Có tiền nên đầu tư gì trong năm rồng?
Theo các chuyên gia, năm nay kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn. Theo đó, người có sẵn tiền có nhiều kênh lựa chọn đầu tư được các chuyên gia đánh giá có khả năng sinh lời như gửi tiết kiệm, mua vàng, bất động sản, trái phiếu hay chứng khoán.
- 10-02-2024Mùng 1 Tết tìm nơi gửi tiết kiệm online hấp dẫn nhất: Có ngân hàng lãi suất lên tới 11%/năm
- 07-02-2024Lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt của các ngân hàng thế nào?
- 06-02-2024Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt những ngày gần Tết Nguyên đán, gấp 10 lần chỉ sau vài phiên
Gửi tiết kiệm : Lãi suất thấp nhưng an toàn
Năm 2023, sau bốn lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng bước vào "cuộc đua" giảm lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ mức đỉnh 10-12,5% thời điểm đầu năm thì cuối năm chỉ còn 5%.
Các nhà băng trong nhóm quốc doanh (Big4) đưa ra mức lãi suất thấp kỷ lục. Hiện, lãi suất tiền gửi 1 tháng của Vietcombank chỉ còn 1,7%/năm, thấp nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng toàn hệ thống ngân hàng hiện tại ở mức 5%/năm.
Trong bối cảnh lãi suất huy động đã về vùng thấp lịch sử, Chứng khoán KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 trong khoảng 4,85 - 5,35%.
Các yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất huy động: Cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ phục hồi, tuy nhiên khó có đột biến. Do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để trong năm sau. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6% với lĩnh vực bất động sản , khu vực có tỷ trọng đóng góp cao trong tăng trưởng tín dụng, chưa thể hồi phục mạnh mẽ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 11/2023, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay, bất chấp lãi suất thấp. Trong 2 tháng 10 và 11/2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng 21.847 tỷ đồng. Theo đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn trong năm 2024.
Vàng : Chắc chắn lãi!
Năm 2023, nhà đầu tư nắm giữ vàng miếng hay vàng nhẫn đều lãi trên 12%/năm. Vàng miếng SJC có thời điểm cuối năm 2023 vọt lên 80 triệu đồng/lượng và hiện đang quanh mốc 78 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tăng mạnh từ đầu năm ở mốc 55 triệu đồng/lượng lên mốc 65 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh - chuyên gia Hiệp hội Vàng thế giới - cho biết, hai năm gần đây vàng tăng hấp dẫn nhưng trong khoảng thời gian 10 năm trở lại vàng SJC chỉ tăng bình quân 4%, mức này còn thấp hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm.
Trước đó, những tháng cuối năm 2023 giá vàng miếng SJC liên tục nhảy múa, đã có lúc giá kim loại quý vượt mức 80 triệu đồng một lượng, rồi nhanh chóng lao dốc trước khi dao động quanh mức 77 - 78 triệu đồng/lượng.
"Vàng có thể sẽ được neo giữ ở vùng giá tốt trong năm 2024 nhưng sang năm 2025, khi kinh tế tăng trưởng vàng có thể sẽ giảm hoặc đi ngang", ông Khánh nói.
Bất động sản: Phục hồi chậm
Bức tranh bất động sản năm 2023 khép lại với diễn biến ảm đạm ở tất cả phân khúc, dù Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều động thái nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Nhiều phân khúc đầu tư, đầu cơ có xu hướng giảm giá mạnh 40-50% nhưng chững giá hoặc neo giá cao ở các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật như chung cư, nhà riêng lẻ.
Đánh giá về triển vọng bất động sản trong năm 2024, theo báo cáo phân tích thị trường của công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), bất động sản năm nay sẽ tích cực hơn nhờ các yếu tố mặt bằng lãi suất và Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với các vấn đề như dự án bị trì trệ và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bất động sản chỉ có thể phục hồi ở các phân khúc như chung cư, thổ cư hoặc khu vực trung tâm. Các phân khúc đầu cơ sẽ phục hồi chậm hơn, trong thời gian khoảng một năm.
Cổ phiếu: Lên nhưng trồi sụt
Trải qua một năm nhiều biến động, thị trường chứng khoán khép lại năm 2023 với chỉ số VN-Index đóng cửa sát 1.130 điểm, tăng 12,2% so với đầu năm. Trong đó, một số mã cổ phiếu có hiệu suất vượt trội với mức tăng 35-78% đến từ các nhóm ngành như thép, hóa chất, công nghệ... Ngược lại, một số mã lại sụt giảm mạnh khoảng 80-90% khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ hụt hẫng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp và định giá thị trường hợp lý, nhiều chuyên gia đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong năm 2024. Báo cáo của MBS nhận định, VN-Index sẽ tăng lên mức 1.250 - 1.280 điểm.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, VN-Index có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những phiên tăng điểm. Công ty chứng khoán này đánh giá, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.
Trái phiếu : Nhiều cơ hội
Thống kê từ báo cáo mới nhất của FiinRatings cho thấy, tính đến ngày 5/2, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6.450 tỷ từ 4 doanh nghiệp.
Đánh giá triển vọng thị trường năm 2024, mặc dù rất khó để có thể dự báo được giá trị phát hành dự kiến cả năm 2024 nhưng FiinRatings vẫn cho rằng triển vọng cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ sôi động hơn năm 2023 vì những lý do dưới đây.
Thứ nhất, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Mặc dù nhóm ngành này chưa công bố hết kế hoạch, hầu hết các ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, ví dụ yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Thứ hai, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn: Để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn.
Bên cạnh đó, môi trường lãi suất trong nước được dự báo vẫn được duy trì thấp như hiện nay, đồng thời lãi suất quốc tế có xu hướng giảm trong những năm tới.
"Đây sẽ là yếu tố xúc tác rất lớn cho các ngành và doanh nghiệp có nhu cầu vốn dài hạn có thể tính toán đến việc phát hành trái phiếu, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là khi bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm 2023", FiinRatings đánh giá.
Tiền phong