhiều năm trước "bán không ai mua" bởi dự án đã tồn tại hàng chục năm nhưng đến nay mới chỉ có mặt bằng bỏ không, chưa có cơ sở hạ tầng tối thiểu.
“Một số đối tượng cũng đến tận các hộ dân để mua đất. Có một số hộ dân cũng dao động và muốn bán vì 1 lô đất giờ được trả giá từ 4 – 5 tỷ đồng. Những nhà có đất nông nghiệp khu vực Trới - Vũ Oai cũng nhiều đối tượng vào hỏi mua, có ngày xe ô tô vào – ra tấp nập”, bà Phương cho biết.
Không chỉ giao dịch trực tiếp tại hiện trường, các "nhà môi giới" cũng hoạt động tích cực trên mạng xã hội và các trang web bất động sản. Nhiều người tranh thủ thời cơ "lướt sóng", mời chào mua đi bán lại để ăn chênh lệch, thu lợi hàng trăm triệu đồng chỉ sau 1 - 2 giao dịch.
Ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ cho biết, rải rác từ đầu năm 2019, khi có thông tin xây dựng quy hoạch chung huyện Hoành Bồ, hiện tượng "sốt" đất đã xảy ra. Các "cò đất" còn gửi tin nhắn tới một số cán bộ, công chức huyện để chào mời đầu tư mua đi bán lại các lô đất thuộc các dự án đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nhã khẳng định, đây chỉ là thủ đoạn "làm thị trường" của chính nhóm môi giới với nhau, ngụy tạo giao dịch "mồi" để dụ khách hàng đổ tiền vào mua đất. Khi không còn "sốt đất" ảo, giá đất giảm sâu sẽ khiến các nhà đầu tư mắc kẹt, gây mất an ninh trật tự, phát sinh tín dụng đen và khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn.
Huyện Hoành Bồ đã liên tục ra các thông báo "điểm mặt chỉ tên" các dự án chưa đủ thủ tục về đầu tư hạ tầng dân sự, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các xã Lê Lợi, Thống Nhất như Khu dân cư thôn Chợ, Khu đô thị Bắc Cầu Bang giai đoạn 2, Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Sông Đà 1; đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác trước các giao dịch chuyển nhượng quyền góp vốn.
Đội ngũ môi giới và người giao dịch tụ họp đông đảo tại khu vực dự án. |
Từ tháng 7/2019, huyện Hoành Bồ cũng đã tạm dừng việc xác nhận các hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa. Bên cạnh việc tăng cường quản lý Nhà nước, quán triệt đến chính quyền các xã, thôn để tuyên truyền đến người dân, huyện cũng đã sử dụng xe phát thanh lưu động để tập trung phát cảnh báo tại các địa điểm "nóng".
“Đối với các giao dịch dân sự không chính thống, huyện chỉ đạo là không có xác nhận của chính quyền cấp cơ sở và đã khuyến cáo đến người dân trên thông tin đại chúng. Với mọi giao dịch ở huyện Hoành Bồ, huyện yêu cầu người dân phải làm việc với chính quyền cơ sở để xác định giao dịch có hợp pháp hay không. UBND huyện sẵn sàng tiếp và cung cấp thông tin, thông báo đến người dân một cách chính xác nhất những khu vực đủ điều kiện để chuyển nhượng hợp nhất. Những địa điểm, văn phòng không đủ điều kiện huyện kiên quyết dẹp bỏ”, ông Nhã khuyến cáo.
Ngày 2/10 vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ra Quyết định về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Theo đó, sau khi sáp nhập huyện miền núi Hoành Bồ vào thủ phủ Hạ Long, TP Hạ Long mới sẽ có diện tích hơn 1.119 km2, dân số hơn 300.200 người, trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính trực thuộc. Việc sắp xếp, sáp nhập sẽ được triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong năm 2019./.
VOV