MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có tiền thưởng Tết nên gửi ngân hàng nào?

10-01-2023 - 22:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất huy động hấp dẫn, các ngân hàng đang tăng hút vốn tiền gửi trong dân dịp Tết.

Vừa lĩnh được khoản thưởng Tết gần 50 triệu đồng, cộng với tiền tiết kiệm trong năm được tầm 200 triệu đồng, chị Đào Thị Minh Trang (ngụ quận Phú Nhuận) liền lên mạng, tìm hiểu lãi suất các ngân hàng để gửi tiết kiệm.

“Với người không rành về kinh doanh, đầu tư như tôi thì gửi tiết kiệm là yên tâm nhất. Hiện nay, lãi suất tiền gửi các ngân hàng đang rất tốt, nhiều bạn bè của tôi cũng chọn kênh này để đầu tư sinh lợi” - chị Trang cho hay.

Khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng, có thể thấy mức lãi suất huy động cao nhất là 9,5%/năm được nhiều ngân hàng niêm yết hiện nay. Đơn cử như: Kienlongbank (9,5%), Saigonbank (9,5%), NamABank (9,5%), Techcombank (9,5%), VPBank (9,4%), SHB (9,1%/năm), ACB (9%)...

Tuy nhiên một vài ngân hàng có mức lãi suất vượt 9,5% như tại ngân hàng NCB, kỳ hạn từ 1-6 tháng lãi suất tiền gửi đang áp dụng là 6%/năm; 6-12 tháng là 9,5-9,7%/năm. Còn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13-60 tháng, lãi suất tiết kiệm được nhà băng này áp dụng từ ngày 22/12/2022 là 9,9%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ).

Có tiền thưởng Tết nên gửi ngân hàng nào? - Ảnh 1.

Nhiều người chọn gửi tiết kiệm ngân hàng làm kênh đầu tư vì lãi suất hấp dẫn

Ngân hàng SCB trước đó niêm yết lãi suất 9,95%/năm nhưng hiện không còn thông tin trên website của ngân hàng, khách hàng cần tìm hiểu có thể liên hệ với chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, trong năm 2022, hoạt động ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Huy động vốn tăng khoảng 6%. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 37,2% trong tổng huy động vốn và tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung, tăng 9,2% so với cuối năm 2021.

“Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh năm 2022, có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý người dân, người gửi tiền. Kết quả này phản ánh kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, an toàn và hiệu quả, tiếp tục phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, được pháp luật bảo đảm lợi ích người gửi tiền trong mọi trường hợp. Bên cạnh đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư là bộ phận tiền gửi ổn định nhất, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả” - ông Lệnh nói.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, dự ước tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng theo đúng định hướng điều hành của Ngân hàng Trung ương và đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 9%, có đóng góp quan trọng của hoạt động tín dụng ngân hàng thành phố, trong bối cảnh các kênh vốn khác trong năm gặp nhiều khó khăn.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên